Những chú chó ở Trường Sa
Có lẽ những ai từng một lần đến với đảo chìm, đảo nổi trên quần đảo Trường Sa đều vô cùng xúc động khi được nhìn thấy và đặt chân lên mảnh đất máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng. Gặp những người con ưu tú của quê hương công tác trên đảo, ngắm màu xanh cây lá và bắt gặp những chú chó mừng quýnh ra đón khách tận chân cầu tàu, ai cũng có cảm giác như đang ở trong đất liền. Đại úy Hoàng Văn Sinh, đảo Đá Lớn A chia sẻ: Từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sau mấy ngày lênh đênh trên biển, anh em cán bộ, chiến sĩ ra làm nhiệm vụ đã có mặt ở đơn vị. Nhìn đàn chó lao ra đón rồi nó quấn quýt theo sau thì nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ đất liền vơi đi phần nào. Hình ảnh chú chó thân thương đã tạo cảm giác thật gần gũi với đất liền ở nơi cách xa vạn dặm.
Vì những thiện cảm ban đầu đó mà những chú chó đã trở thành người bạn thân thiết của lính đảo. Chúng trò chuyện, thức cùng người lính canh gác biển, đảo. Chiến sĩ Lê Quốc Quý ở đảo Cô Lin tâm sự: Mỗi khi anh em đi tuần tra, canh gác, bất kể đêm hay ngày, bao giờ cũng có vài con chạy theo. Thỉnh thoảng chúng sủa nhóc nhách phá tan cái đêm lạnh và sóng vỗ ầm ào. Đặc biệt, chúng rất khôn, cũng là tiếng sóng xô bờ nhưng nó biết rõ cái nào là do sóng, cái nào là do người tạo ra, vì thế đi tuần tra đêm cùng mấy chú chó thì rất yên tâm.
Thường xuyên gần gũi và được các chiến sĩ đảo chăm sóc, huấn luyện nên nhiều chú chó cũng tinh nghịch như chàng lính trẻ, nhảy xuống biển bơi và còn biết giúp bộ đội lùa bắt cá ở vùng biển cạn - nơi những bãi san hô ngầm, khi thủy triều xuống nước chỉ quá mắt cá chân. Trung úy Lê Bá Tùng ở đảo Núi Le cho biết, có chú chó lặn sâu vài ba mét bắt được cá bò 1 - 2kg mang lên cho bộ đội rồi sủa vang cả sân đơn vị để “khoe” chiến công.
Mỗi đảo trung bình có 10 chú chó, nhiều đảo lên tới 20 - 30. Chó nuôi trên các đảo chủ yếu là giống chó nhà mang từ đất liền ra, giống chó thóc nhỏ bé nhưng rất khôn ngoan, lanh lợi. Ban ngày, anh em phóng viên có thể đi thăm khắp đơn vị nhưng ban đêm nếu đi vào khu vực cấm chúng sủa inh ỏi xua đuổi. Mặc dù là những khách lạ đến đảo nhưng cả đàn chó trông thì hung tợn nhưng chưa tấn công một ai bao giờ. Thượng úy Đào Đức Hưng ở đảo Tiên Nữ chia sẻ: Chó sống trên đảo khôn ngoan và có kỷ cương, nền nếp. Hình như nó cũng mong có người ra thăm đảo. Có lẽ quanh năm sống ngoài đảo xa nên đàn chó ở đây cũng “thèm hơi” của đất liền như những người lính đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển, đảo và vùng trời Tổ quốc. Chính vì thế mà mỗi khi có đoàn khách ra thăm, nhiều con hớn hở tới mức ùa ra sóng mà vẫy tít đuôi mừng, dù toàn là người lạ.
Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và điểm đảo, bộ đội Trường Sa nói một cách dí dỏm là nhiều chú chó cũng “luân chuyển công tác”. Đó là chuyện, đàn chó sống chung trên một đảo nên con, cháu của nó sinh ra, mặc dù vẫn lớn bình thường nhưng đầu óc cứ ngẩn ngơ như mất hồn, nguyên nhân là chúng đều cận hoặc cùng huyết thống. Cho nên, để phát triển đàn chó và giữ cho chúng khôn ngoan, nhanh nhẹn, anh em trên đảo “sáng kiến” đổi chó đực từ đảo nọ sang đảo kia thông qua các đoàn công tác ra thăm đảo.
Vì chó đã trở thành người bạn, người “đồng chí” thân thiết của lính đảo nên bộ đội Trường Sa không ăn thịt chó. Một số chiến sĩ trẻ chia sẻ: Diện tích đơn vị nhỏ nên bộ đội đi ra đi vào suốt ngày gặp chúng nó. Có lần bão biển cuốn trôi mất một con, hôm sau không thấy nó nữa cả đơn vị ai cũng buồn bởi nó quá gắn bó, thân thiết với người lính đảo. Nói về tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ Trường Sa với những chú chó đáng yêu, nhiều anh em đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ: Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây/Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm/Sóng thì to, nước biển kia rất mặn/Mày cứ bơi ra, tao sao thể cầm lòng/Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không/Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng/Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng/Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa/Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà/Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ/Và tao biết đêm qua mày mất ngủ/Cứ liếm tay tao, sợ trốn mày về/Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương quá/Thương những đêm tao và mày đứng gác/Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác/Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ/Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ/Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ/Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ/Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay/Về đi mày, đừng bơi nữa, mắt cay...
Hà Thanh
Tin cùng chuyên mục
- Ngày đầu làm việc của các sở, ngành sau sắp xếp tổ chức bộ máy 03.03.2025 | 22:47 PM
- Chợ dân sinh - sinh kế của người dânKỳ 1: Chợ - không chỉ là nơi buôn bán 25.11.2024 | 09:39 AM
- Phân loại rác thải tại nguồn: Khó trước mắt - lợi lâu dàiKỳ II: Còn nhiều lúng túng, bất cập 22.11.2024 | 08:43 AM
- Không cho đất nghỉ 07.11.2024 | 09:00 AM
- Xã Vũ Vân khẩn trương ứng phó với lũ dâng gây ngập lụt 11.09.2024 | 19:36 PM
- Tăng cường tuần tra, canh gác bảo vệ đê 08.08.2024 | 21:03 PM
- Nhân dân Thái Bình tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 25.07.2024 | 15:11 PM
- Hãy đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thôngKỳ 1: Một bộ phận người dân lơ là đội mũ bảo hiểm 27.05.2024 | 10:34 AM
- Limousine X.E Việt Nam Thái Bình vẫn ngang nhiên hoạt động tại Vincom Shophouse 08.05.2024 | 15:26 PM
- Nhân dân đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 24.03.2024 | 21:56 PM
Xem tin theo ngày
-
Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị
- Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị
- Xác định vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trước yêu cầu phát triển đất nước