Thứ 6, 22/11/2024, 13:00[GMT+7]

Chuyện về những lá thư thời chiến

Thứ 2, 02/04/2018 | 08:42:16
2,010 lượt xem
Hai chiều yêu thương của vợ chồng ông Hiệu và bà Quyết qua những phong thư cứ thế nối dài suốt từ cuối năm 1971 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Phải thuyết phục và thật tin nhau, vợ chồng ông Hiệu mới cho tôi được đọc và ghi lại những yêu thương của họ trong những năm tháng tuổi trẻ “Trai ba sẵn sàng, gái ba đảm đang”.

Vợ chồng ông Trần Hiệu ôn lại kỷ niệm một thời qua các phong thư thời chiến.

Tổ chức làm đám cưới cuối năm 1971 được ít ngày, tình cảm vợ chồng chưa “Êm chăn bén gối”, ông Trần Hiệu nhận lệnh lên đường tăng cường cho Ty an ninh Quảng Trị. Ở  lại quê hương, bà Vũ Thị Thanh Quyết đảm việc chăm sóc bố mẹ chồng. Hàng tuần đạp xe từ xã Phú Châu, huyện Đông Hưng (quê ông Hiệu) xuống Xí nghiệp sản xuất Axít, huyện Thái Thụy làm việc.

Bà Quyết kể: Đám cưới thời chiến tranh chống Mỹ đơn sơ và giản dị đến nỗi ông Hiệu không kịp mua tặng bà chiếc nón cưới, vợ chồng không được chụp ảnh cưới chung vì ông Hiệu là cán bộ an ninh tăng cường cho chiến trường miền Nam. Và như vậy, những yêu thương, nhung nhớ của cả hai người gói lại trong những đêm không ngủ, dăm ba tháng có khi nửa năm mới một lần được đọc lời yêu thương qua những lá thư ông Hiệu viết vội từ chiến trường tỉnh Quảng Trị gửi về qua những người đồng đội ra Bắc. Đã có lần, một lúc bà Quyết nhận được ba lá thư của chồng. Hai chiều yêu thương của vợ chồng ông Hiệu và bà Quyết qua những phong thư cứ thế nối dài suốt từ cuối năm 1971 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975. Phải thuyết phục và thật tin nhau, vợ chồng ông Hiệu mới cho tôi được đọc và ghi lại những yêu thương của họ trong những năm tháng tuổi trẻ “Trai ba sẵn sàng, gái ba đảm đang”.

Quảng Trị ngày… Thanh Quyết em thương yêu: “Thế là vợ chồng mình lại tiếp tục những ngày chờ đợi dằng dặc phải không em, nhớ và yêu thương em anh muốn ôm ấp và nâng niu, nhưng Quyết ạ! hai chữ nhiệm vụ mà vợ chồng phải xa nhau, phải chịu đựng sự xa cách khát khao và thiếu thốn, ai hiểu tình vợ, nghĩa chồng bằng hai đứa phải không em. Em ở nhà yên tâm đừng lo nghĩ cho anh nhiều, người chồng luôn dành cho em một tình thương yêu cháy bỏng, ở nơi xa em cuộc sống dẫu cam go khốc liệt anh sẽ gắng giữ gìn sức khỏe và công tác tốt”. Em thương nhớ! “Hiện nay mùa rét đã về, em đưa chăn áo xuống cơ quan mặc cho đủ ấm, đi lại nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe em nhé, anh biết là em vất vả lo toan, vừa lo tròn việc cơ quan lại phải chăm sóc bố mẹ và chăm lo cho gia đình về trách nhiệm chẳng thoái thác cho ai được, anh tin em sẽ vượt qua tất cả trọn việc nước, vẹn việc nhà để anh yên lòng. Tình cảm hạnh phúc của vợ chồng hôm nay phải chịu hy sinh thiếu thốn ngày mai vợ chồng bù đắp lại - vợ chồng mình sẽ bảo vệ và giữ gìn nó em nhé”… Và từ quê hương xã Phú Châu, bà Vũ Thị Thanh Quyết gửi yêu thương cho chồng: Anh thương yêu của em “Lúc này đêm đã khuya em đang ngồi trong căn phòng hạnh phúc nhỏ bé của vợ chồng, ghi những dòng tình cảm này gửi tới anh, em mong anh luôn khỏe đẹp như mùa xuân chiến thắng. Anh ơi! Ngày vợ chồng cưới nhau vì anh chuẩn bị đi xa nên vợ chồng chẳng có một vật gì kỷ niệm của ngày cưới dù chỉ là nhỏ nhoi nhất, hình ảnh chiếc nón cô dâu thiêng liêng ngày hạnh phúc trăm năm cũng không có anh nhỉ. Nhưng thôi, em chờ ngày miền Nam giải phóng anh về sẽ bù đắp lại cho em anh nhé… Anh cho em gửi lời thăm và chúc sức khỏe những người đồng đội của anh, chúc các anh khỏe và chiến thắng”...

Quê mẹ, ngày 1 tháng 2 năm 1974. Anh thương yêu của em! Mấy ngày gần tết em hy vọng nhận được thư anh, nhưng em đã phải làm nô lệ cho những ước mơ ấy. Hôm nay, vào ngày đầu xuân mới Thanh Quyết người vợ thương yêu của anh gửi tới anh lời thương yêu tha thiết, một lòng tin yêu thủy chung, gửi anh cả tấm lòng nhớ thương, tin yêu mãnh liệt, em gửi lời thăm sức khỏe các anh Thọ, Tuýnh, Tuân, Khiết, Trọng, Ký, Trung cùng toàn thể các anh bạn của anh mà em chưa quen biết. Anh yêu thương. Tết này gia đình hai bên nội ngoại đều ăn tết to vui vẻ, bố mẹ của chúng ta đều mạnh khỏe anh cứ yên tâm. Em luôn cố gắng khắc phục khó khăn tìm mọi nguồn vui để động viên bố mẹ hai bên, thỉnh thoảng em mua thuốc về biếu hai bên bố mẹ. Tết trước em mua biếu hai mẹ chiếc khăn nhung, còn năm nay em biếu mẹ dưới nhà chiếc quần lụa, mẹ trên nhà chiếc áo trắng phin nõn, biếu bố một cái áo vải Pô pô lin An ba ni, các cụ diện đẹp và phấn khởi lắm. Quần áo của anh, em giữ lại cái áo len anh mặc dở, em giữ áo đó và sẽ nâng niu nó cẩn thận lúc nào cũng ở bên cạnh em để sưởi ấm lòng em trong những giờ phút nhớ yêu anh nhất…”.


Những bức thư của vợ chồng ông Hiệu còn lưu giữ sau chiến tranh.

Cứ thế ông Hiệu ở chiến trường và bà Quyết ở hậu phương gửi cho nhau lời yêu qua những phong thư chất chứa thầm kín, dẫu nghẹn lòng mà vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà, năm 1976 ông Trần Hiệu từ chiến trường được chuyển về công tác ở Công an tỉnh Thái Bình, bà Quyết được chuyển công tác về thị xã Thái Bình, tổ ấm của họ tràn ngập niềm hạnh phúc, họ bù đắp yêu thương những ngày xa cách. Hai người con gái và một người con trai của ông bà Hiệu, Quyết giờ đã trưởng thành, con trai tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, một con gái nối nghiệp cha là chiến sĩ an ninh Công an tỉnh, một con gái là giáo viên. Hàng ngày, căn nhà của họ ở phường Quang Trung, thành phố Thái Bình có nhiều đồng đội, những người bạn thân và bà con khối phố tìm đến thăm vui trò chuyện với ông Trần Hiệu, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ 2, Công an tỉnh. Tôi có may mắn được đọc và ghi lại tình yêu của vợ chồng ông Hiệu qua những bức thư thời chiến.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày