Thứ 2, 13/05/2024, 05:37[GMT+7]

Thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ðoàn ÐBQH Thái Bình và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh Nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động

Thứ 2, 14/01/2013 | 08:21:13
978 lượt xem
Sau hơn ba năm tập trung thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH Thái Bình và Ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cả hai bên đã thực hiện tốt những nội dung ký kết phối hợp với nhiều kết quả.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền – Phó Giám đốc Sở Tư pháp (người đầu tiên bên phải) tiếp xúc cử tri xã Vũ Công (Kiến Xương)

Thông qua việc thực hiện các hoạt động phối hợp đã góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan nói riêng, của hệ thống chính trị trong tỉnh nói chung, góp phần vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cách đây ba năm, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Bình và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) tỉnh cùng ký kết Quy chế số 03 ngày ngày 14/5/2010 về phối hợp hoạt động. Ngay sau khi ký kết, hai bên đã tích cực triển khai thực hiện Quy chế với mục đích nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan. Qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền...; nâng cao chất lượng các hoạt động tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị và giám sát việc giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri; nâng chất lượng công tác xây dựng luật và giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo các đồng chí Phạm Xuân Thường -Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình, Nguyễn Văn Luân – Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ tỉnh, cả hai bên đều xác định tổ chức tiếp xúc cử tri là nội dung quan trọng trong quy chế phối hợp. Vì vậy, đã phối hợp thực hiện đổi mới cả về hình thức và nội dung tiếp xúc cử tri.

Qua đó, địa bàn tiếp xúc được mở rộng so với trước đây, số cử tri tại mỗi kỳ tiếp xúc tăng lên, hội nghị tiếp xúc bảo đảm công khai, từng bước mang lại không khí cởi mở, dân chủ, cử tri tích cực, thẳng thắn tham gia bày tỏ ý kiến kiến nghị, giúp ĐBQH nắm bắt ý kiến được đầy đủ và kịp thời. Cụ thể, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các hội nghị tiếp xúc cử tri được tổ chức đồng loạt ở tám huyện, thành phố.

Trong đó mỗi huyện, thành phố tổ chức tại một đến hai cụm xã. Mỗi cụm xã có từ 4 – 15 xã, phường, thị trấn; số lượng một điểm tiếp xúc từ 150 đến 200 đại biểu. Để thu được nhiều ý kiến cử tri, ủy ban MTTQ thực hiện bố trí luân chuyển địa điểm tiếp xúc cho những kỳ sau. Ba năm qua, tính riêng tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH và Ban Thường trực ủy ban MTTQ VN tỉnh đã phối hợp tổ chức 124 hội nghị tiếp xúc với hơn 20.000 lượt cử tri thuộc 850 lượt xã phường, thị trấn và các cơ quan, doanh nghiệp, thu được gần 450 ý kiến, kiến nghị về các vấn đề đông đảo cử tri quan tâm.

Ngoài các hội nghị tiếp xúc định kỳ, nhằm mở rộng đối tượng cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh còn phối hợp trực tiếp với ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn và HĐND, UBND các cấp tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc theo chuyên đề sát với nội dung từng kỳ họp. Qua các cuộc tiếp xúc với cử tri là giám đốc, bí thư các đảng bộ doanh nghiệp; cử tri là học sinh, sinh viên, giáo viên; người cao tuổi; cử tri là cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ phụ nữ, công đoàn chuyên trách; với báo cáo viên; cán bộ trung, cao cấp đã nghỉ hưu... trên địa bàn tỉnh, Đoàn đã nhận được nhiều ý kiến chuyên sâu về lĩnh vực cũng như thông tin về những bất cập, bức xúc của đời sống xã hội, góp phần để các ĐBQH nâng cao chất lượng các ý kiến đóng góp tham gia xây dựng luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời tại các cuộc tiếp xúc, ủy ban MTTQ và các đại biểu thông tin kết quả kỳ họp cũng như kết quả giải quyết các ý kiến kiến nghị tới cử tri, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao.

Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh đều tổ chức các cuộc hội thảo mời các ngành, các cấp trong tỉnh, các chuyên gia, cộng tác viên của đoàn tham gia góp ý vào các dự án luật. Các cuộc hội thảo này đều có sự tham gia nhiệt tình, tích cực với các ý kiến đóng góp chất lượng của đại diện Ủy ban MTTQ VN tỉnh. Không chỉ gửi xin ý kiến tham gia đóng góp, Đoàn ĐBQH còn chủ động ký kết hợp đồng tham gia góp ý kiến vào dự thảo luật với ủy ban MTTQ VN tỉnh. Theo đánh giá của đồng chí Phạm Xuân Thường - Trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình, sau khi có quy chế phối hợp hoạt động, sự tham gia của ủy ban MTTQ VN các cấp, đặc biệt là Ủy ban MTTQ VN tỉnh với hoạt động xây dựng Luật có nhiều chuyển biến tích cực, các ý kiến đóng góp đều thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và chất lượng cao.

Thực hiện Quy chế phối hợp hoạt động giữa Đoàn ĐBQH Thái Bình và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh, các hoạt động của các cơ quan liên quan cũng được đánh giá có nhiều đổi mới. Ngành công an chủ động thực hiện phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các cuộc tiếp xúc, đặc biệt bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các ĐBQH là lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tiếp xúc cử tri tại địa bàn tỉnh. Việc phối hợp trong tổ chức, đón tiếp và phục vụ các hội nghị tiếp xúc đạt hiệu quả cao. Lãnh đạo huyện ủy, thành ủy, HĐND, UBND cấp huyện đã thực sự quan tâm, chỉ đạo tổ chức các hội nghị tiếp xúc và tham gia tương đối đầy đủ các hội nghị tiếp xúc cử tri. Qua đó tiếp thu, giải trình kịp thời ý kiến kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết, giúp các đại biểu có thêm thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của huyện cũng như những bất cập trong triển khai thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyết định của địa phương. Công tác thông tin, tuyên truyền được các cơ quan truyền thông, nhất là Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Thái Bình quan tâm phản ánh kịp thời, chính xác, giúp nhân dân hiểu hơn hoạt động của Quốc hội, của Đoàn cũng như đại biểu. Các vị ĐBQH ngày càng thể hiện rõ hơn trách nhiệm trước cử tri, tham gia đều các kỳ tiếp xúc và chủ động tiếp xúc theo chuyên đề; Tích cực tham gia phát biểu ý kiến, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, xây dựng luật và phản ánh được tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIII, việc thực hiện Quy chế phối hợp cũng còn một số hạn chế như phối hợp còn thiếu chặt chẽ; chất lượng ý kiến của cử tri tại một số cuộc tiếp xúc vẫn chưa cao, cách thức tiếp xúc còn mang tính hình thức; ủy ban MTTQ VN các cấp chưa chủ động kiến nghị và phối hợp giám sát những vấn đề bức xúc; hoạt động giám sát cũng như xử lý kết luận giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh còn hạn chế... Để khắc phục, vừa qua Đoàn ĐBQH và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh đã cùng thống nhất: Hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa và tiếp tục đổi mới phương pháp, bảo đảm hoạt động chất lượng, thiết thực, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Bài, ảnh: Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày