Thứ 6, 10/05/2024, 14:07[GMT+7]

Ân nghĩa Trường Sa

Thứ 2, 02/07/2018 | 09:00:28
2,058 lượt xem
...Những kỷ niệm ở nước này hay nước khác, tỉnh này hay tỉnh khác không sao sánh nổi với 15 ngày lênh đênh trên biển đến với cán bộ, chiến sĩ và những người dân sống trên quần đảo Trường Sa thân yêu - vùng đất, vùng trời, vùng biển không thể tách rời của Tổ quốc.

Các nhà báo tác nghiệp ở Trường Sa.

Đã gần 60 tuổi đời với 40 năm công tác, cũng trong quãng thời gian đó, tôi đã nhiều lần được cử đi công tác ở nơi này, nơi khác, nước này, nước khác như Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong các chuyến đi đó, dù xa hay gần, dù vất vả hay thuận lợi, chuyến đi nào cũng để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Nhưng rồi những kỷ niệm ở nước này hay nước khác, tỉnh này hay tỉnh khác vẫn không sao sánh nổi với 15 ngày lênh đênh trên biển đến với cán bộ, chiến sĩ và những người dân sống trên quần đảo Trường Sa thân yêu - vùng đất, vùng trời, vùng biển không thể tách rời của Tổ quốc. 

Một người bạn cùng đi Trường Sa với tôi chuyến đó là anh Nguyễn Văn Luân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Anh Luân vừa qua đời do một căn bệnh hiểm nghèo nhưng những chuyện trong chuyến đi công tác với anh thì tôi còn nhớ mãi. Anh bảo, người có tiền có thể lên máy bay đi đây, đi đó nhưng không thể đến Trường Sa. Vì Trường Sa không phải là vùng đất ai muốn đến là đến ngay được, ai muốn đi là đi được ngay. Do đó đã đến được với Trường Sa rồi thì có thể nói là toại nguyện trong cuộc đời của mỗi con người. 

Nhớ lại những kỷ niệm về Trường Sa, với người bạn đã quá cố tôi thầm nghĩ ở dưới suối vàng chắc anh cũng yên lòng vì ước mơ đến Trường Sa không phải ai cũng thực hiện được, mặc dù đã là người Việt Nam ai cũng muốn đặt chân tới vùng đất này.

Phóng viên Đài PTTH Thái Bình tác nghiệp ở Trường Sa.

Trong đoàn công tác số 10 của tỉnh Thái Bình đi Trường Sa năm 2012, có nghệ sĩ ưu tú Huy Tầm. Anh ra Trường Sa với tư cách là Trưởng đoàn Ca múa Kịch Thái Bình. Nhưng do yêu cầu công việc nên ngoài nhiệm vụ của người quản lý, anh còn làm nhạc công, làm diễn viên. Đi đến đâu cũng có cán bộ, chiến sĩ ở đảo nhận ra anh. 

Buổi tối ở đảo Nam Yết, khi ánh đèn sân khấu vừa bật sáng, đã có tiếng một chiến sĩ nào đó nói vọng từ dưới lên: “Anh Thúc, anh Nguyễn Đình Thúc các cậu ơi! Đúng rồi - người lang thang không cô đơn”. Tất cả chúng tôi đều hướng lên sân khấu. Ở đó nghệ sĩ ưu tú Huy Tầm đang quần xắn ống thấp, ống cao, chân đi thất thểu, bước dài, bước ngắn, một tay vắt sau lưng, tay kia vắt vẻo mặt hướng lên trời ngơ ngơ ngác ngác. Anh đang hóa thân thành nhân vật Thúc trong tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” của nhà văn Minh Chuyên. Với hàng loạt tác phẩm viết về hậu chiến tranh, Minh Chuyên đã trở thành một nhà báo, nhà văn, nhà đạo diễn truyền hình nổi tiếng. Tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” đã góp một phần không nhỏ tạo nên thương hiệu của Minh Chuyên. Cũng nhờ có nhân vật Nguyễn Đình Thúc trong tác phẩm “Người lang thang không cô đơn” mà nghệ sĩ ưu tú Huy Tầm đã trở thành người của công chúng.

Người được giao làm phó đoàn công tác Trường Sa năm ấy là anh Bùi Công Phượng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Anh Phượng nói: Đây là chuyến ra Trường Sa thứ hai của anh, chuyến trước cách đây hai năm nhưng chỉ hai năm thôi anh đã thấy sự thay đổi nhanh chóng của vùng đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Bên cạnh đó, thì tình người vẫn nồng thắm như xưa. 

Anh bảo, trong Đoàn Ca múa Kịch của tỉnh Thái Bình đi Trường Sa lần này có ca sĩ Huyền Phin, do đang phải điều trị bệnh nên Huyền Phin không được các bác sĩ cho phép đi công tác ngoài hải đảo. Nhưng cô cứ nằng nặc đòi đi, cô bảo bệnh gì thì bệnh cứ để em ra Trường Sa với cán bộ, chiến sĩ rồi về nếu chết cũng được. Ra Trường Sa, Huyền Phin không chỉ cùng anh chị em trong đoàn biểu diễn các tiết mục ca múa kịch, mà khi được yêu cầu Huyền Phin còn hát chèo, hát cải lương, hát quan họ. Xem cô biểu diễn, không ai nghĩ là Huyền Phin đang bị bệnh nặng. Đúng là tình yêu chiến sĩ, yêu biển, đảo quê hương đã giúp cô vượt lên tất cả.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp ở Trường Sa.

Trên con tàu ra Trường Sa năm ấy, ngoài đoàn đại biểu của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và đoàn đại biểu của các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc thì còn có trên ba mươi phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương. Mặc cho sóng to, gió lớn, bất kể ngày hay đêm, họ đều làm việc miệt mài mong sao chuyển được những thông tin nhanh nhất về với đất liền. 

Mong muốn là vậy nhưng không phải mọi điều diễn ra đều thuận lợi vì mạng viễn thông ở Trường Sa lúc đó là mạng 2G nên tốc độ truyền tín hiệu rất chậm, mà số người có nhu cầu truy cập lại nhiều nên để có được một cái tin truyền hình 60 giây, phóng viên Việt Thắng của Đài PTTH Thái Bình đã phải mất cả đêm mới chuyển xong. Do tốc độ chậm nên Việt Thắng đã nghĩ ra “mẹo vặt” là chia nhỏ hình ảnh ra làm nhiều gói, vì vậy ba bốn tiếng đồng hồ trong đêm anh mới chuyển xong một cái tin. Cách làm của Việt Thắng không chỉ giúp cho anh mà anh còn giúp cho các đồng nghiệp ở nhiều báo bạn chuyển thông tin về đất liền kịp thời. Giờ đây mặc dù đã xa Trường Sa nhiều năm nhưng họ vẫn là những người bạn tốt của nhau, những kỷ niệm vui buồn ở Trường Sa vẫn theo họ đi cùng năm tháng.

Ân nghĩa với Trường Sa nên mặc dù bận nhiều công việc nhưng hàng năm đoàn công tác số 10 năm 2012 vẫn tổ chức gặp mặt. Mỗi năm qua đi, thời gian lại lấy đi của mỗi người một chút sức khỏe nhưng tình cảm, kỷ niệm về những ngày lênh đênh trên quần đảo Trường Sa, hình ảnh của cán bộ, chiến sĩ và những người dân, những em thiếu nhi trên đảo thì vẫn còn nguyên đó. 

Câu nói của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Xuyên với các chiến sĩ con em Thái Bình ngày đó vẫn còn mãi trong tôi. Anh bảo, Trường Sa chính là quê hương. Còn Trường Sa là còn quê hương. Giữ Trường Sa là giữ quê hương. Vì vậy cả người ở nhà và người ngoài đảo đều phải cố gắng thì quê hương mới vững mạnh, mới phát triển.

Tuấn Dung

Một số hình ảnh về chuyến thăm Trường Sa của Đoàn công tác tỉnh Thái Bình năm 2016

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao tặng quỹ ủng hộ cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Ảnh: Thanh Thưởng

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao quà của tỉnh cho CBCS người Thái Bình đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: Thanh Thưởng

Đồng chí Phạm Văn Ca, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh trao quà của tỉnh cho nhân viên trạm đèn biển Tiên Nữ.  Ảnh: Thanh Thưởng

Đoàn công tác của tỉnh thăm nơi ở của cán bộ, chiến sỹ đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Thanh Thưởng

Đoàn công tác đến thăm gia đình người dân trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh: Thanh Thưởng

Đoàn công tác tỉnh gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ và nhân viên quê Thái Bình tại trạm hải đăng trên đảo nổi An Bang . Ảnh: Thanh Thưởng

Lãnh đạo đảo Phan Vinh trao tặng đoàn công tác của tỉnh cây bàng vuông. Ảnh: Thanh Thưởng

Phỏng vấn lính đảo. Ảnh: Thanh Thưởng