Thứ 6, 22/11/2024, 11:09[GMT+7]

Vòm ngô xóm bãi

Thứ 2, 30/07/2018 | 08:42:43
1,992 lượt xem
Làng Chum nằm ở cuối huyện. Năm nào cũng vậy, chớm mưa đã úng. Chỉ nhìn những ngấn nước in trên tường ngôi đình làng cũng đủ biết ở đây đã phải chịu bao nhiêu lần lũ lụt.

Ảnh minh họa.

Cũng không ít lần cán bộ ngành thủy lợi về đây đo đạc, khảo sát. Và, cũng không ít lần lãnh đạo địa phương làm văn bản kiến nghị lên cấp trên đề nghị cho xây dựng trạm bơm chống úng.

Khi đã xác định được vị trí xây dựng trạm bơm hút rồi lại còn lý do làm máng thải nước. Chỉ có cái máng thải mà chậm lại tới một năm, bởi vì máng phải chảy qua một vòm nhô xóm bãi.

Bẵng đi một thời gian, đến nay vòm nhô xóm bãi lại xôn xao. Chả là có công trình xây dựng trạm bơm chống úng. Chỉ huy trưởng công trình Lã Tấn Phong và Lê Mạnh Toàn được bố trí trọ nghỉ tại nhà ông Thống. Nhà ông Thống khá khang trang, bốn gian nhà ngói, năm sáu sào vườn. Nhà chỉ có ông bà và cô con gái duy nhất tên là Thao, đang dạy học ở trường làng.

Một hôm, Thao đang ngồi soạn bài ở phòng trong thì nghe ngoài nhà có sự tranh luận khá gay gắt giữa Toàn và Phong.

- Nếu như anh thiết kế cái máng thải vòng qua xóm bãi, tôi e tốc độ lưu lượng nước thoát sẽ chậm, không bảo đảm cho tám vòi bơm cùng lúc.

- Cậu xem kỹ đi. Toàn bộ phần thiết kế trạm bơm người ta đề cập rất sơ sài tới hệ thống máng thải.

- Vì công trình triển khai gấp nên phần máng thải dành cho quá trình thi công sẽ lập dự án thiết kế bổ sung.

- Đúng thế chứ? - Phong thách thức.

Toàn phân giải:

- Đúng, vậy là trách nhiệm thuộc về phần thi công, rồi thế nào cũng phải làm anh ạ!

- Thôi được rồi. Cậu chỉ đạo ngoài công trường, mình sẽ nghiên cứu đề xuất tiếp phần máng thải.

Toàn vừa đi ra công trình thì ông Thống chủ nhà, bố đẻ của Thao, ở ngoài vườn bước vào:

- Anh Phong ăn sáng chưa?

- Dạ, cháu chưa ạ, sáng dậy còn bận trao đổi với cậu Toàn mấy việc, chưa kịp đi ăn gì ạ!

Ông Thống gọi con gái:

- Thao đâu? Con xem lấy bát ngô nếp mẹ bung hồi sớm đấy, mời anh Phong ăn lót dạ. Bà lão nhà tôi chịu khó làm cái khoản xôi bung lắm. Một phần đỗ, một phần nếp, hai phần ngô, cứ công thức ấy mà đồ. Xới ra bát, rưới thêm nước mỡ phi hành cho dậy mùi. Anh ăn xem có ngon bằng trên thành thị họ làm không nào!

Ông Thống chưa nói hết câu chuyện thì Thao đã đặt trên bàn của Phong một bát ngô bung dậy mùi thơm như ông Thống giới thiệu. Rồi cô thu dọn giáo án, chuẩn bị dắt xe tới trường. Vừa ra cổng, Thao đã gặp hội cai thầu ở xã mà cô dạy học đang thập thò trước ngõ, họ không chào. Nhưng cô nghi ngờ cánh này đến đặt quan hệ với công trường nhận việc thầu thuê đào đất cho công trường.

Trong nhà, ông Thống đang nhờ Phong dự toán thiết kế đổ hộ cái mái bằng nhà mình.

- Anh tính giùm, đổ ba gian nhà mái bằng này thì hết bao nhiêu tiền vật liệu?

- Có hai công thức tính. Tính với nhà nước khác với tính cho gia đình tự làm.

- Chắc là tính cho gia đình làm sẽ thấp hơn chứ? Năm ngoái người ta xây có cái điếm canh đê ở chỗ trạm bơm các anh đang làm đấy. Có hai chục mét vuông mà những hơn hai chục triệu! Nghĩ mà sợ, đúng là tiền nhà nước có khác.

Cả hai người đang nói chuyện thì Phong nhìn thấy cánh cai thầu lấp ló ngoài cửa. Phong vội bước ra thì thầm to nhỏ với hội thầu đào đất một lúc, rồi quay vào. Cũng trong lúc đó, một cán bộ thủy lợi làng Chum đến, Phong đon đả:

- Chào cán bộ xã. Lúc nào cũng tất bật quá nhỉ. Anh đến có việc gì mà trông tất bật thế?

- Tối qua họp Đảng bộ xã, có thống nhất cử tôi đến gặp Ban chỉ huy công trường xin nhận phần thầu đào đắp bốn nghìn mét khối đất cho công trình!

- Các anh định huy động dân công lao động xã hội chứ?

- Thôi thì toàn bộ công trình, không được tham gia thì xin các anh cho phần lao động đào đắp.

- Các anh định thắc mắc về cái công trình này chứ gì? Cho xã các anh cả một công trình gần một trăm triệu chứ ít à? Các anh định đứng ra làm. Các anh có đủ điều kiện không?

- Dạ! Đâu chúng tôi dám thế. Biết ơn cấp trên cho cả một công trình. Riêng có phần hiện nay ở địa phương có nguồn lao động nông nhàn, muốn tham gia thầu phần đắp đất. Công trình cứ trả mười nghìn đồng một ngày lao động cũng là quý lắm rồi. Nông thôn chúng tôi ngoài việc đồng ruộng xong, tìm đâu ra việc mà làm!

- Tôi hiểu ý anh. Việc đó thì được thôi, nhưng thế này này. Để người khác đứng ra thuê lao động địa phương. Các anh không nên dính vào, kể cả tôi nữa. Thế nhé, anh bảo với Đảng ủy là được cả một công trình là lớn lắm rồi...

Anh cán bộ xã làng Chum lầm lũi ra về, văng vẳng bên tai câu nói của Phong: “Được cả một công trình, địa phương các anh còn đòi gì nữa?”.

*

*        *

Vào một buổi tối mùa hè, trăng như cao hơn, vòm trời như rộng ra. Toàn và Thao ngồi trên mặt đê. Gió từ phía sông qua cánh bãi thổi ngược lên, làm tung bay mái tóc dài của Thao. Mái tóc đượm mùi hương bưởi. Thao kể cho Toàn nghe về làng quê mình, về nguồn gốc của vòm nhô xóm bãi:

- Gốc làng quê em ở trong xóm Chum kia kìa. Năm nào cũng bị úng lụt. Cái làng em ngón chân đứa nào cũng tõe. Vì quanh năm lội nước, lội bùn. Sau này một số nhà bỏ làng ra ngoài bãi sinh cơ lập nghiệp. Ra ngoài bãi thì không bị úng lụt. Nhưng năm nào, mùa lũ nước sông cũng ngập nước. Qua mùa lũ, nước rút, phù sa đọng ngập bàn chân trên sân nhà em. Nhưng mà cây cối tốt lắm. Chỉ khổ là cuộc sống bấp bênh những ngày mưa lũ.

Toàn vuốt nhẹ lên mái tóc dài ngọt ngào hương bưởi:

- Hay là em chuyển lên thị xã dạy học?!

- Thị xã nhà anh cũng bị úng lụt!

- Ai bảo em? Chỉ có bịa!

- Có lần xem ti vi người ta quay đường phố nhà anh bị úng, nước ngập tới hè phố là gì?

Sự hồn nhiên vô tư của cô gái xóm bãi làng quê đã làm trái tim chàng trai thị thành rung động. Và như đất trời xui khiến thế nào, Toàn đã ôm Thao vào lòng. Thao run rẩy:

- Anh Toàn, sao Thần nông kia kìa!

- Thần nông nào?

- Lại sao Gánh nước nữa kia kìa!

- Ai bảo em?

- Anh làm nghề thủy lợi, thủy nông là phải biết đến sao trời. Những ngôi sao Thần nông gắn với nghề gieo trồng. Sao Gánh nước gắn với nghề sông nước. Bố em bảo thế. Chỉ nhìn sao trời mà biết được ngày con nước...

- Cho anh ở lại đồng quê xóm bãi quê em, được không?

Câu chuyện dừng tại đây, như vọng về làng quê có cái tên làng Chum xóm bãi nghe đã đủ động lòng về những mùa úng lụt. Những ngôi sao nhấp nháy trên trời, vừa như tò mò, vừa như tinh nghịch. Toàn đang thả niềm mơ màng tới những vì sao lấp lánh ấy... Cho đến lúc Phong từ xóm bãi gọi vọng ra đê, Toàn và Thao mới lững thững bước về làng.

Sáng hôm sau, tại nhà ông Thống, giữa Toàn và Phong xảy ra một cuộc tranh cãi:

- Tôi không đồng ý việc thiết kế máng thải vòng qua xóm bãi. Và việc nhân công địa phương làm thuê qua cai thầu ở địa phương khác là khuất tất!

- Cậu phải biết vì dân chứ. Nếu cắt qua xóm bãi thì phải qua vườn cây của sáu bảy hộ gia đình. Của đau con xót. Cậu sống ở thành thị quen rồi, không hiểu nông dân, họ vất vả lắm mới trồng được vườn cây...

- Sao tôi lại không biết. Nhưng cái đích vẫn là hiệu quả sử dụng của công trình chứ!

Thao từ nhà trong, cô bước ra nói xen vào:

- Em nghĩ thế này anh Phong ạ: Cả công trình nhà nước chi phí lớn lắm, chứ việc hy sinh mấy cái vườn cây cho máng nước đắp qua thì thấm tháp là bao. Bà con xóm bãi này có thể chuyển nhà cho máng thải đi qua cũng vui lòng. Anh không ngại đâu.

- Cô em ơi, việc này là của các anh!

Ông Thống đang tưới mấy chậu cây cảnh ngoài sân, hùa theo áp đảo con gái:

- Con Thao, mày biết đâu, việc của các nhà khoa học trên tỉnh. Anh Phong nói có lý đấy. Trồng được vườn cây vất vả lắm.

- Tiền bồi thường đất đai cho mấy hộ dân cũng không lớn bằng tiền thuê nhân công đào đắp mấy nghìn mét khối đất làm cái máng nước vòng vèo, tránh cái vườn cây xóm bãi ấy đâu bác Thống ạ!

- Cậu Toàn không hiểu được sự vất vả trồng cây của người nông dân ở đây đâu. Cứ nghe bác Thống kể là biết.

Sau những cuộc đấu lý tranh luận giữa Toàn và Phong, thì một tuần sau, Toàn đã phải nhận quyết định của cấp trên điều đến công trình ở một huyện miền núi. Toàn đến gặp lãnh đạo cấp trên. Lãnh đạo trả lời vì Toàn vừa mới về địa phương, chưa làm gì được đã quan hệ yêu đương. Để bà con địa phương bàn tán, dị nghị(!).

Đêm cuối cùng, bên xóm bãi, Toàn ngồi một mình rất khuya ở chính nơi mà hôm trước Thao đã kể cho Toàn nghe về kinh nghiệm nhìn sao đoán thời tiết và sông nước. Thao ở nhà thổn thức. Có lúc cô muốn đẩy cổng chạy ra đồng bãi. Nhưng ông Thống biết ý khóa chặt cổng và cầm gọn chìa khóa trong tay.

Toàn ngồi cho đến lúc sao Thần nông, sao Gánh nước chìm xuống dòng sông, anh mới lững thững bước về. Anh thức trọn đêm cuối cùng với xóm bãi, với làng quê. Rồi ngày hôm sau khoác ba lô tạm biệt cái làng Chum đáng thương, nơi có cái vòm nhô xóm bãi đáng sợ và người con gái mến yêu.

Toàn đi rồi, cấp trên lại điều bổ sung cán bộ theo đúng người cùng ê kíp với Phong theo dõi công trình. Chỉ hai tháng sau, công trình đã hoàn thành trước mùa mưa bão. Phong được biểu dương toàn ngành và được bổ nhiệm làm trưởng phòng thi công.

Thế là mùa mưa ập đến. Mưa suốt một ngày qua một đêm và đồng làng Chum đã ngập úng, đúng như truyền thống lũ lụt của làng. Nhưng lần này, cả làng Chum xóm bãi bình tĩnh, chủ động vì đã có trạm bơm đủ công suất tiêu úng cho cả một vùng. Bà con xóm bãi lên cả mặt đê. Một cụ già nói với ông Thống:

- Ông Thống đấy à! Từ dạo ông ra xóm bãi, nay tôi mới gặp. Gần hết đời rồi, năm nào cũng len lét trong mùa mưa bão. Chưa mùa lũ lụt nào mà được yên. Năm nay thật là ơn Đảng, ông Thống nhỉ?

- Đảng là một nhẽ, còn những người làm nữa chứ. Phải biết ơn cánh anh Phong. Anh ấy đã tranh thủ cấp trên, kéo cả một công trình cho xã ta, bao nhiêu tiền của đấy chứ chả ít đâu. Không có anh Phong thì tự dưng mà có à?

- Thì tôi cứ thấy của nhà nước cho là cám ơn Đảng rồi. Chứ xã mình làm gì có tiền của mà làm cái công trình này. Tôi thấy bảo còn cái anh Toàn cũng tốt nết lắm, sao lại bị kỷ luật điều đi đấy ông Thống nhỉ?

Nghe nhắc đến Toàn, ông Thống lảng sang chuyện khác.

Trong lúc chờ đợi cho máy chạy, bà con làng Chum ồn ào kháo nhau:

- Được lệnh của cấp trên mới được đóng cầu dao à?

- Công trình tầm cỡ cấp tỉnh mà lị!

- Không phải. Hình như còn chờ lãnh đạo tỉnh, huyện. Buổi nay cũng coi như buổi khánh thành. Vì hôm trước anh Phong vội về nhận quyết định đề bạt, chưa kịp khánh thành.

- Kia rồi, xe ô tô kia rồi.

- Hai, ba đoàn. Đông quá nhỉ?

- Xe anh Phong kia rồi!

- Sao không thấy anh Toàn nhỉ?

- Bị kỷ luật rồi. Có mà dám vác mặt về đây?

- Kia rồi, ông trưởng phòng thủy lợi mở cửa trạm rồi.

- Kìa anh Phong vào đóng cầu dao kìa.

Phong ngẩng cao mặt như để cho mọi người nhìn thấy mình.

Bao nhiêu năm mong đợi, cả làng Chum, xóm bãi hân hoan reo hò. Người già như trẻ lại, nhìn tám vòi bơm như tám con rồng phun nước. Một cụ già nói xen vào:

- Dễ bằng cả làng ta tát gầu giai các cụ nhỉ!

Mấy người cười, reo:

- Bằng cả làng tát một tháng đấy cụ ạ!

Một cụ già tấm tắc khen:

- Nhưng mà ai nghĩ ra cũng tài. Ông cụ nhà tôi đọc hàng bồ chữ Nho, mài mòn mấy bát mực mà chẳng nghĩ ra, vẽ ra cái máy hút nước này. Bây giờ lắm người tài thật!

Mọi người đang hân hoan, thì thấy nước ở bể xả ứ lại, dâng cao. Rồi nước ngập miệng vòi như người bị nghẹn cổ. Máy tắt. Mọi người nhốn nháo và những tiếng đối thoại chen vào:

- Sao nhỉ? Hay là chạy thử thế thôi.

- Nhưng mà nước tràn bể xả rồi kia kìa.

- Ồ, nước ngập tràn cả máng thải.

- Đúng rồi, nó chết nghẹn, chết sặc rồi.

- Ông Phong đâu rồi? Máy bị nghẹn nước rồi.

Mọi người xúm lại, họ đứng vây quanh máng xả. Khách của tỉnh, của huyện túm tụm bàn tán. Tiếng gọi bâng quơ:

- Ông Phong đâu?

- Tại ông Phong hay tại ông Toàn đây?

- Ông Toàn bị kỷ luật rồi thì gọi cô Thao ra. Cô Thao ra mà nhận tội thay cho anh Toàn đây này!

Mọi người đang nhao nhác, Phong lúng túng tìm phương án cứu chữa, tìm kế trả lời thì Thao xuất hiện. Cô len vào giữa đám đông, vào trước mọi người:

- Tôi đây! Thao đây! Tôi sẽ trả lời thay cho anh Toàn.

Thấy Thao xuất hiện, mọi người xôn xao bàn tán:

- Mọi người trật tự nghe cô ấy nói xem nào!

- Nói gì cái con bé giáo học này.

- Thì cứ trật tự nghe người ta nói xem nào?

- Xin cho tôi được trả lời. Thao đứng trên mô đất nói cho rõ - Trong khi làm máng thải, anh Toàn có yêu cầu phải làm  thẳng qua xóm bãi. Làm như thế tốc độ thoát ra sông nhanh hơn. Nhưng thực tế, anh Phong lại cho làm vòng vèo quanh vòm nhô xóm bãi. Chính vì vậy tốc độ tiêu nước bị chậm, gây tắc nghẽn, ống xả bị ngập, máy không chạy được.

Thao vừa dứt lời thì mọi người đã reo lên:

- Đúng rồi! Hoan hô cô giáo Thao!

- Hoan hô đồng chí Thao.

Thao nói tiếp:

- Tôi đề nghị: Với biện pháp trước mắt để cứu lúa làng Chum, tạm thời phá bờ máng thải cho nước thoát nhanh qua xóm bãi. Bà con đồng ý không? Chúng ta hy sinh vài hộ xóm bãi để cứu lúa làng Chum. Xin ý kiến bà con!

- Xóm bãi chúng tôi đồng ý cho nước chảy qua.

Nước rút dần, tám vòi bơm lại hút nước cứu lúa cho cánh đồng làng Chum. Mọi người nhìn dòng nước chảy qua vòm nhô xóm bãi mà như được tẩy rửa những vụn vặt trong nghĩ suy một thời. Lúc này trăm con mắt của làng nhìn vào Phong đang ngồi thu lu trong xe. Ông Thống lầm lũi quay về, vừa đi vừa nói thầm một mình:

- Thì ra thằng Toàn bị thằng Phong điều đi là vì cái lẽ này đây. Thằng Phong tạo ra vòng cua máng thải quanh xóm bãi, để lợi dụng có thêm vốn đầu tư, thuê nhân công rẻ mạt để kiếm lời. Miệng cứ xơn xớt thương dân xóm bãi nhưng tâm địa thì thực là đen tối.

 Một cụ già nói như để trời đất chứng giám:

- Ôi, cái vòm nhô xóm bãi làng Chum, nó như cái ung nhọt trong cơ thể người ta. Mong sao lần này các vị quyết tâm tẩy rửa đi cho.

Nguyễn Thanh Cải 

(Thành phố Hải Dương)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày