Thứ 2, 17/06/2024, 17:02[GMT+7]

Hiệu quả từ cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông

Thứ 6, 28/09/2018 | 08:49:16
2,545 lượt xem
Vụ đông được xác định là vụ sản xuất chính sau 2 vụ lúa, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích canh tác. Trong nhiều năm qua, nhờ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, diện tích sản xuất vụ đông của tỉnh được duy trì từ 35.000 - 36.000ha, giá trị sản xuất đạt trên 2.000 tỷ đồng.

Những chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông giúp phát triển diện tích cây có giá trị kinh tế cao.

Với nền nhiệt thấp, dịch hại trên cây trồng vụ đông có thể được xem là ít có nguy cơ nhất so với các vụ trong năm. Biên độ nhiệt độ ngày đêm cao, tích lũy sinh khối thuận lợi tạo nên năng suất, chất lượng cho nhiều nông sản chỉ có ở vụ đông tại Thái Bình. Cùng với truyền thống và trình độ thâm canh, vụ đông tuy chỉ kéo dài khoảng 3 tháng nhưng cho giá trị thu hoạch bằng 2 - 3 lần cấy lúa cả năm. 

Với những lợi thế trên, vụ đông trở thành vụ sản xuất đặc thù, được các cấp, ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, cùng với sự thiếu hụt lao động, nhất là lao động trẻ trong nông nghiệp, sản xuất vụ đông còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều vụ do ảnh hưởng của mưa, bão gây ngập và thiệt hại, phải gieo trồng lại nhiều lần, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh, nhất là cơ giới hóa trong khâu sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch hầu như chưa được thực hiện, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, trên 80% nông sản tiêu thụ qua tư thương không có hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ nên sản xuất gặp nhiều rủi ro... Tất cả những khó khăn trên đã khiến diện tích gieo trồng vụ đông giảm, đặc biệt là diện tích cây ưa ấm.


Các địa phương lựa chọn từ 1 - 2 cây trồng chủ lực để tập trung hỗ trợ.

Với mục tiêu bảo đảm duy trì phát triển cây màu vụ đông ở mức 35.000 - 36.000ha mỗi năm, ngành Nông nghiệp đã tham mưu, đề xuất các chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng chất lượng, hiệu quả, né tránh những bất thuận của thời tiết, thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu với mục đích mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, hình thành cánh đồng lớn và bảo vệ cây trồng hiệu quả, trong đó tập trung cho việc hỗ trợ sản xuất vụ đông.

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông với điều kiện diện tích cây vụ đông năm sau của huyện, thành phố phải thấp nhất hoặc bằng diện tích cây vụ đông của năm liền kề trước đó. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố căn cứ vào yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ riêng, bảo đảm đủ nguồn lực nhằm khuyến khích nông dân và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất và mở rộng diện tích cây vụ đông. 

Theo tổng hợp của ngành Nông nghiệp, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất cây vụ đông với mức hỗ trợ từ 7 - 11 tỷ đồng nhưng giá trị sản xuất mà vụ đông mang lại khoảng 1.300 - 2.700 tỷ đồng. Những chính sách khuyến khích trên giúp phát triển diện tích các cây có giá trị kinh tế cao như: khoai tây, ngô, ớt, dưa, bí... Sản xuất trồng trọt luôn giữ được mức tăng trưởng, tạo động lực mạnh về tư tưởng của cán bộ, nhân dân trong tỉnh sản xuất tốt hơn, đạt được cả 3 mục tiêu diện tích, năng suất và hiệu quả.

Năm 2018, với mức hỗ trợ bằng mức hỗ trợ vụ đông năm 2016 nhưng với định hướng phát triển các cây trồng theo lợi thế, tạo ra sản phẩm đặc thù của từng địa phương, ngành Nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ mỗi huyện từ 1 - 2 cây trồng chủ lực theo lựa chọn của từng địa phương. Với định hướng này, các địa phương căn cứ vào thực tiễn sản xuất đã lựa chọn được các cây trồng chủ lực để tập trung phát triển: huyện Đông Hưng lựa chọn bí xanh, ngô; huyện Quỳnh Phụ lựa chọn ớt, ngô ngọt...

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2018, toàn tỉnh gieo trồng 36.300ha, đến nay, nông dân đã gieo trồng được khoảng 4.000ha cây ưa ấm, chủ yếu là ớt, ngô, bí, rau các loại. Để các cơ chế, chính sách hỗ trợ thực sự là “đòn bẩy” thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, các sở, ngành liên quan cùng các địa phương cần có cơ chế kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, đúng định mức.

Lưu Ngần