Thứ 4, 24/07/2024, 06:16[GMT+7]

Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng nâng cao

Thứ 4, 14/11/2018 | 09:48:12
1,666 lượt xem

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra sản xuất thủy sản tại Công ty TNHH Giống thủy sản Hải Long (xã Nam Cường, huyện Tiền Hải).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 16/10/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 10 năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã huy động sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, loại hình tuyên truyền sâu rộng, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là gì?

Đồng chí Phạm Văn Xuyên: Căn cứ vào Nghị quyết số 26-NQ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 23-CTr/TU.  Theo đó xác định: phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và xây dựng nông thôn mới là hai nhiệm vụ trọng tâm. Phải có bước đi, lộ trình thích hợp từ chỉ đạo điểm đến diện rộng, đồng bộ từ chủ trương của cấp ủy đến thể chế hóa thành đề án, cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện của chính quyền; lồng ghép, huy động tổng hợp các nguồn vốn từ ngân sách, đồng thời, phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn tỉnh, huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho xây dựng nông thôn mới. Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp có tính đột phá như: quy hoạch, dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa và tổ chức sản xuất với quy mô lớn.

Phóng viên: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, tỉnh ta đã ban hành những chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Văn Xuyên: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và các nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII và XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 28/4/2011 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ xây dựng nông thôn mới; đến năm 2015, tất cả các xã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu đến năm 2020: 75% trở lên số xã đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới; các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên.

HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, đề án gắn với cơ chế, chính sách giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, đặc biệt là các đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tái cơ cấu giống gia súc trong chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2016 - 2020; thí điểm tích tụ đất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch và xây dựng các vùng lúa chất lượng cao, vùng cây màu, cây vụ đông; phát triển cây đậu tương, cây ngô, cây khoai tây và rau quả xuất khẩu; xây dựng cánh đồng mẫu; phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn; tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật và thú y; đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp; quy hoạch vùng nuôi ngao; phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường biển... Xây dựng và thực hiện đề án sản xuất gắn với cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ. Đồng thời, đã ban hành các nghị quyết, quyết định về cơ chế, chính sách: hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015; hỗ trợ mua máy nông nghiệp; hỗ trợ trồng cây vụ đông; phát triển nuôi ngao vùng ven biển; tăng cường chủ động kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi. Các chính sách khuyến nông, khuyến công; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở nông thôn; hỗ trợ phát triển nghề làng nghề, xây dựng cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại, dịch vụ...

Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND và UBND tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những cơ chế, chính sách cho phù hợp thực tiễn; chấn chỉnh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, tập trung chỉ đạo việc quản lý, sử dụng và huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy đã thúc đẩy, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của các địa phương; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới. Các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với khả năng và tình hình thực tế của từng địa phương. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã phát huy vai trò đòn bẩy kinh tế, góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân.

Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá chung về kết quả đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW trong thời gian qua?

Đồng chí Phạm Văn Xuyên: Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW và Chương trình hành động số 23-CTr/TU, kết quả đạt được trước tiên đó là nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự cần thiết đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được nâng cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; nông nghiệp giữ được mức tăng trưởng ổn định. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả, hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương được bảo đảm; dân chủ ở cơ sở được phát huy; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được thực hiện thường xuyên, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời có những cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo; tích tụ, tập trung ruộng đất được khuyến khích để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đầu tư phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức đầy đủ và nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Công tác kiểm tra, đôn đốc, sơ kết rút kinh nghiệm được quan tâm chỉ đạo; đã kịp thời chấn chỉnh biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên; phát huy những nhân tố tích cực, cách làm sáng tạo ở các địa phương.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, những mục tiêu cụ thể của tỉnh ta trong việc thực hiện nghị quyết trong thời gian tới?

Đồng chí Phạm Văn Xuyên: Mục tiêu cụ thể về nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất 2,5%/năm, giai đoạn 2018 - 2025; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 2,0 - 2,5%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17 - 18% trong cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Bình.  Về vấn đề nông dân, đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó đào tạo nghề khoảng 56,5%; định hướng đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, đào tạo nghề khoảng 70 - 75%. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2019, 100% số huyện đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu đến tháng 6/2020 có 18 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; cơ cấu kinh tế nông thôn đến năm 2030 có tỷ lệ công nghiệp, xây dựng 46 - 47%, dịch vụ 37 - 38%, nông nghiệp 17 - 18%; đến năm 2030 tỷ lệ lao động phi nông nghiệp 80%; nông nghiệp 20%.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Phan Lợi