Chủ nhật, 30/06/2024, 19:35[GMT+7]

Rộn ràng ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ 2, 19/11/2018 | 09:16:56
2,069 lượt xem
Đi khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh trong những ngày này đâu đâu cũng thấy bầu không khí vui tươi, ấm áp của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, chào mừng 88 năm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2018).

Múa rồng - lân của Hội Người cao tuổi thôn Thượng Thọ, xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ).

Đường làng, ngõ xóm đều được người dân ở các khu dân cư quét dọn sạch sẽ, cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu nổi bật trên từng đường làng, ngõ hẻm. Mọi người ai nấy đều hồ hởi, phấn khởi.

Giữa những tiếng loa, tiếng nhạc ngân vang rộn rã ở các khu dân cư, từ các cụ ông, cụ bà đến những nam thanh nữ tú đều lựa chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất để mặc đi dự ngày hội. 

Khác với mọi năm, năm nay, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở làng Đông Cao, xã Tây Tiến (Tiền Hải) được tổ chức sớm ngay từ đầu tháng 10. Trong ngày hội, mọi người cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của địa phương trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ đất nước, nghe báo cáo kết quả sau một năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo; tổ chức giao lưu văn nghệ và biểu dương những gia đình văn hóa tiêu biểu. Năm nay, người dân trong làng phấn khởi hơn vì các phong trào, các cuộc vận động từng bước đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. 

Đến nay, làng Đông Cao có trên 90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,91%. Ngày hội không chỉ mang đến không khí đầm ấm tình làng, nghĩa xóm mà còn là diễn đàn để người dân có điều kiện phát huy tính dân chủ, tinh thần đoàn kết ngay từ cơ sở. Đây cũng là dịp để người dân chia sẻ những kinh nghiệm làm ăn, nhắc nhở, động viên nhau cùng hướng đến những điều tốt đẹp.

Không khí ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Kiến Xương cũng không kém phần sôi nổi. 

Có mặt tại nhà văn hóa thôn Ái Quốc, xã Bình Định, chúng tôi cảm nhận được không khí náo nức chuẩn bị cho ngày hội lớn. Từ sáng sớm người dân trong thôn đã hội tụ khá đông đủ để chuẩn bị những phần việc cụ thể như luyện tập văn nghệ, sắp xếp ghế ngồi, trang hoàng sân khấu tạo nên không khí đầm ấm, vui tươi. Năm nay, niềm vui của người dân trong thôn được nhân đôi bởi chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó thôn Ái Quốc nói riêng, xã Bình Định nói chung đang quyết tâm trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Niềm vui còn được nhân lên khi tổ chức ngày hội bà con nhân dân trong thôn còn được đón các đồng chí lãnh đạo của tỉnh, huyện về dự. 

Ông Trần Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Ái Quốc chia sẻ: Ngày hội năm nay, tôi cũng như bà con nhân dân rất vinh dự đã được đón đồng chí Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về chung vui chúc mừng. Đây là niềm tự hào, khích lệ, động viên tinh thần cho bà con tiếp tục ra sức thi đua thực hiện các cuộc vận động. Đến nay, 100% các tuyến đường trong thôn được bê tông hóa, nhà văn hóa được nâng cấp khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, hội họp. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng khởi sắc. Toàn thôn có 95% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, số hộ nghèo giảm còn 2,29%. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhân dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất làm đường, xây dựng các công trình hạ tầng quan trọng, đoàn kết xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, thôn Ái Quốc còn tích cực phát huy truyền thống tương thân, tương ái đẩy mạnh các hoạt động từ thiện nhân đạo, tham gia phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự.

Để bảo đảm tốt cho việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: MTTQ tỉnh đã có văn bản  chỉ đạo MTTQ các huyện, thành phố hướng dẫn các xã, khu dân cư chuẩn bị cả về nội dung lẫn hình thức từ rất sớm. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang và những đóng góp quan trọng của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn với tuyên truyền thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước ở địa phương; đánh giá kết quả và biện pháp thực hiện các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. MTTQ tỉnh và các huyện cũng chọn các khu dân cư làm điểm tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; trao kinh phí hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, tặng quà cho các gia đình khó khăn. 

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã thực sự trở thành hoạt động ý nghĩa, gắn kết và thắt chặt thêm tình đoàn kết ở cộng đồng khu dân cư. Cũng nhờ sự đoàn kết mà tất cả những khó khăn sẽ vượt qua, những phong trào và cuộc vận động sẽ dễ dàng được thực hiện. Từ sự đoàn kết ấy, MTTQ các cấp trong tỉnh quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh” và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp và văn minh.



Ông Vũ Đình Hinh, Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Thụy Văn (Thái Thụy)

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã thực sự trở thành hoạt động ý nghĩa, gắn kết và thắt chặt thêm tình đoàn kết ở cộng đồng khu dân cư, cùng nhau vượt qua những khó khăn để thực hiện tốt hơn các cuộc vận động, các phong trào của địa phương cũng như nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra. Với ý nghĩa đó, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Bà Bùi Thị Tĩu, thôn Thượng Thọ, xã Quỳnh Sơn (Quỳnh Phụ)

Hàng năm, tôi cùng với gần 30 người trong đoàn múa rồng - lân Hội Người cao tuổi của thôn tham gia biểu diễn nhiều sự kiện nhưng không gì vui và háo hức bằng ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Cứ tới gần ngày này, chúng tôi lại chuẩn bị trang phục tươm tất với nhiều màu sắc rực rỡ biến mình thành những người nghệ sĩ không chuyên của làng. Điều này đã trở thành nét đẹp truyền thống văn hóa tinh thần không thể thiếu của bà con nhân dân trong thôn. Đặc biệt, các thành viên tuổi đều cao song lại rất hăng hái tham gia biểu diễn để gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, làm gương cho các tầng lớp con cháu noi theo.

Bà Phạm Thị Đỉnh, thôn Tiền, xã Mê Linh (Đông Hưng)

Tôi rất xúc động và phấn khởi vì đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh những năm qua, đặc biệt trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã dành cho tôi những phần quà có giá trị và ý nghĩa. Đây là niềm động viên, an ủi rất lớn giúp tôi phần nào vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, thêm tự tin để sống nốt quãng đời còn lại của mình. Ngày hội không chỉ là diễn đàn của nhân dân mà còn thể hiện truyền thống “Tương thân tương ái”, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Tôi hứa sẽ cùng bà con lối xóm thực hiện tốt nội dung các cuộc vận động, các phong trào thi đua ở khu dân cư.


Quốc Cường