Thứ 2, 25/11/2024, 12:58[GMT+7]

Hướng tới một thế giới sử dụng năng lượng sạch

Thứ 2, 19/09/2022 | 22:40:18
764 lượt xem
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang trở thành một bài toán khó trong bối cảnh “sự phục hưng của nhiên liệu hóa thạch” và đặc biệt là than đá đang diễn ra mạnh mẽ do tình trạng thiếu khí đốt bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Toàn cảnh một phiên họp của COP 26 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Một nhóm quỹ đầu tư quốc tế quản lý khối tài sản 39.000 tỷ USD vừa kêu gọi chính phủ các nước nâng cao mục tiêu tham vọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bao gồm đặt ra kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng tái tạo dựa trên khoa học. Lời kêu gọi được đưa ra trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) vào tháng 11 tới tại thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Trong Tuyên bố năm 2022 gửi chính phủ các nước về khủng hoảng khí hậu, các quỹ đầu tư cho biết họ đang triển khai hành động để bảo đảm khả năng tạo ra lợi nhuận trong dài hạn, cũng như để hưởng lợi từ các cơ hội liên quan việc chuyển đổi sang nền kinh tế có lượng phát thải ròng bằng 0. Các yêu cầu khác của các quỹ đầu tư bao gồm mở rộng hệ thống năng lượng phát thải carbon thấp; thực hiện các cơ chế định giá carbon tăng theo thời gian; thiết lập các kế hoạch mới hoặc tham vọng hơn để chấm dứt nạn phá rừng. Tổng cộng có 532 quỹ đầu tư đã ký vào tuyên bố nêu trên.

Trước đó, khoảng 200 tổ chức và hơn 1.400 chuyên gia y tế cũng ký vào bức thư kêu gọi chính phủ các nước đối thoại và đàm phán để đạt được hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc về loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch - điều mà họ nhấn mạnh là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Các tổ chức và chuyên gia y tế cho rằng, việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ ngăn chặn 3,6 triệu ca tử vong mỗi năm vì ô nhiễm không khí. 

Ô nhiễm không khí, chủ yếu do đốt nhiên liệu hóa thạch, được cho là nguyên nhân khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, khi đi thăm các vùng bị lũ lụt ở Pakistan, cũng kêu gọi các nước phát thải lớn ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang đầu tư vào năng lượng tái tạo để “chấm dứt chiến tranh với thiên nhiên”.

Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang trở thành một bài toán khó trong bối cảnh sự phục hưng của nhiên liệu hóa thạch và đặc biệt là than đá diễn ra mạnh mẽ do các quốc gia tại châu Âu thiếu khí đốt trầm trọng khi mùa đông đến gần. Phát biểu tại Ðối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin vừa qua, Thủ tướng Ðức nhấn mạnh: Không ai có thể hài lòng với thực tế là hoạt động sản xuất điện sử dụng nhiên liệu than đang gia tăng trở lại ở Ðức. 

Ðể ngăn chặn tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông năm nay, Ðức gần đây đã có các động thái mở đường đưa thêm các nhà máy nhiệt điện than vào hoạt động thay thế các nhà máy điện hoạt động bằng khí đốt. Mặc dù Thủ tướng Ðức trấn an rằng, đây là một biện pháp khẩn cấp ngắn hạn không gây tổn hại các mục tiêu khí hậu của nước này, nhưng động thái của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn gây nhiều quan ngại.

Tình hình nêu trên đang đặt ra những thách thức lớn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các nhà đàm phán tham dự hội nghị khí hậu giữa năm của Liên hợp quốc, diễn ra tại thành phố Bonn của Ðức giữa tháng 6 vừa qua không thu được tiến bộ thực chất nhằm khống chế sự ấm lên của Trái đất. Các nước đang phát triển dự hội nghị này đã bày tỏ thất vọng khi hội nghị chỉ đạt được tiến bộ ít ỏi về các vấn đề chính, đặc biệt là việc thiết lập cơ sở tài chính để đối phó với những tổn thất ngày một gia tăng do thời tiết cực đoan và nước biển dâng. 

Theo đó, nhiệm vụ giải bài toán biến đổi khí hậu sẽ hết sức khó khăn đối với COP27 sắp tới. Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Patricia Espinosa mới đây đã phải kêu gọi các nước đưa ra quyết định chính trị lớn tại COP27 đối với vấn đề tài chính nhằm giảm thiệt hại và tổn thất. Theo bà, việc tăng cường tài trợ cho thích ứng và năng lượng sạch là yếu tố quan trọng để xây dựng tương lai bền vững hơn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày