Thứ 7, 18/05/2024, 12:18[GMT+7]

Diện mạo nông thôn mới Yên Khánh

Thứ 3, 12/02/2019 | 08:48:42
1,059 lượt xem
Sau nhiều nỗ lực vượt khó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, Yên Khánh là một trong ba đơn vị cấp huyện của Ninh Bình được Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.

Mô hình trồng rau cho thu nhập cao của gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh) Phạm Văn Bách nhớ lại, trước đây đến Khánh Thành, người ta thường có câu “ai đi xứ sự mười đông, không bằng công tác Khánh Công, Khánh Thành”. Bởi thời gian đó, Khánh Thành là một trong những xã nghèo của huyện, giao thông đi lại khó khăn do toàn đường đất. Những người đến xã bằng xe đạp, nếu gặp trời mưa thì phải dắt bộ. Nhưng đến năm 2013, Khánh Thành là một trong những xã đầu tiên của Ninh Bình đạt chuẩn NTM. Đến Khánh Thành hôm nay, cảm nhận đầu tiên là những con đường được cứng hóa, rộng rãi. Xen lẫn là những hàng cây cảnh, hoa hai bên đường, những ngôi nhà khang trang.

Từ xây dựng NTM, Khánh Thành tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ưu tiên tổ chức lại sản xuất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cơ cấu giống lúa có sự chuyển đổi rõ rệt. Diện tích lúa chất lượng cao ngày càng được mở rộng. Giá trị sản xuất trên 1 ha rau đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Hằng (xóm 7, xã Khánh Thành) cho biết: “Xã đã tạo điều kiện cho gia đình tích tụ 5 ha đất sản xuất. Với diện tích này, gia đình tôi trồng mướp đắng, dưa chuột, rau muống, bắp cải, súp lơ, su hào theo hướng an toàn. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất được mười tấn rau, củ, quả, lãi hơn 200 triệu đồng/năm”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh Trần Ngọc Diệp cho biết, khi bắt đầu xây dựng NTM, giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương thấp, tiêu thụ khó khăn. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa, môi trường tỷ lệ đạt chuẩn thấp… cần nguồn lực đầu tư lớn. Nhưng nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân, với cách làm sáng tạo và bước đi phù hợp cho nên chương trình này đã đạt nhiều kết quả.

Huyện đã triển khai nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao như: cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, sản xuất nông sản sạch,... Các mô hình đều thực hiện liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ thông qua các doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, tổ hợp tác. Đến nay, trên địa bàn có 250 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, được hình thành trên cơ sở liên doanh, liên kết “bốn nhà”, thực hiện theo chuỗi giá trị, mang lại thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/ha. Điển hình như mô hình sản xuất rau an toàn tại xóm 13, xã Khánh Thành quy mô hơn 20 ha và tại xã Khánh Hồng với 1,6 ha cho doanh thu từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng hành, rau, củ, quả xuất khẩu theo hướng VietGAP tại xã Khánh Cư với quy mô 4 ha, cho thu nhập 230 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng nghệ đỏ, trồng thanh long ruột đỏ ở các xã Khánh Công, Khánh Hồng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp ở xã Khánh Thủy cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm...

Thời gian tới, Yên Khánh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng giải pháp tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp; xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn, nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho nông dân. Tập trung đẩy mạnh đầu tư hoàn thành hệ thống cấp nước sạch tại các xã, thị trấn.

Theo: nhandan.com.vn