Thứ 4, 24/07/2024, 01:15[GMT+7]

Tái đàn vật nuôi

Thứ 5, 21/02/2019 | 16:42:12
1,178 lượt xem
Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, một lượng lớn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được tiêu thụ phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của người dân. Để ổn định lại hoạt động chăn nuôi và chủ động về nguồn cung thực phẩm, người chăn nuôi các địa phương đang tập trung vệ sinh chuồng trại, chăm sóc con giống, chuẩn bị cho công tác tái đàn được thuận lợi.

Người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ con giống.

Nhiều năm nay, gia đình bà Tạ Thị Mai ở thôn Trình Nguyên, xã Quỳnh Nguyên (Quỳnh Phụ) thường xuyên nuôi hơn 80 con lợn thịt và lợn nái. 

Bà Mai cho biết: Trước Tết Nguyên đán, nhà tôi xuất bán 30 con lợn thịt. Để đầu tư cho chăn nuôi, gia trại luôn duy trì 30 con lợn nái để cung cấp giống nuôi tại chỗ chứ không mua thêm giống bên ngoài. Đàn lợn nái không chỉ chủ động được nguồn giống cho gia đình mà mỗi năm còn cung cấp cho thị trường từ 500 - 600 con giống. Ngay sau khi lứa lợn thịt xuất chuồng, tôi đã nhanh chóng tiến hành dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh cho lứa lợn thịt mới.  

Cùng với người chăn nuôi các địa phương tập trung cho công tác tái đàn, gia đình ông Phạm Văn Phương ở thôn Đông Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy) cũng đã chuẩn bị được hơn 1.000 con ngan, gà giống cho vụ nuôi mới. 

Ông Phương cho biết: Gia trại thường xuyên nuôi 2.000 con ngan, gà đẻ và thương phẩm. Tôi đã đầu tư mua 3 máy ấp trứng, ngoài số lượng giống chuẩn bị cho gia đình thì mỗi tuần cung cấp khoảng 2.500 con ngan, gà giống cho bà con các địa phương khác. Chất lượng con giống phụ thuộc nhiều vào quy trình chăm sóc vì ngan, gà mới nở thường rất yếu, chịu sự thay đổi đột ngột từ môi trường sẽ dễ mắc bệnh và chết. Tôi đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ con giống, nhất là công đoạn úm ngan, gà cần phải bảo đảm nhiệt độ thích hợp, kín đáo, tránh gió lùa, nguồn thức ăn, nước uống vệ sinh, sàn lót thuận lợi cho gà di chuyển.

Năm 2019, ngành chăn nuôi của tỉnh đặt mục tiêu giữ ổn định đàn lợn khoảng 1 triệu con; đàn gia cầm trên 13 triệu con; đàn trâu, bò khoảng 65.000 con. Phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 285.000 tấn; tổng giá trị sản xuất trên 10.300 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc chỉ đạo các địa phương triển khai việc tái đàn, ngành chăn nuôi khuyến cáo các hộ nên lựa chọn con giống tại các cơ sở có uy tín, bảo đảm chất lượng để kiểm soát được nguồn bệnh trước khi nhập đàn, tránh gây thiệt hại khi bước vào vụ nuôi mới. Đồng thời trước khi tái đàn cần tìm hiểu thông tin về thị trường, lượng cung, cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để lựa chọn quy mô, con nuôi một cách phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thời điểm tái đàn vật nuôi diễn ra vào đúng giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có nhiều thay đổi, nhiệt độ bắt đầu tăng, thường có gió Đông và Đông Nam gây mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan. Vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ con giống cũng như công tác vệ sinh thú y nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi; khi mới nhập gia súc, gia cầm về nuôi vào những ngày thời tiết thay đổi nên bổ sung thêm kháng sinh vào thức ăn hoặc nước uống để phòng bệnh đường tiêu hóa và hô hấp. Thường xuyên thu dọn phân, rác, thay chất độn chuồng, xử lý chất thải bằng các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Định kỳ phun thuốc khử trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan. Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi bị ốm để cách ly, điều trị, báo ngay cho cán bộ thú y địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời, tránh dịch bệnh lây lan.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày