Thứ 3, 23/07/2024, 06:13[GMT+7]

Nỗ lực phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 18/03/2019 | 09:09:56
602 lượt xem

Chốt kiểm dịch thú y Tiền Hải giám sát chặt chẽ phương tiện ra vào huyện.

Tính đến ngày 11/3, trên địa bàn huyện Tiền Hải chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống bệnh dịch, địa phương đã tích cực tuyên truyền, lập chốt kiểm dịch thú y tại các xã giáp ranh với các huyện có dịch để bảo vệ đàn lợn.

Xã Tây Lương có tuyến đường tỉnh 458, quốc lộ 37 đi qua và giáp địa bàn huyện Thái Thụy đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, do đó nguy cơ bệnh dịch lây nhiễm vào đàn lợn của địa phương là rất cao. Với phương châm phòng là chính, xã đã và đang tổ chức thực hiện nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh. Ông Tạ Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã hiện có tổng đàn lợn 1.475 con, 11 hộ kinh doanh giết mổ, buôn bán sản phẩm thịt lợn. Thời gian qua, xã đã thực hiện nghiêm các công điện, văn bản của tỉnh, huyện về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, đã thành lập ban chỉ đạo, 5 tổ công tác; xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai ký cam kết với các hộ chăn nuôi trên địa bàn về các quy định phòng, chống dịch bệnh; cấp phát 300kg vôi bột, 80kg hóa chất thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các gia trại, vùng chăn nuôi; chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện lập chốt trực 24/24 giờ tại điểm gần cầu Trà Lý; tuyên truyền trên Đài Truyền thanh xã về cách nhận biết khi lợn bị nhiễm bệnh và biện pháp phòng, chống.

Không chỉ có xã Tây Lương đã chủ động trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, các xã khác như Đông Quý, Đông Trà, Vũ Lăng... cũng không chủ quan trước diễn biến của bệnh dịch. Xã An Ninh có địa bàn giáp ranh với huyện Kiến Xương, xã đã chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, xây dựng phương án ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc theo quy định. Khuyến cáo nhân dân không mua bán lợn, sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch của ngành Thú y để ngăn chặn, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh. Cắt cử lực lượng phối hợp với ngành chuyên môn lập chốt kiểm dịch thú y, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường. Trong đó xã đã phối hợp với cơ quan chức năng dừng 4 xe vận chuyển lợn qua địa bàn.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Qua rà soát số hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện là 8.716 hộ với tổng đàn lợn gần 91.000 con. Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi, huyện đã lập các chốt kiểm dịch động vật tại các điểm đường giao thông đi vào địa bàn. Phân công cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình phòng, chống bệnh dịch và triển khai phòng, chống bệnh dịch của các xã, thị trấn. Công an huyện, Phòng Kinh tế Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và các lực lượng liên quan phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy tại các cửa ngõ ra vào huyện. Đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên phối hợp với UBND các xã, thị trấn giám sát việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán, giết mổ lợn của người dân. Đối với các phương tiện chở lợn không đầy đủ giấy tờ theo quy định kiên quyết xử phạt hành chính. Theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình, diễn biến thị trường đối với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn để có biện pháp bảo đảm lưu thông, tránh gây bất ổn về thị trường. Triển khai tuần tiêu độc, khử trùng, kết hợp giám sát, kiểm soát chặt chẽ các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, trung chuyển, giết mổ lợn. Trong đó, huyện cấp phát 20.000kg vôi bột, 2.500kg hóa chất cho các địa phương tổ chức thực hiện. Đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến và biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn để các hộ dân nắm vững, từ đó chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình.

Với tổng đàn lợn trên 13.900 con, Bách Thuận hiện là xã có đàn lợn lớn nhất huyện Vũ Thư. Trong điều kiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn huyện và diễn biến phức tạp, công tác chủ động phòng, chống, nỗ lực không cho bệnh dịch xâm nhiễm vào địa bàn đang là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền và các hộ chăn nuôi.

Những ngày này, vợ chồng ông Nguyễn Đình Bỉnh, thôn Liên Hồng luôn có tâm trạng thấp thỏm lo âu. Gia trại của gia đình ông hiện có đàn lợn gần 200 con (khoảng 15 tấn thịt lợn hơi). Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi đang “hoành hành” nhiều chuồng trại, ông Bỉnh không loại trừ trường hợp bệnh dịch có thể xâm nhập vào đàn lợn nhà mình. Với tinh thần cảnh giác, chủ động ở mức cao nhất, từ nửa tháng nay, gia đình ông đã thực hiện các phương án “phòng thủ” nghiêm ngặt. Toàn bộ khu chuồng trại được cách ly tuyệt đối, không cho người ngoài vào thăm để hạn chế tối đa nguồn bệnh có thể xâm nhập. Trước kia, mỗi tuần ông Bỉnh phun hóa chất khử trùng chuồng trại từ 1 - 2 lần thì nay cứ 2 ngày tiến hành phun 1 lần, ngoài ra ông còn rắc vôi bột từ lối vào. Ông cũng chú trọng nâng cao chế độ dinh dưỡng, thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn lợn. Ông Bỉnh chia sẻ, nếu ngừa được bệnh dịch này gia đình ông sẽ có lãi vài trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Hiện nay, đàn lợn của xã với trên 13.900 con, phân bố tại  497 hộ chăn nuôi, trang trại, gia trại. Chăn nuôi lợn mang lại nguồn thu chính cho người dân Bách Thuận, vì vậy nếu bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra sẽ gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế địa phương, thậm chí khiến rất nhiều hộ chăn nuôi kiệt quệ. Với tác động lớn ấy, chính quyền và người dân đang nỗ lực bằng mọi giải pháp cố gắng ngăn ngừa bệnh dịch xâm nhập vào địa bàn. Xã tổ chức phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột ở toàn bộ các khu vực công cộng, đặc biệt là bến đò Thuận Vi, Bách Tính (tiếp giáp tỉnh Nam Định), 14 cửa ngõ ra vào địa bàn và chợ Thuận Vi, nơi thường xuyên kinh doanh sản phẩm thịt lợn. Ngoài 2,5 tấn vôi huyện hỗ trợ, xã trích kinh phí đầu tư 198kg hóa chất cấp phát cho các hộ chăn nuôi tiêu độc, khử trùng. Xã liên tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hộ chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và áp dụng biện pháp hạn chế tối đa tiếp xúc, cách ly tạm thời đàn lợn của các gia đình với người và con vật từ hộ khác, địa phương khác chuyển đến. Địa phương tổ chức ký cam kết với 24 hộ giết mổ, kinh doanh, vận chuyển lợn bảo đảm không kinh doanh, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh dịch, có biểu hiện bệnh dịch hoặc lợn trong vùng dịch. Đội ngũ cán bộ thú y xã và các thôn liên tục khảo sát, bám nắm tình hình đàn lợn của từng hộ gia đình trên địa bàn, báo cáo kịp thời các biến động trên đàn lợn để xã xử lý sớm. Các đồng chí lãnh đạo xã thường xuyên trực tiếp xuống các thôn, hộ chăn nuôi để đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra công tác phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi. Điều đáng ghi nhận là 100% hộ chăn nuôi trên địa bàn xã có ý thức rất cao, tự giác, chủ động ngăn ngừa bệnh dịch. Khi xã triển khai, bà con tuân thủ, áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa. Ông Nguyễn Như Môn, thôn Thượng Xuân chia sẻ: Gia đình tôi hiện có hơn 100 con lợn, mỗi con có trọng lượng gần 1 tạ. Để bảo đảm an toàn, gia đình thực hiện cách ly nghiêm ngặt đàn lợn, tiến hành phun khử trùng bên trong và xung quanh chuồng trại, rắc vôi bột ở lối ra vào. Tôi cố gắng giữ đàn lợn của gia đình an toàn vì nếu không may xảy ra bệnh dịch thì không chỉ gia đình tôi thiệt hại nặng nề mà còn gây nhiều khó khăn cho các hộ chăn nuôi liền kề...

Xã Bách Thuận (Vũ Thư) tổ chức rắc vôi bột tại khu vực đò Thuận Vi (tiếp giáp tỉnh Nam Định).


Ông Trịnh Xuân Mạnh, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã Bách Thuận cho biết: Chúng tôi phối hợp với Đài Truyền thanh xã, trực tiếp thăm các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp phòng ngừa và cả cách xử lý khi không may phát hiện lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, nhiều hộ hoang mang, lo lắng, chúng tôi cũng tuyên truyền, ổn định tâm lý để bà con yên tâm phòng ngừa bệnh dịch. Tình huống xấu nhất xảy ra bệnh dịch thì xử lý sao cho giảm thiểu tối đa thiệt hại cho bà con.

Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và ý thức tự giác, chủ động của người dân, đến ngày 13/3, đàn lợn của xã Bách Thuận vẫn được bảo vệ an toàn, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhiễm vào địa bàn. Mục tiêu không để xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn đang được cấp ủy, chính quyền và người dân Bách Thuận tiếp tục nỗ lực thực hiện từng ngày, từng giờ.


Mạnh Thắng - Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày