Thứ 5, 21/11/2024, 19:52[GMT+7]

Đông Hưng: Tạo “cú hích” cho xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ 4, 08/11/2023 | 09:02:36
13,953 lượt xem
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đông Hưng đã ban hành một số cơ chế để tạo “cú hích” cho các xã hoàn thiện các tiêu chí, về đích đúng lộ trình.

Diện mạo nông thôn mới nâng cao xã Đông Hoàng (Đông Hưng) đang dần hiện hữu.

“Gập ghềnh” đường về đích 

Sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, xã Đông Xá gặp không ít khó khăn. Ông Trần Quang Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Trong xây dựng NTM nâng cao, xã gặp khó trong việc tiếp tục huy động nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng hệ thống hạ tầng đáp ứng tiêu chí NTM nâng cao. Đến nay xã đã đạt 16/19 tiêu chí, còn một số chỉ tiêu của 3 tiêu chí còn lại chưa đạt nhưng dự kiến kinh phí còn cần gần 40 tỷ đồng: xây dựng chợ thương mại, làm rãnh thoát nước trục xã, trục thôn, xây dựng vùng sản xuất VietGAP, bổ sung cơ sở vật chất cho trường học... 

Đông Hoàng là 1 trong 5 xã được huyện chọn về đích NTM nâng cao trong năm 2023. Dù thuận lợi hơn Đông Xá về giao thông, vị trí địa lý, kinh tế cũng phát triển hơn nhưng đường về đích NTM nâng cao cũng không ít “gập ghềnh”. Ông Phạm Công Luận, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Khó của Đông Hoàng không chỉ là nguồn kinh phí để xây dựng sân vận động xã, nâng cấp chợ Tìm, Trạm Y tế, một số hạng mục của nhà văn hóa thôn Hùng Việt, sân thể thao, phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng sản phẩm OCOP, vùng sản xuất VietGAP... mà còn vướng về thủ tục, hồ sơ quy hoạch xã và thủ tục để triển khai xây dựng một số công trình. 

Từ năm 2013 đến năm 2022, huyện Đông Hưng đã huy động kinh phí xây dựng NTM gần 7.000 tỷ đồng. Vì thế, khi bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, nhiều xã gặp khó khăn trong việc tiếp tục huy động kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu mà đến nay huyện Đông Hưng chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Nhà văn hóa thôn Khuốc Đông, xã Phong Châu được đầu tư xây dựng mới khang trang, hiện đại.

Gỡ khó cho xã 

Để gỡ khó, tạo “cú hích” cho các xã về đích NTM nâng cao đúng lộ trình, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, Đông Hưng tiếp tục bổ sung một loạt cơ chế hỗ trợ cho các xã, đồng thời chỉ đạo các phòng, ban liên quan tăng cường hướng dẫn, tạo thuận lợi để các xã thực hiện tiêu chí chưa đạt và hoàn thiện hồ sơ để các cấp thẩm định. 

Ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã quyết định hỗ trợ mỗi xã về đích NTM nâng cao 2 tỷ đồng; mỗi xã từ NTM nâng cao về đích NTM kiểu mẫu 3 tỷ đồng, mỗi xã khi đã về đích NTM phấn đấu xây dựng lên thẳng NTM kiểu mẫu 5 tỷ đồng. Các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2025 được hỗ trợ tối đa 90 triệu đồng xây dựng 1 sản phẩm OCOP; hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng xây dựng 1 mô hình VietGAP. Huyện chỉ đạo các xã rà soát lại những công trình, phần việc cấp thiết ưu tiên các nguồn vốn của tỉnh, của huyện kết hợp của địa phương tập trung thi công hoàn thiện các công trình. Trong đó, huyện sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông của huyện đi qua xã, chỉ đạo xã ưu tiên đầu tư các tuyến đường mà người dân hưởng ứng tích cực hiến đất làm đường. Những công trình huyện làm chủ đầu tư đi qua địa bàn xã, phần giải phóng mặt bằng các xã vận động người dân tự nguyện hiến đất, giá trị giải phóng mặt bằng đó huyện sẽ đầu tư lại cho xã để tập trung đầu tư các công trình của địa phương. Thời gian thực hiện từ năm 2023 để khuyến khích người dân các địa phương hiến đất mở rộng đường giao thông theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Mặc dù kinh phí hỗ trợ của huyện còn thấp so với nhu cầu thực tế song đã góp phần quan trọng giảm bớt khó khăn, tạo động lực, tiếp thêm quyết tâm cho các xã. 

Ông Phạm Công Luận, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết thêm: Hiện hồ sơ về quy hoạch, giao thông và một số tiêu chí cơ bản đã hoàn thiện; sân vận động xã sau khi có giấy phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ tổ chức thi công. Xã đang đấu giá quyền sử dụng hơn 20 lô đất để tạo nguồn làm sân vận động xã, nâng cấp chợ Tìm và một số công trình khác. Địa phương đã xây dựng được cánh đồng VietGAP hơn 10ha cấy cùng một giống lúa, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; sản phẩm mật ong của gia đình ông Tô Hồng Sơn, thôn Thanh Long đã được kiểm định, đủ tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên về thẩm định. 

Ông Tô Hồng Sơn chia sẻ: Tôi cũng mong sản phẩm mật ong của gia đình được công nhận OCOP để nhiều người biết, tiêu thụ tốt hơn nhưng lúc đầu còn e dè vì mỗi năm gia đình mới thu được khoảng 350 lít mật ong và vì kinh phí xây dựng sản phẩm OCOP nhiều. Nay được huyện hỗ trợ 90 triệu đồng/sản phẩm xây dựng OCOP thì quá tốt, ngành chuyên môn đã về kiểm định chất lượng, hỗ trợ tôi làm hồ sơ đề nghị công nhận. Thời gian tới, tôi sẽ nhân rộng đàn ong mật để sản xuất nhiều mật ong chất lượng hơn nữa xứng đáng là sản phẩm đặc thù của địa phương. Với sự hỗ trợ kịp thời của huyện về cả nguồn lực và nhân lực, Đông Hoàng đã dần tháo gỡ được khó khăn, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,49%, bước gần hơn tới đích xã NTM nâng cao. 

Với sự vào cuộc, hỗ trợ kịp thời của huyện, chắc chắn các xã của Đông Hưng sẽ sớm khắc phục được khó khăn, vươn lên hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao. 

Có sự hỗ trợ của huyện, ông Tô Hồng Sơn, xã Đông Hoàng phấn khởi xây dựng sản phẩm mật ong của gia đình thành sản phẩm OCOP.

Hiếu Hiền 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày