Thứ 3, 06/08/2024, 15:22[GMT+7]

Kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Thứ 5, 04/04/2019 | 17:07:41
462 lượt xem
Sáng 4/4/2019, tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (4/4/1949 - 4/4/2019).

Các đại biểu dự Lễ khánh thành Bia di tích lịch sử Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xóm Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thuận Hữu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. 

Cùng dực còn có đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các nhà báo lão thành cách mạng cùng đông đảo các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Đọc diễn văn ôn lại lịch sử 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đồng chí Thuận Hữu khẳng định: cách đây đúng 70 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn khó khăn ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh thành lập Trường dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng do đồng chí Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm giám đốc, đồng chí Xuân Thủy làm Phó giám đốc.

Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức duy nhất được một khóa học ngắn hạn gồm 42 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước;  giảng viên của lớp đều là các lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, vốn sống phong phú và là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tên tuổi như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu, Tố Hữu, Nam Cao, Thế Lữ...

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm. 

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng, góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua. Từ mái trường tranh tre nứa lá giữa đại ngàn Việt Bắc, các học viên của trường đã tỏa đi muôn nơi, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, nổi bật là các nhà báo: Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (báo Nhân Dân), Mai Hồ (báo Cứu Quốc), nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Việt Phương...

Cũng từ mốc son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc kháng, đến nay cả nước đã có hàng chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng đến tiến sĩ. Hiện Việt Nam đã có hơn 900 cơ quan báo chí và trên 50.000 người làm báo, trong đó có 24.000 người là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam...

Tự hào với truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Thuận Hữu mong muốn các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí, nhà báo tiếp tục đóng góp công sức nhằm tôn tạo, gìn giữ, bảo vệ các di tích lịch sử báo chí, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương Thái Nguyên - một "địa chỉ đỏ" trong thời kỳ phát triển và hội nhập...

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cho tỉnh Thái Nguyên.

Duy Tùng