Thứ 3, 06/08/2024, 15:17[GMT+7]

Bạo lực trong con trẻ: Người lớn đừng thờ ơ

Chủ nhật, 07/04/2019 | 12:45:26
1,449 lượt xem
Bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh đã không còn là chuyện nhỏ và cần được nghiêm túc nhìn nhận, ngăn chặn.

Phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học thị trấn Vũ Thư tham gia giờ học trải nghiệm gói bánh chưng.

Những ngày vừa qua, dư luận xã hội lại thêm một lần phẫn nộ trước vụ việc một học sinh của một trường THCS tại Hưng Yên bị 5 học sinh cùng lớp lột quần áo, bạo hành ngay tại lớp học. Dư luận không khỏi phẫn uất trước hình ảnh một cô học sinh bé nhỏ, không quần áo, chỉ biết ngồi co rúm người khóc lóc trong khi các em khác thay nhau đánh, đá vào mặt, vào người. Dư luận càng bức xúc hơn với thông tin đây không phải là lần đầu em học sinh này bị các bạn đánh mà chưa có sự ngăn cản kịp thời của nhà trường và giáo viên.

Tại sao các vụ việc bạo lực trong học sinh ngày càng gia tăng và mức độ cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng? Tại sao những vụ việc bạo lực lại xảy ra ngày càng nhiều hơn trong nữ sinh, mà theo quan niệm truyền thống thì nữ sinh vốn là phái liễu yếu đào tơ, ngoan hiền, dễ thương? Đánh hội đồng, bắt nạn nhân phải quỳ xuống xin lỗi và đỉnh điểm là lột hết quần áo của bạn? Những vụ việc mà chỉ nghe đã cảm thấy đau xót trước lối hành xử của các em học sinh đang còn ở độ tuổi ô mai, áo trắng đến trường. Báo chí, dư luận xã hội đã phân tích, chỉ trích gay gắt về những hành động này, các cơ quan điều tra đã phải vào cuộc song vụ “đánh hội đồng” này vừa lắng thì lại có vụ việc khác xuất hiện. Nhiều câu hỏi đang đặt ra: phải chăng, bạo lực trong học sinh đã không còn là hiện tượng mà đã trở thành một vấn nạn và những vụ việc được quay clip phát tán trên mạng xã hội chỉ là tảng băng nổi của cả tảng băng chìm về nạn bạo lực trong học sinh.

Thượng tá Mai Thế Vinh, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh phân tích có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong học sinh. Thứ nhất, sự tác động tiêu cực của mạng xã hội internet. Trên các trang mạng internet hiện nay đăng tải quá nhiều các vụ việc tiêu cực, bạo lực, các vấn đề mặt trái của xã hội. Những thông tin, hình ảnh bạo lực tác động vào tâm lý, tình cảm chưa ổn định của các em đang ở độ tuổi vị thành niên và thanh niên trẻ. Thứ hai, sự thiếu nghiêm khắc trong kỷ luật của nhà trường dẫn đến hành vi “nhờn” kỷ luật trường học. Sự giáo dục trong gia đình hiện nay cũng đang bị buông lỏng. Các bậc phụ huynh không thường xuyên quan tâm đến con dẫn đến sự quản lý, giáo dục lỏng lẻo. Đó là các nguyên nhân cơ bản dẫn đến gia tăng các vụ việc vi phạm pháp luật trong học sinh nói chung và bạo lực trong học sinh nói riêng. 

Còn nhà giáo Nguyễn Thanh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân tích nguyên nhân do giáo dục trong gia đình hiện nay đang có nhiều hạn chế, sự quan tâm đến giáo dục trong gia đình ít được coi trọng. Trong gia đình, bố mẹ bận mải với công việc xã hội nhiều hơn dẫn đến xu hướng gần gũi, dạy dỗ con cái thiếu thường xuyên, việc quan tâm hình thành nhân cách cho con qua các giai đoạn trưởng thành có mức độ. Bên cạnh đó, việc nặng về dạy kiến thức văn hóa, ít dạy về cách cư xử, giao tiếp cho học sinh trong trường học tồn tại một thời gian dài đã dẫn tới sự rèn luyện nhân cách, đạo đức, ứng xử của học sinh bị xem nhẹ. 

Đặc biệt, thời gian gần đây thường xảy ra các vụ bạo lực trong học sinh nữ theo phân tích của nhà giáo Nguyễn Thanh Cầm là việc giáo dục về giới tính và bình đẳng giới đang gặp nhiều vấn đề. Bình đẳng giới là một chủ trương đúng song trong một bộ phận không nhỏ chị em phụ nữ và nữ thanh niên trẻ đang hiểu sai, hiểu lệch lạc về nội dung này. Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới phải hiểu là bình đẳng về vị thế chứ không phải về cơ bắp.  Nếu hiểu phụ nữ hay con gái cũng phải hùng hổ, ăn to nói lớn, có thể làm những việc nam giới đang làm là hiểu biết theo nghĩa bề ngoài, thô thiển về khái niệm này. Trào lưu các nữ sinh thích mặc trang phục, đi lại, nói năng, cư xử như nam giới chính là biểu hiện của sự nhận thức sai lầm này. Chính vì vậy, ngay từ khi trẻ em ở độ tuổi rất nhỏ, gia đình và nhà trường phải quan tâm giáo dục về giới tính, phải giáo dục cho bé gái và bé trai về những đặc trưng về giới để các bé sớm hình thành nhân cách và biết phân biệt đúng hay chưa đúng, chuẩn hay chưa chuẩn trước mỗi hành động của mình.

Tổ chức cho học sinh học võ tại Trường Tiểu học Dương Thị Khánh (Hưng Hà).

Trên thực tế, bạo lực trong học sinh đang xảy ra không chỉ ở độ tuổi THCS hay THPT mà thậm chí xảy ra cả ở độ tuổi mẫu giáo hay tiểu học song ít được coi là nghiêm trọng và thậm chí ít được các bậc phụ huynh hay trường học quan tâm. 

Một phụ huynh học sinh có con đang học tiểu học chia sẻ trong nhóm zalo của lớp vẫn thường xuất hiện các phản ánh, chia sẻ của phụ huynh với nhau về việc bạn này bị bạn kia đánh hay bắt nạt và có những cuộc hẹn giữa phụ huynh để giải quyết mâu thuẫn của trẻ con. 

Có những phụ huynh nhận được phản ánh con mình là đối tượng bạo hành với bạn thì rất thật lòng xin lỗi và hứa sẽ nhắc nhở, dạy bảo con song bên cạnh đó cũng có những phụ huynh tỏ thái độ không hợp tác, xem nhẹ trước các phản ánh về tính bạo lực của con. Những cái cấu, cắn, xô đẩy bạn của độ tuổi mầm non nếu không được nghiêm khắc nhắc nhở sẽ rất có thể hình thành nên hành vi bạo lực khi các em đến độ tuổi trung học. Bởi vậy, sự xem nhẹ các hành vi bạo lực trong con trẻ của người lớn sẽ dẫn đến các hành vi bạo lực nghiêm trọng khi các em lớn lên như các vụ việc đã được phản ánh thời gian qua.

Bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh có phải là vấn đề báo động? Trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Cần có biện pháp mạnh mẽ hơn, không để vấn đề này trở thành vấn đề xã hội lớn! Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra vào ngày 2/4. 

Trong hội nghị của Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào chiều ngày 2/4, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng có chỉ đạo nhấn mạnh về vấn đề bạo lực trong học sinh. Đồng chí cảnh báo mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra các vụ bạo lực nghiêm trọng trong học sinh như ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước song không vì thế mà các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành Giáo dục và các ngành liên quan xem nhẹ vấn đề này, vẫn phải đặc biệt quan tâm, ngăn chặn không để bạo lực trong học sinh xảy ra. Các trường học phải hướng đến mục tiêu lớn nhất đó là không chỉ giảng dạy về kiến thức văn hóa mà còn phải quan tâm giáo dục đạo đức, rèn luyện thể chất, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử cho học sinh.

Bạo lực học đường, bạo lực trong học sinh đã không còn là chuyện nhỏ và cần được nghiêm túc nhìn nhận, ngăn chặn. Song cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục, để ngăn chặn vấn nạn này, việc giáo dục con trẻ nói không với bạo lực là điều cần được thực hiện thường xuyên, nghiêm khắc tại mỗi gia đình, trong mỗi giờ học và thực hiện ngay khi đối với trẻ ở độ tuổi mầm non.

Trần Thu Hương