Thứ 6, 27/12/2024, 03:06[GMT+7]

Giai đoạn 2021 – 2025: Định hướng nông thôn mới thông minh

Thứ 6, 02/10/2020 | 09:25:56
3,850 lượt xem
Chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới (NTM) thông minh giai đoạn 2021 – 2025 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp thực hiện.

Chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh là xu thế tất yếu

Thách thức mới

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, sau 10 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực và mang tính lịch sử. Đến nay, có 5.350 xã (chiếm trên 60% số xã của cả nước), 152 đơn vị cấp huyện (đạt 22,7%) đạt chuẩn NTM. Những con số về mặt số lượng đã vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. Bên cạnh đó, đời sống người dân, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có nhiều đổi thay.

Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, vẫn còn không ít thách thức và tồn tại. Đó là khoảng cách kết quả NTM giữa các vùng miền, vùng khó khăn, những xã chưa đạt chuẩn so với xã đạt chuẩn. Một số vấn đề chưa thật sự bền vững, kể cả cơ sở hạ tầng đầu tư nhưng thiếu duy tu, bảo dưỡng, vấn đề môi trường, đặc biệt là xử lý chất thải rắn, nước thải, chất thải.

Nhận định của nhiều chuyên gia, giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp nói chung cũng như chương trình xây dựng NTM nói riêng đứng trước thách thức rất lớn. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh, điển hình là dịch tả lợn châu Phi, đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy; giữa người sản xuất và người tiêu dùng thay đổi hoàn toàn thói quen khi việc giao dịch phi tiếp xúc trực tiếp ngày một tăng cao. Mặt khác, vấn đề thách thức cạnh tranh toàn cầu, trong quá trình hội nhập không chỉ thuần túy trên thị trường trong nước, trong tỉnh mà còn với cả những tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài.

Điều này đòi hỏi nông thôn cần có sự thay đổi cho phù hợp với xu thế của thời đại. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng mạnh mẽ hơn khoa học - công nghệ, đặc biệt công nghệ số, được coi là giải pháp ưu việt giúp khoảng cách, chất lượng cuộc sống giữa nông thôn và thành thị xích lại gần nhau hơn.

Hướng tới khu vực nông thôn thông minh

Đảng, Chính phủ xác định giai đoạn 2021 - 2025 phải đưa NTM vừa phát triển toàn diện, vừa bền vững về chiều sâu, thích ứng với bối cảnh mới. Chuyển thách thức thành cơ hội và cuộc Cách mạng 4.0, cách mạng chuyển đổi số chính là thách thức, cơ hội để thúc đẩy nông thôn, nông nghiệp phát triển mang tính bền vững.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương - chia sẻ, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng có ý tưởng trình Chính phủ xây dựng đề án đưa công nghệ thông tin và chuyển đổi số trở thành một trong những tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; trong đó tập trung chủ yếu vào hạ tầng kết nối, băng thông rộng và dữ liệu nông nghiệp, nông thôn. Nội hàm của chuyển đổi số là hướng tới một khu vực nông thôn thông minh, trên cơ sở đánh giá thực trạng hiện nay và xu hướng phát triển thiết yếu. Bởi nếu không có sự chủ động, thích ứng thì vùng nông thôn sẽ bị bỏ lại phía sau.

Trên thực tế, việc chuyển đổi số và ứng dựng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM đã được manh nha triển khai tại một số địa phương, nhưng chủ yếu mang tính tự phát. Ví dụ, hệ thống tưới cảm biến tự động được áp dụng rất nhiều. Nhiều địa phương cũng đã thí điểm công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát điều hành NTM, hay mới đây nhất là Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Nhưng hiện chưa có tiếp cận toàn diện, tổng thể, định hướng dài hơi xem cái gì làm trước, có bước đi, lộ trình một cách bài bản...

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT đưa nội dung về công nghệ số trong NTM thành một nội dung trọng tâm. Cụ thể, hạ tầng chuyển đổi số sẽ là hạ tầng thiết yếu, bao gồm hạ tầng kết nối băng thông rộng với cáp quang phủ sóng về tận nông thôn, tiếp theo hạ tầng kết nối 4G, tiến đến là 5G. Làm sao mỗi người dân đều được tiếp cận kết nối internet qua các hệ thống kết nối căn bản với chi phí hợp lý. Về thiết bị, cơ quan quản lý nhà nước phải có máy tính, chủ thể phải có thiết bị thông minh để giúp người dân, chính quyền tiếp cận được mạng.

Yếu tố quan trọng và cốt lõi của chuyển đổi số là hạ tầng về dữ liệu. Trên thực tế, chuyển đổi số chỉ phát triển nếu thu thập được cơ sở dữ liệu chuẩn, chính xác, đa dạng. Hệ thống dữ liệu này có thể hưởng thụ khi được chuẩn hóa và kết nối giữa các bộ, ngành, cũng như chia sẻ dữ liệu về đất đai, con người, sức khỏe… Khi có đủ cơ sở dữ liệu số hóa nông thôn sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp đầu tư phần mềm trên nền tảng dữ liệu, phần mềm mua bán online, bán thuốc trừ sâu, dịch vụ, phần mềm khảo sát nông nghiệp, nông thôn, ngành hàng...

Theo congthuong.vn