Thứ 3, 24/12/2024, 20:38[GMT+7]

Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới: Huy động sức dân, nhân rộng điển hình

Thứ 3, 27/04/2021 | 15:05:15
1,055 lượt xem
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu, động lực thúc đẩy KT-XH phát triển, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều địa phương đã huy động nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí về văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần ở mỗi làng quê.

Ban quản lý thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) kiểm tra việc tu sửa các công trình văn hóa.

Tạo sự đồng thuận

Một buổi chiều cuối tháng 4, chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Uyển, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Yên (Yên Dũng) thôn Đức Thành, xã Trí Yên. Lúc này tại NVH thôn, hàng chục phụ nữ, người cao tuổi đang tập các bài dưỡng sinh, khiêu vũ, tốp thì chơi bóng chuyền trong khuôn viên NVH liền kề sân đình.

Tranh thủ lúc giải lao, ông Bùi Thế Chiện, Trưởng thôn Đức Thành cho biết: "Thôn có hơn 500 nhân khẩu, bà con chủ yếu làm nông nghiệp. Xây dựng các thiết chế văn hóa, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nghị quyết chuyên đề, tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Bà con tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền làm NVH, khuôn viên, mua sắm thiết bị… với số tiền hàng tỷ đồng". 

Cuối năm 2020, thôn Đức Thành được chọn xây dựng NTM mới kiểu mẫu, khoảng 60 hộ tự nguyện hiến hơn 7 nghìn m2 đất để làm sân vận động, NVH mới. Riêng kinh phí xây NVH hơn 2 tỷ đồng, sân vận động gần 600 triệu đồng. Hiện sân vận động thôn cơ bản hoàn thiện, dự kiến cuối năm nay, NVH mới sẽ hoàn thành.

Không chỉ ở thôn Đức Thành, các công trình văn hóa của 6 thôn khác trong xã cũng được xây dựng to đẹp, khang trang. Để có được kết quả như vậy, cán bộ, đảng viên ở các thôn gương mẫu đi đầu hiến hàng trăm mét đất, bỏ hàng chục triệu đồng để ủng hộ. Nhờ đó, phong trào văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) trong xã phát triển mạnh, tạo sân chơi văn hóa bổ ích, gắn kết cộng đồng.

Còn tại xã Việt Lập (Tân Yên), một trong những xã có dân số lớn nhất huyện (khoảng 10 nghìn dân), phong trào xây dựng thôn, gia đình văn hóa được nhân dân tích cực hưởng ứng. Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã, do dân số đông, trên địa bàn có tuyến quốc lộ 17 chạy qua dài khoảng 5 km, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhiều… nên người dân dễ bị ảnh hưởng mặt trái xã hội. 

Để duy trì và giữ vững danh hiệu thôn, gia đình văn hóa, Đảng ủy, UBND xã phân công rõ trách nhiệm từng đảng ủy viên, trưởng các ban, ngành, đoàn thể theo dõi, phụ trách các thôn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, lắng nghe ý kiến cơ sở để giải quyết kịp thời những vướng mắc. Đồng thời phát huy vai trò của tổ liên gia tự quản ở khu dân cư. Hằng năm, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa của xã đạt gần 90 %, thôn văn hóa đạt từ 78- 80%.

Người dân thụ hưởng

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các tiêu chí để về đích. Trong số 19 tiêu chí của xã NTM, tiêu chí số 2 (cơ sở vật chất văn hóa: NVH, sân thể thao, điểm vui chơi) và số 16 (văn hóa: Tỷ lệ thôn, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa theo quy định) được cho là những tiêu chí khó thực hiện. Ở những xã, thôn kinh tế còn khó khăn, việc bố trí quỹ đất, huy động đóng góp của dân để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao không đơn giản. 

Sân thể thao thôn Kim Tràng, xã Việt Lập (Tân Yên) được xây dựng phục vụ nhân dân tập luyện TDTT.

Điều đáng nói, ở tiêu chí 16, đối với những xã nhiều thôn, dân số đông, để có tỷ lệ 70 % thôn trở lên trong 5 năm liên tục đạt danh hiệu văn hóa thì các xã còn gặp khó. Trên thực tế, nhiều thôn giữ vững danh hiệu văn hóa vài năm song do có người sinh con thứ ba hoặc vi phạm pháp luật… nên không được công nhận danh hiệu này.

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh có 184/184 xã có NVH, đạt tỷ lệ 100%; gần 1.900 thôn, bản có NVH và điểm sinh hoạt văn hóa đạt tỷ lệ 99 %; hơn 1.700 câu lạc bộ văn nghệ, TDTT cấp xã, gần 4 nghìn câu lạc bộ văn nghệ, TDTT cấp thôn thu hút hàng vạn người tham gia. Đến hết năm 2020, có 122/184 xã đạt chuẩn văn hóa NTM (đạt tỷ lệ 66,3%).

Bài học kinh nghiệm được các địa phương rút ra là làm tốt công tác tuyên truyền, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể. Đặc biệt, huy động tối đa các nguồn lực, nhất là công tác xã hội hóa. Trong quá trình thực hiện, chọn thôn, hộ tiêu biểu, điển hình để nhân rộng, tạo sức lan tỏa. Phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhân dân.

Ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết, để đạt được các tiêu chí văn hóa xã NTM và NTM mới nâng cao ở các địa phương, giai đoạn 2021-2025, sở tiếp tục phối hợp triển khai kế hoạch "Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020 – 2025; định hướng đến năm 2030", Đề án “Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025”. Mặt khác, tích cực tuyên truyền, nhân rộng mô hình "Xã NTM nâng cao", “Thôn NTM kiểu mẫu”. Huy động các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư, xây dựng và phát huy công năng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa.

Theo baobacgiang.com.vn