Thứ 4, 08/01/2025, 04:22[GMT+7]

Nghệ An: Phấn đấu năm 2022 có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ 6, 19/11/2021 | 11:13:38
492 lượt xem
Những năm qua, toàn tỉnh Nghệ An đã quyết tâm, nỗ lực trong việc phấn đấu đạt chuẩn thôn; bản nông thôn mới, xã nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao; nông thôn mới kiểu mẫu và huyện nông thôn mới, từ đó tạo động lực rất lớn để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Diện mạo nông thôn Nghệ An ngày càng khởi sắc.

Báo cáo tại phiên họp chuyên đề tháng 11/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2021, nhiệm vụ năm 2022, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Đến nay, Nghệ An có 280/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm gần 68,13%. Trong đó, có 6 xã thuộc huyện nghèo 30a; 2 xã biên giới; có 41 xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; 119 xã có đông đồng bào giáo dân; có 2 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) và xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu).

Toàn tỉnh có 29 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 7,05%; có 57 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 13,86%; có 45 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 10,94%; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,52 tiêu chí/xã. Có 898 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 730 thôn/bản thuộc các xã đạt chuẩn và 168 thôn/bản không thuộc xã đạt chuẩn).

Có 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó thành phố Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn và huyện Yên Thành đã có Quyết định công nhận của Thủ tướng Chính phủ; huyện Nghi Lộc đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận; thị xã Hoàng Mai đang hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2020 là 34,44 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 giảm còn khoảng 3%; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%; Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn đến nay đạt 85,3%; nước sạch theo QCVN 02/2009/BYT đạt 48%.

Trong năm có 113 sản phẩm được công nhận OCOP (giảm 2 sản phẩm so với năm 2020), trong đó có 25 sản phẩm đươc công nhận đạt 4 sao; 87 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao.

Tổng nguồn vốn huy động năm 2021 là 12.445.289 triệu đồng. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình là 1.159.452 triệu đồng, chiếm 9,32%. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 1.120.076 triệu đồng, chiếm 9%. Vốn tín dụng là 8.920.783 triệu đồng, chiếm 71,68%. Vốn doanh nghiệp là 535.147 triệu đồng, chiếm 4,3%. Vốn nhân dân đóng góp là 709.831 triệu đồng, chiếm 5,7%.

Phấn đấu đến hết năm 2022, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 310/411 xã, tương đương 75,42% số xã toàn tỉnh. Có thêm 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của toàn tỉnh lên 48/310 xã, tương đương 15,48%. Có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của toàn tỉnh lên 6 xã. Có thêm 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 9 huyện.

Các xã còn lại đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho nhân dân, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến hết năm 2021 đạt khoảng 35,5 triệu đồng/người/năm...

Xây dựng thêm 166 vườn chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số vườn chuẩn nông thôn mới của toàn tỉnh lên 382 vườn. Xây dựng thêm 39 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân đạt 16,95 tiêu chí/xã. Tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo các nội dung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/01/2019.

Theo baoxaydung.com.vn