Thứ 5, 09/01/2025, 13:37[GMT+7]

Quảng Ninh huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 02/12/2021 | 16:47:38
705 lượt xem
Có thể thấy khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Quảng Ninh luôn đạt kết quả cao. Đến nay đã có 92/98 xã trên địa bàn toàn tỉnh đạt chuẩn NTM; 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Không dừng lại ở đó, nhiều năm trở lại đây, tỉnh còn tập trung xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao, với sự đồng lòng, góp sức của người dân trên địa bàn.

Khởi công xây dựng tuyến đường bê tông dẫn vào SVĐ xã Quảng Lâm (huyện Đầm Hà), tháng 9/2021. Ảnh: Quốc Nghị (CTV)

Theo bộ tiêu chí xã NTM nâng cao của tỉnh, các tiêu chí về phát triển sản xuất, thu nhập hộ nghèo, hạ tầng, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự là khá cao. Để huy động sức dân trong xây dựng NTM nâng cao, tỉnh đã phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở đó, hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn chặt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ủy ban MTTQ tỉnh cũng phối hợp với UBND tỉnh xây dựng chương trình phối hợp công tác để triển khai có hiệu quả các phong trào này.

Với quan điểm xây dựng NTM nâng cao theo tinh thần làm từ nhà ra ngõ, từ thôn đến xã, huyện và tỉnh, người dân được bàn, tự tổ chức và trực tiếp tham gia; các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó tập trung xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu, xã NTM kiểu mẫu, vườn NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM kiểu mẫu. Dự kiến năm 2021, toàn tỉnh có 216 thôn đạt chuẩn, 904 vườn đạt chuẩn và hơn 8.500 hộ gia đình NTM kiểu mẫu.

Cán bộ thôn Đông Lâm, xã Bình Dương, TX Đông Triều và người dân kiểm tra mô hình trồng lúa chất lượng cao tại địa phương.

Các ngành, địa phương, MTTQ và các đoàn thể còn vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn m2 đất làm đường, các công trình công cộng; tham gia đóng góp ngày công triển khai thực hiện các công trình trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, người dân các xã đã đóng góp đất, ngày công, tiền mặt, công trình, xây dựng các mô hình trị giá hơn 400 tỷ đồng. Các tổ chức, doanh nghiệp cũng ủng hộ vật chất, công, tiền mặt, đầu tư sản xuất tại các xã trị giá khoảng 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bà con tiếp tục nâng cao chất lượng các mô hình, CLB sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Từ đầu năm đến nay, các xã đã phát triển mới 70 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 477, trong đó có 224 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Đồng thời, các địa phương cũng tuyên truyền, vận động người dân tham gia xã hội hóa nguồn lực thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển từ "lượng" sang "chất", đảm bảo thường xuyên, liên tục, lâu dài; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thay đổi nếp sống cũ... Người dân các xã đều tích cực hưởng ứng phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, mô hình “Chống rác thải nhựa”, “Làm sạch bờ biển”... Từ đầu năm đến nay, đã có hơn 250.000 lượt người dân tham gia thu gom rác, khơi thông cống rãnh, trồng mới các loại cây... Hàng chục km đường liên thôn, đường ngõ xóm được chiếu sáng.

Tuyến đường ngõ xóm tại thôn Đông Anh, xã Bình Dương, TX Đông Triều, được thảm bê tông và trồng hoa tạo cảnh quan sạch đẹp.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của nhân dân, dự kiến hết năm 2021, cả 98 xã trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn NTM, trong đó có 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tại các xã NTM nâng cao đều đã thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực; có HTX để tập trung sản xuất, bao tiêu sản phẩm; 100% người dân đều có nước sạch để sinh hoạt; hệ thống giao thông đảm bảo an toàn, chiếu sáng; các tuyến đường khu trung tâm tập trung dân cư đều trồng cây xanh tạo cảnh quan, không gian nông thôn sáng - xanh -sạch - đẹp; rác thải được thu gom, phân loại rác tại nguồn. Các công trình hạ tầng nơi đây được quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp, phát huy hiệu quả đầu tư; hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp tập trung của địa phương.

Ở các xã này, lao động có việc làm qua đào tạo đạt từ 65% trở lên; thu nhập hộ nghèo cao hơn từ 1,2 lần trở lên so với thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm từ 0,5 lần trở xuống so với mức quy định đối với vùng. Người dân giữ được bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao với mong muốn mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; xóa khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn; đưa nông thôn Quảng Ninh trở thành miền quê đáng sống.

Theo baoquangninh.com.vn