Thứ 6, 27/12/2024, 11:39[GMT+7]

Thừa Thiên - Huế: Dự kiến huy động trên 2.500 tỷ đồng để xây dựng Nông thôn mới

Thứ 3, 25/01/2022 | 14:11:01
754 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới năm 2022, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ có 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn Nông thôn mới.

Thị xã Hương Thủy là địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022. Qua rà soát đánh giá lại các xã, huyện theo bộ tiêu chí mới, phấn đấu đến cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh sẽ có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Có ít nhất 20% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn Nông thôn mới. Nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, dự kiến huy động hơn 2.532 tỷ đồng.

Những xã còn lại, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,3 tiêu chí/xã/năm và nâng chất lượng tiêu chí theo lịch trình kế hoạch đã đề ra. Trong đó cần ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.

Các chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân như: Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch khoảng 96%, khu vực nông thôn 93%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 toàn tỉnh giảm 1,0-1,5% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025), trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 4% trở lên.

Tại cấp huyện tập trung xây dựng Nông thôn mới các xã, các tiêu chí huyện nông thôn mới, các điều kiện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới của thành phố Huế và đạt chuẩn Nông thôn mới của huyện Phong Điền để trình Trung ương công nhận vào năm 2023. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, năm 2021 đã chứng nhận cho 15 sản phẩm, năm 2022 chứng nhận thêm cho 30 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm phấn đấu đạt OCOP đến hết năm 2022 khoảng 70 sản phẩm.

Theo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh yêu cầu các ngành và địa phương cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đối từng xã cụ thể để thực hiện theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với các đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Những xã, huyện đã đạt chuẩn, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu theo theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phải đảm bảo giải pháp bảo đảm duy trì và đạt chuẩn. Tập trung xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn cho các xã, huyện theo hướng xanh - sạch - sáng và đẹp, các khu dân cư, thôn, bản kiểu mẫu, nhất là các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiến tới hình thành các vùng quê đáng sống. Thực hiện xây dựng mô hình “Xã thông minh” thí điểm tại xã Quảng Thọ, (huyện Quảng Điền) và xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc).

Tăng cường sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình nông thôn mới, triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; tạo việc làm với nhiều ngành nghề ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý; đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... để phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, trên cơ sở đó nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân.

Theo baoxaydung.vn