Thứ 3, 24/12/2024, 20:47[GMT+7]

Vĩnh Phúc: Tập trung tháo gỡ khó khăn để có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022

Thứ 2, 13/06/2022 | 10:01:47
710 lượt xem
Với mục tiêu trong năm 2022, Vĩnh Phúc có thêm 14 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, các sở, ngành, địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn mới mang màu sắc riêng.

Diện mạo các xã nông thôn mới thay đổi rõ rệt, tạo tiền đề để về đích nông thôn mới nâng cao.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành 18 cơ chế, chính sách. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 166 về thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng tầm vóc Việt Nam” và đang tiếp tục xây dựng 4 cơ chế, chính sách, gồm: Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp các tuyến đường trục xã, trục thôn; xây dựng mới giao thông nội đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; hỗ trợ đầu tư, cải tạo hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; hỗ trợ xây dựng hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ thực hiện trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2021-2025.

Năm 2021, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 13,7 tỷ đồng cho xã Liên Châu, huyện Yên Lạc; xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường xây dựng nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ gần 230 tỷ đồng cho các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới theo chuẩn vùng đồng bằng Sông Hồng; lập dự án nạo vét đối với 198 thủy vực ô nhiễm môi trường; triển khai 2 dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc.

Hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2021, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; khuyến khích các hộ dân chuyển gần 43ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ duy trì, phát triển trên 1.800ha sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn VietGAP; thành lập mới 15 hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực cứng hóa trên 292km đường giao thông nông thôn, nâng tỷ lệ đường trục xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện và đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa đạt 100%.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có 105 xã có trung tâm văn hóa thể thao, có đủ các hạng mục đạt chuẩn theo quy định; 838/901 thôn đạt tiêu chuẩn “thôn, làng văn hóa”; 100% người nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; trên 97% nhà ở nông thôn đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt xấp xỉ 55 triệu đồng/người/năm; 105 xã đạt tiêu chí hộ nghèo.

Năm 2022, Vĩnh Phúc phấn đấu có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 49 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu theo chuẩn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các huyện Tam Dương, Tam Đảo hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới và hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định; huyện Sông Lô, Lập Thạch đủ các điều kiện, tiêu chí huyện nông thôn mới.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Phúc, tiến độ thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới đối với các xã vùng trung du, miền núi của 4 huyện Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch còn chậm; tiến độ hoàn thành, chất lượng một số tiêu chí huyện nông thôn mới của một số huyện chưa đạt yêu cầu đề ra.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, quán triệt tinh thần “xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Khuyến khích người dân chủ động, tích cực đóng góp nguồn lực tham gia xây dựng, đầu tư nâng cấp, bảo trì các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm thiểu sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước các cấp.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ giới hóa trong sản xuất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ưu tiên nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng cường kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới.

Theo baoxaydung.com.vn