Thứ 2, 25/11/2024, 02:19[GMT+7]

Sóc Sơn (Hà Nội) hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Thứ 5, 28/07/2022 | 09:31:52
1,386 lượt xem
Vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã vinh dự được đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Xác định xây dựng NTM có điểm đầu mà không có điểm kết thúc, huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có 40% số xã đạt NTM nâng cao, 30% số xã đạt NTM kiểu mẫu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm Hợp tác xã Rau hữu cơ xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Tường Vy

Thành quả từ sự đoàn kết

Nhớ lại những ngày đầu triển khai xây dựng NTM, Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Dũng cho biết: Sóc Sơn là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số nên xuất phát điểm xây dựng NTM còn thấp và nhiều khó khăn. Thời điểm 2010, huyện chưa có quy hoạch đầy đủ, hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ; thu nhập bình quân chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm; mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 15,04%… Do vậy, khi có chủ trương thực hiện Chương trình NTM, Sóc Sơn coi đây là thời cơ để tạo ra bước ngoặt lớn phát triển nông nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.

Mặc dù những bước đi đầu tiên gặp nhiều khó khăn, song nhờ nỗ lực, quyết tâm, đặc biệt là tinh thần đoàn kết từ cấp ủy, chính quyền đến từng người dân, chương trình đã gặt hái nhiều trái ngọt. Đến nay, 25/25 xã trong huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa; trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng đồng bộ với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân đều đạt 100%. Đặc biệt, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện với mức thu nhập bình quân năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%. Đặc biệt, đến cuối năm 2021 vừa qua, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.

Từ những thành quả đạt được, huyện Sóc Sơn đang tập trung đầu tư, từng bước đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất. Nổi bật, là thực hiện dồn điền đổi thửa được 10.845ha, tạo tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến hết năm 2021, toàn huyện có 76 sản phẩm OCOP được UBND thành phố Hà Nội công nhận.

Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Minh chia sẻ, giai đoạn 2010 - 2020, tổng huy động nguồn lực xây dựng NTM của huyện là 4.419 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhân dân đóng góp là 1.286,4 tỷ đồng (chiếm 29,1%). Suốt chặng đường 10 năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đưa phong trào thi đua xây dựng NTM lan tỏa tới từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Dù đời sống còn nhiều khó khăn song người dân vẫn chung sức, đồng lòng xây dựng NTM. 

Nâng cao chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển đô thị vệ tinh

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, huyện Sóc Sơn đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có 40% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, các xã còn lại thực hiện đạt trên 50% số tiêu chí NTM nâng cao. Đảng bộ, chính quyền huyện xác định tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; hệ thống tưới tiêu, cấp nước sạch; cải tạo chợ dân sinh, xây dựng các khu chăn nuôi, khu giết mổ tập trung, đưa cơ sở sản xuất trong làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra xa khu dân cư...

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg năm 2011, huyện Sóc Sơn được xác định là 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cũng đã định hướng trong tương lai huyện sẽ là một phần quan trọng xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc Hà Nội. Theo đó, bên cạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa, huyện cũng tranh thủ mọi nguồn lực của Trung ương, thành phố để tạo bước đột phá đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung, làm tiền đề xây dựng các xã, thị trấn theo hướng đô thị.

Tại buổi lễ đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, huyện Sóc Sơn cần chủ động rà soát các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 để không ngừng nâng cao các tiêu chí của xã và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, chỉ đạo các xã xây dựng lộ trình rõ ràng, cụ thể hóa bằng các kế hoạch để xây dựng tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với tiêu chí đô thị theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện với phương châm quy hoạch phải đi trước một bước để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí gắn với phát triển đô thị vệ tinh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nêu rõ, huyện Sóc Sơn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân để tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động; tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc công khai, dân chủ, để người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng được thụ hưởng thành quả từ chương trình xây dựng NTM. Đó là yếu tố cốt lõi huyện Sóc Sơn có thể gặt hái thành công trong chặng đường xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Theo daibieunhandan.vn