Thứ 3, 26/11/2024, 19:08[GMT+7]

Huyện Tháp Mười (Đồng Tháp): Xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thu nhập người dân

Thứ 5, 10/11/2022 | 11:30:38
1,545 lượt xem
Cách đây 3 năm, huyện Tháp Mười là huyện đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn, huyện bắt tay ngay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Một tuyến đường nông thôn ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười.

2 xã Mỹ Đông và Thanh Mỹ của huyện Tháp Mười đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đang tập trung quyết liệt trong thực hiện từng tiêu chí, đặc biệt là đề ra các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cùng tạo công ăn việc làm

Khi trời vừa tạnh mưa, cũng là lúc chúng tôi đã được đặt chân đến xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười. Đây là một xã rất đặc biệt ở Đồng Tháp khi địa phương này có vị trí địa lý giáp 2 tỉnh (phía đông giáp xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và phía bắc giáp xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An).

Đốc Binh Kiều thay đổi nhanh mà vẫn còn đậm nét thôn quê. “Chiếc áo mới” được khoác lên tuy không lộng lẫy nhưng cũng đủ để cuốn hút, để tin yêu đối với những khách phương xa hay người dân ở tại quê hương xứ sở.

Đẹp nhất là trên những tuyến đường nông thôn như: tuyến Bờ Đông-Kênh Giữa, Bờ Đông-Kênh Bùi, đường Kênh Ba… Với những hàng rào cổng ngõ được trồng cây xanh, rồi toàn xã có hàng chục cây số được bà con nhân dân và các ngành, đoàn thể trồng hoa dọc 2 bên đường. Đêm về, trên các tuyến nông thôn rực ánh đèn với công trình “thắp sáng đường quê”, góp phần tạo thêm nét văn minh, an toàn cho chốn thanh bình tại vùng đất Đồng Tháp Mười.

Năm 2015, Đốc Binh Kiều đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn xã có 5 ấp, dân số có gần 12 nghìn nhân khẩu với hơn 3.180 hộ. Địa bàn xã có tuyến Quốc lộ N2 (Đoạn từ cầu kênh Nhì đến ranh Long An) và đường tỉnh lộ 846 đi qua, đây là điều kiện thuận lợi về nhiều mặt phục vụ tốt việc sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân trong xã.

“Phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo chuẩn mới, xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Qua đó, người dân trên địa bàn xã Đốc Binh Kiều rất đồng tình hưởng ứng để xây dựng xã nông thôn mới theo hướng nâng cao, nhất là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, chăm lo làm ăn góp phần tăng thu nhập ổn định cuộc sống và vươn lên khá giàu”, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đốc Binh Kiều Hồ Thanh Tâm cho biết.

Đốc Binh Kiều phấn đấu cuối năm 2022 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Do đó, xã không ngừng nỗ lực để sẽ sớm hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí thu nhập của người dân.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trong xã, góp phần xóa đói giảm nghèo, Ủy ban nhân dân xã đã tập trung cho công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc trong nước cũng như lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Từ kết quả của các lớp dạy nghề đã giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động trên địa bàn xã đạt hơn 85%.

Để cùng tạo lập cuộc sống gia đình hạnh phúc, thu nhập ổn định, các thành viên trong gia đình cùng xắn tay vô làm. Đặc biệt là nhiều phụ nữ tận dụng thời gian nhàn rỗi đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất, qua đó càng tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc, ngụ ấp 3, xã Đốc Binh Kiều, cho biết: Tổ Hợp tác được thành lập năm 2018. Đến nay, Tổ có gần 50 thành viên. Ngoài giờ đi làm vườn, đi ruộng, thời gian nhàn rỗi, các thành viên trong gia đình đến Tổ Hợp tác làm hoặc mang sản phẩm về nhà làm. Mỗi tháng 1 người trong gia đình thu nhập được hơn 2 triệu đồng.

“Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc đã góp phần tạo công ăn việc làm lúc nhàn rỗi, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đốc Binh Kiều, Lê Thị Trúc Linh, cho biết.

Một điều đáng mừng nữa là hiện nay nhiều thanh niên ở huyện Tháp Mười đã đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Những chuyến đi là cả một niềm tin đổi đời, giúp gia đình vươn lên khá giàu.

Anh Trần Văn Duy, công chức Văn hóa-Xã hội, xã Đốc Binh Kiều phấn khởi cho biết: Năm nay toàn xã có 19 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhờ đó mà nhiều hộ trước đây hoàn cảnh khó khăn, giờ đã vươn lên khá giàu. Thí dụ như gia đình anh Lê Văn Minh Tâm, ngụ ấp 4, hoàn cảnh khó khăn, làm nghề nông. Gia đình anh có 2 người con trai đi lao động ở Nhật Bản với thu nhập trung bình mỗi người 30 triệu đồng/tháng.

Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc tạo việc làm cho hàng chục hộ gia đình trong ấp.

Nhiều giải pháp tăng thu nhập

Tại các buổi làm việc với các đoàn công tác của tỉnh hoặc của Trung ương, mỗi khi thông tin về công tác xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thường xuyên được nghe lãnh đạo huyện Tháp Mười thông tin cụ thể về những giải pháp tăng thu nhập cho người dân.

Theo đó, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân của huyện tập trung chỉ đạo vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế tập thể, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo.

Để nhằm giúp người dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập, Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới các xã xác định chỉ có liên kết trong sản xuất và chăn nuôi mới góp phần làm giảm chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập cho người dân nên đã mạnh dạn tổ chức triển khai các mô hình liên kết như: liên kết trong nuôi ếch, liên kết trong sản xuất lúa với các doanh nghiệp.

Chẳng hạn, thời gian qua, xã Đốc Binh Kiều phối hợp với các ban, ngành đoàn thể huyện như: Hội Nông dân với phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; Hội cựu chiến binh có mô hình hùn vốn mua sắm tài sản, hỗ trợ vốn sản xuất, cải tạo vườn tạp được 339,39ha trồng cây ăn trái các loại…

Ngoài ra, xã Đốc Binh Kiều còn được Khối Nông nghiệp huyện chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất với các mô hình kinh tế, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đốc Binh Kiều Hồ Thanh Tâm cho biết, qua kết quả điều tra thu thập và tổng hợp kết quả thu nhập bình quân 1 người 1 năm (năm 2021) của xã đạt 65 triệu đồng.

Từ những kết quả ban đầu cho thấy, các địa phương ở huyện Tháp Mười luôn nỗ lực trong công tác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí thu nhập. Qua đây, có thể khẳng định, huyện đã đi đúng hướng khi chia các lộ trình thực hiện để đến năm 2024 chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Theo đó, mỗi năm huyện đạt ít nhất 2 xã nông thôn mới nâng cao. Chẳng hạn như năm 2022, huyện phấn đấu sẽ có 2 xã đạt gồm Mỹ An và Đốc Binh Kiều.

“Huyện đã chủ động, rà soát đối với các tiêu chí, đồng thời chia lộ trình để nỗ lực phát huy toàn hệ thống chính trị và nhân dân để đạt mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong các tiêu chí, huyện đặc biệt chú trọng đến tiêu chí thu nhập của người dân. Đây được xem là tiêu chí tăng theo từng năm. Do đó, đây là sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và hệ thống chính trị để làm sao triển khai các giải pháp, nâng cao thu nhập của người dân.

Chúng tôi cũng phân loại nhóm ra, chẳng hạn như: người trong độ tuổi lao động thì tập trung cho câu chuyện giải quyết việc làm, tham gia xuất khẩu lao động, khởi nghiệp… Đối với nông dân, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, để nông dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng, từ đó nông dân có thể tiết kiệm được chi phí sản xuất, có đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập”, Bí thư Huyện ủy Tháp Mười Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết.

Huyện cũng xúc tiến trong vấn đề kêu gọi đầu tư, phát triển thêm doanh nghiệp trên địa bàn. Theo Bí thư Huyện ủy Tháp Mười Nguyễn Văn Vũ Minh, có được ngày một nhiều doanh nghiệp thì công ăn việc làm và cả nguồn thu của địa phương mới bền vững. Từ đó, người dân có điều kiện phát triển và tăng thu nhập.

Theo nhandan.vn