Thứ 4, 09/10/2024, 18:09[GMT+7]

Thẩm định xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở Hà Nội: Nhiều bài học kinh nghiệm

Thứ 6, 31/03/2023 | 14:16:13
2,599 lượt xem
Thành phố Hà Nội đã hoàn tất công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2022. Kết quả thẩm định cho thấy, với cách làm sáng tạo cùng sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, thành tựu nông thôn mới đã hiện hữu ở các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số địa phương vẫn còn chưa sát sao, quyết liệt; hồ sơ, minh chứng cho các tiêu chí còn sơ sài. Đó là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Hệ thống giao thông đồng bộ tại xã nông thôn mới kiểu mẫu Phương Đình (huyện Đan Phượng).

Vào cuộc quyết liệt, gặt hái thành công

Huyện Đan Phượng là địa phương dẫn đầu thành phố Hà Nội trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với 12/15 xã hoàn thành. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, để đạt nông thôn mới kiểu mẫu, phải đạt nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí hiện tại. Do đó, huyện tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt dành nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn ở Đan Phượng được bê tông hóa, trong đó nhiều tuyến đường được trải nhựa; 100% các thôn, cụm dân cư có nhà văn hóa (130 nhà văn hóa), điểm vui chơi công cộng, có dụng cụ thể thao ngoài trời phục vụ nhân dân rèn luyện sức khỏe...

Đối với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Đan Phượng đã chọn lĩnh vực là thế mạnh của huyện để tập trung đầu tư cho các địa phương. Chẳng hạn, với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhiều năm qua, huyện đã quan tâm xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Hiện tại, toàn huyện có 54/55 trường đạt chuẩn quốc gia (chỉ còn Trường Mầm non Tân Lập B mới tách trường nên chưa đạt chuẩn), trong đó có 33/55 trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng cũng tập trung ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế, văn hóa…

Năm 2022, huyện Thanh Trì có 14 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu 12 xã so với kế hoạch thành phố giao. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho rằng, để đạt được kết quả này, không chỉ là những bứt phá của năm 2022, mà là cả quá trình huyện nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển đô thị.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, Thanh Trì và Đan Phượng là 2 huyện điển hình được thành phố biểu dương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu; kết quả đạt được đều vượt chỉ tiêu huyện đề ra và kế hoạch thành phố giao. Có được kết quả đó là do cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân. Với sự nỗ lực, cố gắng đó, năm 2022, Hà Nội đã có thêm 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 38 xã so với kế hoạch thành phố giao), 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt mục tiêu kế hoạch thành phố giao).

Chú trọng hoàn thiện hồ sơ

Tuy nhiên, quá trình đánh giá, chấm điểm xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2022 cũng cho thấy, một số xã còn gặp khó khăn, các phòng, ban cấp huyện chưa thực sự sát sao.

Tại huyện Ứng Hòa, các tiêu chí hạ tầng, cần nguồn vốn đầu tư lớn là rào cản đối với các xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chẳng hạn, với tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, đến nay, toàn bộ các xã, thị trấn của huyện vẫn chưa có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng; sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao... Trên địa bàn huyện cũng còn 24/29 xã người dân chưa được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung... Những khó khăn này, ngoài nỗ lực, cố gắng của huyện cũng rất cần sự hỗ trợ từ thành phố.

Còn tại xã Liên Mạc (huyện Mê Linh), các thành viên Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội cũng đã chỉ ra những thiếu sót của địa phương. Nhiều tiêu chí nêu trong báo cáo viết rất sơ sài, không đủ cơ sở minh chứng cho việc hoàn thành các tiêu chí để các thành viên Đoàn thẩm định đánh giá, chấm điểm. Đoàn thẩm định đã yêu cầu địa phương phải bổ sung hồ sơ minh chứng, viết lại báo cáo... khi nào hoàn thiện thì mới trình các sở, ngành của thành phố cho ý kiến, thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, qua công tác thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu vừa qua cho thấy, rất nhiều xã thiếu sót trong hoàn thiện hồ sơ minh chứng cho các tiêu chí. Nếu các địa phương chú trọng làm đúng theo hướng dẫn, cấp huyện hướng dẫn, đồng hành cùng các xã bám theo bộ tiêu chí để đánh giá từng chỉ tiêu thì sẽ giảm được các thiếu sót này và công tác thẩm định không mất nhiều thời gian, công sức.

Theo hanoimoi.com.vn