Thứ 4, 24/07/2024, 05:24[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế

Thứ 3, 23/04/2019 | 15:34:22
1,235 lượt xem
Sáng ngày 23/4, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về hội nhập quốc tế.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 230419_hoinghitructuyen_mixdown.mp3

 Các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, một số tổ chức quốc tế dự hội nghị. 

Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hoàng Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan dự hội nghị.

Với chủ đề "Tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững", phát biểu khai mạc tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước xác định hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, cần thực hiện nhất quán, chủ động và tích cực. Hội nhập quốc tế góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng của đất nước và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Để thực hiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận làm rõ những kết quả đạt được trong hội nhập quốc tế 5 năm qua (2014 - 2019), những thời cơ và thách thức từ đó xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập hiệu quả; phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế trong thời gian tới.

Nhìn lại kết quả công tác hội nhập quốc tế giai đoạn 2014 - 2019, BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế khẳng định: Công tác hội nhập quốc tế đã được triển khai toàn diện, hiệu quả; trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm theo đúng tinh thần của Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về Hội nhập quốc tế và định hướng chiến lược chủ động, tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đề ra. Những kết quả hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo và các lĩnh vực khác đã góp phần duy trì hòa bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi và thu hút các nguồn lực quan trọng cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm 

Tại hội nghị, có 20 đại biểu đại diện các bộ, ban ngành trung ương, địa phương và tổ chức quốc tế phát biểu tham luận tập trung làm rõ các nội dung: Đánh giá việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, khẳng định sự đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin tiếp tục hội nhập quốc tế, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện 5 mục tiêu mà Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị đề ra; phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là các cơ hội, thuận lợi, khó khăn, các thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới; xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công tác hội nhập từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về nội hàm cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2016 - 2020), chuẩn bị xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm (2021 - 2030) của đất nước; kiểm điểm kết quả hoạt động của BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế, các BCĐ liên ngành, những hạn chế, tồn tại, cách tổ chức thực hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ hội nhập quốc tế của các BCĐ trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ quốc gia về hội nhập quốc tế đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác hội nhập quốc tế của BCĐ quốc gia, các BCĐ liên ngành, các bộ, ban, ngành trung ương, các địa phương trong cả nước và khẳng định, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng phát triển toàn diện, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Những kết quả đó càng khẳng định hội nhập quốc tế là chủ trường, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.

Nhằm khắc phục những hạn chế và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác hội nhập quốc tế trong 5 năm và 10 năm tới trước những diễn biến phức tạp, khó lường, thời cơ và thách thức đan xen của quốc tế và sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: BCĐ quốc gia, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân không chủ quan, phải chủ động nghiên cứu, đổi mới tư duy, hành động, triển khai thực hiện hội nhập toàn diện, thiết thực, hiệu quả, giữ gìn bản sắc dân tộc, hội nhập nhưng không hòa tan. Về hội nhập kinh tế quốc tế, cả hệ thống chính trị cần tập trung đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; có lộ trình triển khai hiệu quả kế hoạch thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước đối tác, phát huy nội lực để thúc đẩy kinh tế phát triển. Cấp ủy, UBND các tỉnh chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ về hội nhập quốc tế để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp hội nhập quốc tế.

Đối với hội nhập chính trị, kiên định, kiên trì mục tiêu giữ vững ổn định, an toàn, toàn vẹn lãnh thổ theo tinh thần Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch liên quan của trung ương. Trong hội nhập văn hóa, xã hội, giáo dục chúng ta cần phát huy tiếp thu có chọn lọc các thành tựu của thế giới cùng với nội lực trong nước bảo đảm tạo nền tảng vững chắc cho kinh tế phát triển và nâng cao đời sống của nhân dân. 

Để công tác hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương và các cơ quan báo chí làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kế hoạch thực hiện hội nhập quốc tế ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương hiệu quả, bền vững.

Khắc Duẩn