Thứ 6, 03/05/2024, 19:55[GMT+7]

Chung tay phòng, chống tác hại của thuốc lá

Thứ 6, 31/05/2019 | 09:09:37
1,463 lượt xem
Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) tại Thái Bình đã được triển khai từ năm 2005 nhưng thời điểm ấy nhân lực còn mỏng nên hoạt động mới chỉ ở quy mô hẹp. Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành (ngày 1/5/2013), đặc biệt từ năm 2015 khí có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) thì hoạt động PCTHCTL tại Thái Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong học đường.

Hàng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch PCTHCTL đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đồng thời giao ngành Y tế chủ trì, đưa ra các giải pháp hữu hiệu, trong đó chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của việc không hút thuốc lá và tham gia thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tổ chức các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, trong đó có tiêu chí “Xây dựng môi trường không khói thuốc”; triển khai các hoạt động: tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng ở cả 3 cấp, truyền thông trực tiếp bằng nhiều hình thức như mít tinh, diễu hành, nói chuyện chuyên đề, sân khấu hóa; sản xuất và phân phối các tài liệu tuyên truyền PCTHCTL. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; nghiên cứu, đánh giá việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh...

Từ những hoạt động trên, nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ người hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh năm 2015 là 47,2% đã giảm xuống còn 44,2% năm 2018. Hàng năm, ban chỉ đạo PCTHCTL từ tỉnh đến các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn được kiện toàn. 100% trường học, bệnh viện đưa hoạt động PCTHCTL vào kế hoạch hoạt động. 90% trường học, bệnh viện ký cam kết thực hiện môi trường không khói thuốc lá và đưa nội dung PCTHCTL vào quy chế thi đua - khen thưởng; 100% bệnh viện thực hiện treo pa nô, biển báo cấm hút thuốc lá; 90% trường học, cơ quan, đơn vị không có hiện tượng bày bán các sản phẩm thuốc lá. Từ 90 - 95% cơ quan, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng “Môi trường không khói thuốc”. 71,6% nhà hàng, 72,5% bến xe xây dựng “Môi trường không khói thuốc”. Kết quả công tác PCTHCTL của tỉnh giai đoạn 2013 - 2018 được đưa vào bản tin Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy số 05 ngày 1/5/2019.

Tuy nhiên, công tác PCTHCTL trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số  khó khăn, hạn chế như: một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự chú trọng triển khai thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; việc tuyên truyền xây dựng “Môi trường không khói thuốc” tại các doanh nghiệp còn chưa nhiều; ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của nhiều người dân còn hạn chế; việc áp dụng chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá khó khăn, chủ yếu mới chỉ tuyên truyền, nhắc nhở.

Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông về tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các ban, ngành, đoàn thể, sự quyết liệt hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng và các đoàn giám sát liên ngành; nêu cao vai trò gương mẫu thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao sự tự giác và ý thức chấp hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của mỗi cá nhân trong cộng đồng, tích cực xây dựng “Môi trường không khói thuốc”, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân.

Hoàng Thía
(Trung tâm CDC tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày