Thứ 7, 18/05/2024, 20:45[GMT+7]

Vũ Thư: Đến hẹn lại… ngạt khói

Thứ 2, 10/06/2019 | 10:14:40
1,445 lượt xem
Hàng năm, cứ sau mỗi dịp thu hoạch lúa, nhất là vụ lúa xuân, tình trạng đốt rơm rạ tràn lan gây ô nhiễm không khí lại diễn ra ở khắp các vùng nông thôn và ven thị. Mặc dù các cấp, các ngành tích cực tuyên truyền, vận động nhưng vụ xuân năm nay, tình trạng đốt rơm rạ vẫn tiếp tục tái diễn.

Cánh đồng Bờ La, thôn Lại Xá, xã Minh Lãng những ngày này, cứ tầm 15 - 17 giờ lúc nào cũng mù mịt, nồng nặc mùi khói. Hộ gặt trước, hộ gặt sau nên rơm rạ mỗi nhà cũng khô ở thời điểm khác nhau. Hộ nào hộ nấy đều chờ rơm rạ ruộng nhà mình khô là nhanh tay đốt luôn. Tất bật ôm rơm đốt tại ruộng, giữa những đám lửa bùng bùng, khói tỏa mù mịt, bà Phạm Thị S. ở thôn Lại Xá vội vã phân bua: Tôi biết là đốt rơm rạ như này là vi phạm quy định, gây ô nhiễm môi trường nhưng nếu không đốt thì tôi không biết xử lý như thế nào. Nếu không đốt rơm rạ, vài bữa nữa đổ nước vào ruộng, máy cày đến làm đất, rơm rạ sẽ cuốn vào bánh răng của máy cày, chủ máy sẽ không cày bừa cho ruộng nhà tôi. Nếu có thu gom rơm rạ lên bờ phơi khô, rồi thì tôi cũng sẽ phải đốt, chứ rơm rạ giờ không làm gì, biết chứa vào đâu. Mùa này, thời gian thu hoạch lúa xuân đến cấy lúa mùa rất gấp gáp, rơm rạ không có thời gian để tự phân hủy. Ở đây không ai phổ biến ủ vi sinh, ủ rơm rạ là cái gì nên tôi cũng không biết, chỉ thấy nhà nào cũng đốt thì tôi cũng đốt!

Giáp cánh đồng Bờ La, cánh đồng Quan, thôn Lại Xá cũng mù mịt khói, cộng với thời tiết nóng bức khiến không khí càng ngột ngạt. Ngượng ngùng vì bị bắt gặp đang đốt rơm rạ, ông Nguyễn Văn T. chia sẻ: Thật ra, nông dân chúng tôi rất lúng túng, chưa biết cách xử lý rơm rạ sau thu hoạch như thế nào. Tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm triển khai rộng rãi các hình thức xử lý rơm rạ sau thu hoạch để chúng tôi không phải đốt rơm rạ nữa. Mỗi lần đi đốt rơm rạ, tôi đều rất xấu hổ và lừa lúc không có người nhìn thấy để “đốt trộm”.

Chị Phạm Thị Bé, thôn Lộc Điền, xã Việt Hùng chia sẻ: Cứ mỗi vụ sau thu hoạch lúa, nhất là vụ xuân, nông dân đốt rơm rạ, khói dày đặc, gặp hôm gió to thổi tạt vào khu dân cư thì vô cùng ngột ngạt, khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều gia đình phải đóng kín cửa. Thậm chí, nhiều hộ đốt rơm rạ trên đường giao thông hoặc đốt rơm rạ tại ruộng sát đường giao thông, tạo thành đám khói khổng lồ, mù mịt dày đặc bao phủ cả một đoạn đường, khiến người tham gia giao thông không thể nhìn thấy đường và phương tiện khác. Không ít lần tôi cứ nhắm mắt lái xe liều để vượt qua những đám khói ấy. Tôi thấy vô cùng nguy hiểm. Tôi đề nghị cần cấm triệt để tình trạng đốt rơm rạ như hiện nay.
Tình trạng đốt rơm rạ tràn lan diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn huyện Vũ Thư. Ông Phạm Quang Tạo, Chủ tịch UBND xã Tự Tân cho biết: Xã chỉ đạo Đài Truyền thanh tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt rơm rạ, tuy nhiên bà con vẫn đốt. Thực tế thì ở xã chưa xử phạt trường hợp nào đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, vì thế khó răn đe người dân. Cái khó là hiện nay, chúng tôi cũng chưa đưa ra được giải pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch hiệu quả, khả thi để vận động nhân dân thực hiện, trong khi đó yêu cầu là giải phóng ruộng để sản xuất vụ mùa lại gấp gáp nên nông dân bị “buộc làm liều”. Chúng tôi đang chỉ đạo HTXNN địa phương học hỏi, tiếp thu các mô hình xử lý rơm rạ để chuyển giao cho nông dân. Trong thời gian này, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động bà con không đốt rơm rạ, thay vào đó có thể thu gom rơm rạ để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò, chất rơm rạ tại một góc ruộng để mua các chế phẩm vi sinh ủ làm phân bón.

Ông Trần Đức Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, là yếu tố gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông mà còn lãng phí nguồn nguyên liệu lớn có thể làm phân bón hữu cơ giúp cải tạo đất nông nghiệp. Đốt rơm rạ còn hủy diệt lượng lớn côn trùng, vi sinh vật có lợi với môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái, khiến đất nhanh chai sạn, bạc màu. Do đó, cứ đến dịp thu hoạch lúa, Phòng đều tham mưu UBND huyện ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nông dân không đốt rơm rạ. Ngoài tuyên truyền, vận động, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng như Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường vào cuộc để xử lý nghiêm những trường hợp đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường hoặc gây tai nạn giao thông. Ngành Nông nghiệp và các đoàn thể của huyện cũng rất tích cực tiếp thu, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ sau thu hoạch cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả chưa cao do nhận thức, ý thức của nhiều nông dân còn hạn chế, không muốn tốn thêm chi phí đầu tư mua chế phẩm sinh học, không muốn mất công thu gom, xử lý rơm rạ; thói quen “đốt vừa nhanh, vừa tiện” vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của rất nhiều nông dân. Ngược lại, một bộ phận nông dân đã có ý thức về việc đốt rơm rạ là gây nhiều tác hại và vi phạm quy định nhưng lại chưa tìm được cách xử lý rơm rạ hiệu quả để thay thế cách làm lạc hậu. Điều này cho thấy cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương chưa vào cuộc tích cực, sát cánh cùng nông dân để hướng dẫn, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch hiệu quả, có tác động tích cực hơn để thay thế cho việc đốt rơm rạ như hiện nay. Khi chính quyền các cấp còn thờ ơ, nhận thức và ý thức của nông dân chưa thay đổi thì không thể chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ tràn lan sau mỗi vụ thu hoạch.

Quỳnh Lưu