Thứ 3, 28/05/2024, 03:27[GMT+7]

Nhiều kết quả trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Thứ 5, 13/06/2019 | 08:21:17
1,182 lượt xem
Thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019, công tác chỉ đạo, truyền thông, thanh tra, kiểm tra ATTP được Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.

Nhân viên nhà bếp Công ty Cổ phần Khu công nghiệp TBS Sông Trà tìm hiểu kiến thức về an toàn thực phầm qua bảng hỏi.

Tháng hành động vì ATTP năm 2019 có chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Chủ đề của tháng hành động rất thiết thực trong tình hình hiện nay và được đông đảo người dân quan tâm. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Sở Y tế đã tham mưu và phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tích cực triển khai, đẩy mạnh các hoạt động nhân tháng hành động vì ATTP.

Tổng hợp kết quả tháng hành động cho thấy, các ngành, các cấp từ tỉnh đến xã đã vào cuộc tích cực, hiệu quả. Cùng với tuyến tỉnh, 8/8 huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai tháng hành động. Đồng thời, tổ chức lễ phát động hoặc hội nghị triển khai, kết thúc tháng hành động có tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Xác định công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động tới các tầng lớp nhân dân giữ vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi bảo đảm ATTP, các cơ quan chức năng, địa phương, đơn vị chú trọng đẩy mạnh, trong đó đã phối hợp tổ chức 10 buổi nói chuyện, hội thảo về ATTP cho 1.200 người tham dự; mở 80 lớp tập huấn về ATTP cho 5.500 người; phát bài truyền thông trên hệ thống truyền thanh xã, phường với 1.200 lượt. 

Ông Phạm Nam Thái, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh bên cạnh việc mở các lớp tập huấn trang bị kiến thức về ATTP cho các đối tượng trực tiếp tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bếp ăn tập thể ở 41 bếp ăn khu công nghiệp, trường học. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm túc các điều kiện, quy định về bảo đảm ATTP. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền 20 tin, bài trên báo viết, 10 phóng sự truyền hình; tổ chức treo 780 băng rôn, khẩu hiệu về ATTP và truyền thông lưu động các thông điệp của tháng hành động vì ATTP trên các trục đường chính của 8 huyện, thành phố. Trong tháng hành động, công tác thanh tra, kiểm tra được các cấp, các ngành, các địa phương đẩy mạnh và thực hiện kiểm tra trên diện rộng. Trong tổng số 306 đoàn thanh tra, kiểm tra có 4 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành tuyến tỉnh; 16 đoàn tuyến huyện và 286 đoàn tuyến xã. Các đoàn đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 4.027 cơ sở trên tổng số 12.510 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Kết quả, đã phát hiện 500 cơ sở vi phạm các điều kiện về ATTP, tiến hành xử phạt bằng tiền 78 cơ sở với tổng số 94.500.000 đồng. Các cơ sở vi phạm mức độ nhẹ được nhắc nhở, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP... Do đẩy mạnh các hoạt động, trong tháng hành động vì ATTP năm 2019 không có vụ ngộ độc thực phẩm, không có trường hợp phải đi viện và không có tử vong vì ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn nhiều khó khăn, số cơ sở vi phạm vẫn chiếm tỷ lệ cao. 

Theo ông Phạm Nam Thái, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, khó khăn là do một số văn bản quản lý nhà nước mới thay đổi nên việc thực hiện theo quy định mới của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa kịp thời, chưa đúng theo quy định. Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ và mang tính chất hộ gia đình, việc sản xuất, chế biến còn mang tính chất thủ công nên vẫn còn một số vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP. Công tác quản lý nhà nước của cấp xã về ATTP còn hạn chế. Khi phát hiện các cơ sở vi phạm về ATTP chủ yếu mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở mà vẫn chưa có hình thức xử phạt cao hơn như phạt hành chính, cảnh cáo, tiêu hủy... Bên cạnh đó, trang thiết bị, phương tiện, nguồn lực phục vụ công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng ATTP còn thiếu về chủng loại và số lượng, nhất là thiếu test kiểm tra nhanh tồn dư các chất độc hại trong thực phẩm nên khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra.

Để bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng, những hạn chế trên cần sớm được tập trung khắc phục. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, vận động giám sát ATTP và đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý ATTP cho cán bộ địa phương. Việc thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm cần tăng cường để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống kiểm chuẩn ATTP lưu động nhằm nâng hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, mỗi người dân cần phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát và nâng cao tinh thần cảnh giác đối với thực phẩm không an toàn. Các ngành, các địa phương cần phối hợp tốt với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Cần xây dựng vùng cung cấp nguyên liệu thực phẩm, các điểm đầu mối cung ứng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng...

Hà Dung 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày