Chủ nhật, 22/12/2024, 13:00[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 01/07/2019 | 09:59:56
1,476 lượt xem

Ảnh minh họa

Tuyền cùng tiểu đội du kích từ trại Ba Vì ra bờ đê bên kia sông Nguyễn. Rét nhưng ai cũng mặc quần cộc. Mỗi người mang theo một con dao thật sắc. Tới đê Tuyền lên trước. Anh trườn dọc cái rãnh cạn từ vệ đê qua bãi ra sông. Cái rãnh không sâu, ngoằn ngoèo. Mỗi khi mưa, nước trên mặt đê, mặt bãi theo rãnh tuôn xuống sông. Tuyền trườn như một dòng nước, kín đáo xuống sông, dìm mình chìm tới cổ, men theo bờ sông lồi lõm tới cầu phao. Những hộp nứa, giặc lấy từ cái bè gần đấy, biến thành hộp phao, bắc cầu tạm cho lừa ngựa và lính qua lại.
Trời tối mịt mùng, Tuyền nhìn ra xa xa, thấy trời và đất như hai mảng đen ập lại với nhau, kín mít. Dòng sông Nguyễn vốn trắng xóa, lúc này cũng đen sì; đất và nước không phân biệt.
Tuyền bám vào hộp nứa, mò mẫm sờ soạng, xem sau một ngày có thay đổi gì. Đêm qua, Tuyền đã cùng Chuyển đến đây trinh sát, chuẩn bị cho nhiệm vụ tối nay. Tất cả vẫn như cũ. Kế hoạch đã bàn không phải thay đổi.
Tuyền nhìn lên mé đê bên kia sông. Ở đấy có thằng lính gác đứng nửa người dưới hố, nửa người thò lên nấp sau ụ đất. Trời tối, Tuyền phải định thần nhìn rất kỹ, mới thấy cái bóng đen của nó đôi khi động đậy. “Tối thế càng tốt. Ông phải sờ mới thấy từng cây nứa; mày khó mà nhìn thấy chúng ông”.
Đêm hôm kia, ông Chỉnh lần ra khu này, trở về bảo Tuyền: “Anh thấy cái cầu thế nào? Ta phá là nó khó khăn đấy!”. Tuyền ngẫm nghĩ thấy đúng. Mấy hôm giặc đóng, nó chưa vào làng nên chưa đánh nhau. Du kích làng Nguyễn chỉ mới làm mấy việc thăm dò thử thách giặc. Có anh táo gan, mò vào khu nấu ăn, bê của giặc cả một thùng mỡ về cho bà Bát xào rau cải bắp... Cái cầu Phao Tuyền và Duyệt không nghĩ đến chuyện phá. Hai anh em tính nhiều đến việc đưa du kích vào đánh lúc giặc đang ngủ. Bàn đi bàn lại, thấy mình chỉ có hơn chục khẩu súng, mấy trăm viên đạn, dốc ra đánh một đêm, làm chết một ít giặc, nhưng hết vốn liếng thì lấy gì chiến đấu giữ làng. Vả lại anh em mình chưa đánh chác bao giờ, tình hình giặc đóng quân ra sao nắm chưa thật vững, xông vào đánh chưa chắc kết quả mà còn thiệt hại... Vì vậy nghe ông Chỉnh đề ra việc phá cầu, Tuyền thấy hay. Hợp với sức mình mà gây khó khăn cho giặc. Thật là lão mưu đa kế.
Ban đốc chiến quyết định phá cầu. Ông Chỉnh nhấc chiếc kính ở mắt ra lau lau vào vạt áo:
- Tôi mắt kém, chỉ nhìn thấy tối om, không biết tường tận thế nào. Đêm nay anh Tuyền, hay Duyệt, Chuyển, ai cũng được, vào điều tra thật kỹ. Từ cách đột nhập đến cách phá, cách rút lui. Thật cẩn thận. Rồi hãy đưa du kích vào... Mình sờ sờ ở đây, để chúng nó ngông nghênh qua lại con sông như thế là không được.
Duyệt đề nghị làm ngay, nhân dịp cuối năm tối trời. Trong khi một tổ xuống sông phá cầu, một tổ ở trên bờ đánh lạc hướng giặc. Khoảng mười giờ đêm, tổ trên bờ hoạt động trước, tạo điều kiện cho tổ dưới sông làm việc.
Tối đã lâu. Không hiểu sao tổ trên bờ bên kia vẫn im lặng. Tuyền bám mé cầu, phía cuối gió cho đỡ rét.
Gió đông càng khuya càng thốc mạnh. Sóng vỗ vào những hộp nứa loạp oạp. Cầu bập bềnh. Dây chão, dây xích cọ vào nhau cọt kẹt. Tiếng động liên tiếp, trộn lẫn... Thế càng hay, khi cắt phá cầu lỡ phát tiếng động, địch khó đoán ra. Nhưng gió càng to càng rét, sóng dềnh lên lưng, lên cổ Tuyền. Anh cắn chặt hai hàm răng cho đỡ run.
Chuyển không thấy Tuyền trở lại, biết không có gì thay đổi. Anh ra hiệu cho mọi người ra sông. Vẫn theo rãnh nước nhoài xuống, người này cách người kia mươi mét. Đến cầu ai nấy lần lại hộp nứa của mình, chờ đợi.
A lô! A lô! Hỡi anh em binh lính người Việt. Anh em hãy lắng nghe...
Tiếng người con gái trong như lọc kêu gọi “quay súng trở về Tổ quốc”. Tiếng loa của Quất, Tuyền đã nghe quen những buổi phát thanh ở cái chòi cao cạnh đình Thượng. Giọng nói của Quất êm ngọt, có sức lôi cuốn người nghe như khi có bài hát đường trường tiếng đàn. Quất đứng sau một ụ đất nào đấy dọc đường 39.
Thằng lính gác đầu đường 39 bắn luôn hai phát súng trường về phía tiếng loa. Nó biết bắn chẳng trúng, nhưng việc phải làm như vậy. Rồi nó lắng nghe tiếng người con gái, không biết đẹp hay xấu mà dịu dàng đến thế.
Gió đông vẫn lộng. Gió từ cánh đồng mênh mông trườn lên vướng con đường số 10, dồn lại rót thốc vào quãng trống của con sông Nguyễn, làm sóng nổi dập dềnh. Khu cầu Phao tăng những tiếng động hỗn tạp.
Thêm một tràng trung liên dài và gắt chĩa về phía tiếng loa. Bọn giặc hướng về phía ấy. Chúng nghe xem tiếng loa nói gì. Có đứa vì thích cái giọng người con gái mà nghe.
Dưới sông, Tuyền làm ám hiệu cho du kích phá cầu. Những lưỡi dao sắc ngọt miết vào dây néo ở đầu hộp nứa. Những cây nứa rời ra như chuối chín rụng khỏi cuống. Từng cây tuồn nhẹ xuống sông, trôi tản mát theo chiều nước ròng, xuống hạ lưu xa tắp tít.
Phía đường 39, tiếng người con gái ngân lên, thiết tha nhắc nhủ trong câu hát:
Anh ơi quay súng về đây,
Máu người dân Việt...
Thằng lính gác đầu cầu rụt cổ lại, tránh đợt gió mạnh từ sông tạt vào. Nó cố gạt đi tiếng động của sóng vỗ, của gió rít, để nghe tiếng hát phía đường 39.
Mấy phát súng trường phía ấy, vẻ như bắn cho có bắn, khi bài hát vào đoạn cuối.
Lưỡi dao của Tuyền và tiểu đội du kích vẫn miết những nhát chính xác vào dây néo. Từng cây nứa vẫn nhẹ nhõm tuồn xuống sông, trôi lững lờ, tản mát.
Chiếc cầu trông như vẫn còn, nhưng nó đã đứt gân, lỏng xương. Chỉ cần một trận gió to, sóng dập mạnh là cầu rời rã.
Tuyền và Chuyển kiểm soát lại lần cuối. Đạt yêu cầu. Cả đội rút lui.
Ở bên kia, tiếng song ca của hai người con gái vang lên thôi thúc, giục giã:
Ngọn trào quay súng bắn quân thực dân
Anh em ơi...
Rơ-na dò bước ven con đường 39 nham nhở vết cuốc chim và choòng. Giày đinh nghiền gạch đá sào sạo. Hắn khom khom cái lưng dài, lùa cái đầu tùm hụp mũ sắt vào đám sương mù. Hắn có cảm giác như đang rúc vào một cái màn khói. Chung quanh hắn, những bụi tre, cây cau, đều chìm ngập trong màn khói ấy.
Rơ-na mong chóng tan sương để phóng tầm mắt ra xa hơn. Hắn sợ những tay du kích vác mã tấu cán dài, lưỡi bầu và sắc lẻm, len lén đi trong sương gần đâu đây, bất thình lình bổ vào vai hắn. Chỉ một nhát, người hắn chẻ làm hai... Nhưng rồi hắn lại mong sương chậm tan, để quân của hắn bí mật tạo thế bất ngờ đánh vào làng Nguyễn.
Phía trước Rơ-na, một đại đội đã hành quân từ sớm tới xã Phong Châu, chặn sườn bên phải làng Nguyễn, nơi rút lui thuận lợi nhất của du kích. Rơ-na yên tâm hơn. Hắn dừng chân một lát trước một trung đội lê dương đã dàn quân quanh trại Lê Lai, án ngữ sườn bên trái làng Nguyễn...

BÚT NGỮ
Thành phố Thái Bình

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày