Thứ 4, 15/01/2025, 17:34[GMT+7]

Vũ Thư nhiều điếm canh đê bị bỏ hoang

Thứ 2, 22/07/2019 | 08:21:20
4,858 lượt xem
Điếm canh đê là một trong những công trình phụ trợ quan trọng phục vụ công tác trực, canh gác đê đồng thời là nơi tập kết vật liệu hộ đê của các xã duyên giang trong mùa mưa bão. Mặc dù vậy, hiện nay phần lớn các điếm canh đê trên địa bàn huyện Vũ Thư đã xuống cấp nghiêm trọng, không ít điếm canh đê bị bỏ hoang.

Điếm canh đê Ngô Xá (xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư) được đầu tư xây mới.

Từ chân cầu Tân Đệ dọc theo tuyến đê Hồng Hà II về hướng các xã Việt Hùng, Đồng Thanh, chúng tôi quan sát thấy hầu hết các điếm canh đê đều cũ kỹ, tường gạch mục nát, nằm trơ trọi bên cạnh tuyến đê. Dường như các điếm canh đê này không có giá trị, ý nghĩa gì với nhiệm vụ hộ đê. 

Dừng lại để “mục sở thị” điếm canh đê thôn Phú Chử (xã Việt Hùng), mặc dù nằm sát mặt đê nhưng điếm canh đê khoảng 15m2 bị bỏ hoang, cánh cửa sổ, cánh cửa ra vào đều không có, tường bong tróc, trơ cả gạch vữa, mái nứt toác. Bên trong điếm, gian ngoài la liệt phân bò, ẩm thấp, mùi hôi thối xộc lên; cách một bức tường, ở gian trong tối om, soi đèn vào chúng tôi không khỏi hoảng hốt khi thấy rác rưởi, kim tiêm đã qua sử dụng vứt bừa bãi ở nền đất. 

Nhà gần điếm canh đê, bà Bùi Thị C, thôn Phú Chử cho biết: Tôi không nhớ chính xác điếm canh đê này xây dựng từ năm nào nhưng cũng phải hơn 30 năm rồi. Trước kia, mỗi mùa mưa bão tôi đều thấy có người trực gác nước trong điếm nhưng hơn 10 năm nay tôi thấy không có người gác, kể cả trong những đợt mưa bão. Điếm canh đê bị bỏ hoang nên trâu bò vào trú ngụ, phóng uế rất mất vệ sinh, đặc biệt ban đêm thường có các đối tượng nghiện ma túy đến tụ tập ở trong điếm canh đê gây tâm lý lo lắng cho người dân, không bảo đảm an ninh trật tự.

Các điếm canh đê Minh Hùng, Tân Phong trên đê tả Hồng Hà II thuộc xã Việt Hùng cũng có hiện trạng tương tự như điếm canh đê Phú Chử. 

Ông Phan Văn Ban, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho biết: Do các điếm canh đê đều xuống cấp, mất an toàn nên nhiều năm nay, khi có bão, lũ thì xã buộc phải bố trí lực lượng gác nước, canh coi đê ở nhờ nhà dân. Việc gác nước đêm tối rất quan trọng, ở nhờ nhà dân như vậy thì rất khó khăn trong việc theo dõi diễn biến, hiệu quả việc gác nước rất thấp; bất tiện cho hộ dân nữa. Ngoài ra, các vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê cũng không thể tập kết trong điếm mà phải để ở khu vực khác, gây khó khăn cho việc xử lý, bảo vệ đê khi tình huống nguy cấp xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Huyến, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Vũ Thư cho biết: Địa bàn huyện Vũ Thư hiện có 58km đê cấp I, II; 14,1km đê cấp IV và 28,8km đê bối thuộc đê tả Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý, trên các tuyến đê này có 22 kè hộ bờ và 31 cống dưới đê. Cùng với các công trình phụ trợ đê điều khác, toàn huyện có 73 điếm canh đê là nơi trực, canh gác nước, gác đê khi có mưa bão, lũ xảy ra và tập kết vật liệu hộ đê của các địa phương. Theo quy định, mỗi điếm có 12 người làm nhiệm vụ gác nước; khi có báo động 1 sẽ có 2 người trực tại điếm ban ngày, 4 người trực ban đêm; báo động 2 cần 4 người trực ban ngày,  6 người trực ban đêm; báo động 3 thì 12 người trực cả ngày và đêm. Với nhiệm vụ và số lượng người gác nước như vậy, thì điếm canh đê rất cần để phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát, canh coi, phát hiện và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra để bảo vệ an toàn đê. Tuy nhiên, qua khảo sát, trong tổng số 73 điếm canh đê trên địa bàn, hầu hết là các điếm được xây dựng từ nhiều năm trước, đến nay đều đã xuống cấp nghiêm trọng, phổ biến trong tình trạng lún sụt, nứt, bong tróc, mất cánh cửa, bỏ hoang, ô nhiễm môi trường, thậm chí nhiều điếm canh đê trở thành điểm tụ tập, diễn ra tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút. 

Trên tuyến đê Hồng Hà II có 11 điếm xuống cấp nghiêm trọng như điếm Thanh Hương (Đồng Thanh), các điếm thuộc xã Việt Hùng, điếm Thanh Bản (Xuân Hòa), điếm số 38 (Vũ Tiến), điếm 51 xã (Việt Thuận)... Trên tuyến đê hữu Trà Lý có 4 điếm xuống cấp nghiêm trọng gồm điếm Đức Hiệp, Viềng (Hiệp Hòa), Ngoại Lãng, Đông Phú (Song Lãng)... Các điếm canh đê này xuống cấp gây ảnh hưởng trực tiếp, khó khăn cho lực lượng gác nước, canh đê mỗi mùa mưa bão.

Trước thực trạng này, Hạt Quản lý đê huyện Vũ Thư đã chủ động tham mưu cho huyện tranh thủ các nguồn lực huy động kinh phí từng bước đầu tư nâng cấp, xây dựng các điếm canh đê;  gắn liền việc xây dựng, nâng cấp các điếm canh đê khi thực hiện nâng cấp, tu bổ các công trình đê điều. Năm 2019, huyện đã hoàn thiện xây dựng mới các điếm Ngô Xá (xã Nguyên Xá), điếm số 9 (xã Hiệp Hòa), điếm số 11 (xã Song Lãng) và sửa chữa, nâng cấp điếm số 10 (xã Song Lãng)... Tuy nhiên, thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp lại toàn bộ các điếm canh đê đã xuống cấp để bảo đảm an toàn cho lực lượng gác nước và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ đê điều góp phần bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa bão, đồng thời bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các khu vực điếm canh đê.

Quỳnh Lưu