Thứ 4, 24/07/2024, 02:16[GMT+7]

Vượt thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ 2, 27/02/2017 | 15:21:19
989 lượt xem
Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thái Bình, nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Bệnh viện Nhi Thái Bình đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chu đáo ngay từ sảnh bệnh viện.

Phóng viên: Thực hiện nhiệm vụ năm 2016, ngành Y tế đạt kết quả tiêu biểu gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Dịu: Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh, năm 2016, ngành Y tế Thái Bình đã vượt mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước ở cả lĩnh vực y tế dự phòng và y tế điều trị, bảo đảm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn với nhiều bước tiến mới, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc. Đó là mô hình kiểm soát dịch bệnh, quản lý bệnh không lây nhiễm được khẳng định, hoạt động có chiều sâu và đạt hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh, không có ngộ độc lớn, không có người tử vong do dịch bệnh. Các bệnh viện đã thực sự vì mục tiêu chất lượng nên bước đầu tạo được sự đổi thay khá toàn diện. Đặc biệt năm 2016, công tác xã hội hóa y tế đã có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề cho việc thực hiện tự chủ tài chính y tế. Công tác dân số - KHHGĐ được triển khai mạnh mẽ, duy trì được mức sinh thay thế, kiểm soát tốt mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, trong đó đạt tỷ lệ 109,6 trẻ trai/100 trẻ gái, thấp nhất trong 5 năm gần đây. Hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và duy trì hoạt động, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năm 2016, toàn tỉnh có thêm 13 xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020, nâng tổng số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã lên 269 xã, bằng 94,1%, vượt 9,1% so với mục tiêu đề án đã đề ra. Trong công tác cán bộ, đã kiện toàn, bổ nhiệm và điều chuyển cán bộ quản lý theo đúng quy định, tạo sự đồng thuận và hiệu quả cao trong quản lý, điều hành. Trong năm, đã tuyển dụng thêm 107 bác sĩ, góp phần nâng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân lên 8,8. Các bệnh viện tiếp tục được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, cơ bản đủ điều kiện tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật mới. Thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh tại bệnh viện được đơn giản tối đa, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng, đã giải quyết kịp thời, trả lời thấu đáo các đơn thư, ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến lĩnh vực y tế góp phần ổn định tại cơ quan đơn vị và toàn ngành. Năm 2016 cũng là năm ngành Y tế tổ chức thành công nhiều sự kiện để lại những dấu ấn lớn và mang sức mạnh tinh thần cho tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, điển hình như kỷ niệm 60 năm hệ thống Y tế dự phòng, Bệnh viện Tâm thần đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba nhân kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển. Tổ chức thành công hội diễn văn nghệ quần chúng toàn ngành; hội thi điều dưỡng trưởng giỏi, thanh lịch lần thứ nhất... Những kết quả trên là động lực để ngành Y tế tiếp tục tự tin vững bước, vượt qua thách thức trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới ngành Y tế còn những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Dịu: Cùng với ngành Y tế cả nước, ngành Y tế Thái Bình cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu vượt qua. Đó là mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi, các bệnh truyền nhiễm, bệnh lạ, bệnh mới nổi diễn biến phức tạp, khó lường. Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư… ngày một gia tăng. Tình trạng già hóa dân số dẫn đến nhu cầu chăm sóc cho người cao tuổi nói riêng, nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng cao, trong khi đó nguồn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực y tế còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, chính sách viện phí còn chậm đổi mới, chưa thực hiện tính đúng và tính đủ dẫn đến không bảo đảm cân đối thu, chi của các bệnh viện. Công tác xã hội hóa y tế chưa đủ mạnh, mệnh giá bảo hiểm y tế còn thấp và chưa bao phủ BHYT toàn dân. Mô hình tổ chức y tế cơ sở còn bất cập, nhất là đối với các đơn vị y tế tuyến huyện, dẫn đến chồng chéo về quản lý, chỉ đạo tổ chức và chuyên môn trong lĩnh vực y tế. Chính sách tiền lương và chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian học tập, trách nhiệm nghề nghiệp và môi trường, điều kiện làm việc. Trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất chưa hoàn thiện…

Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện xã hội hóa nhiều thiết bị y tế phục vụ bệnh nhân.

Phóng viên: Để vượt qua những khó khăn trên, ngành Y tế đã có kế hoạch, giải pháp gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Dịu: Nhiệm vụ hiện nay đối với ngành Y tế không hề đơn giản, đòi hỏi ngoài sự nỗ lực của toàn ngành, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ của các bộ, ngành, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc chung tay của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân. Riêng ngành Y tế đã xác định rõ những vấn đề trọng tâm công tác cần sớm được triển khai trong thời gian tới. Đó là quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống y tế để phù hợp với điều kiện, nhiệm vụ trước mắt và chặng đường đến năm 2030. Phát triển tập trung hệ y tế dự phòng thành trung tâm kiểm soát dịch bệnh nhằm quy tụ sức mạnh của cả hệ thống, hướng tới đáp ứng tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình dịch bệnh ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Y tế cơ sở sẽ mở rộng theo hướng phát triển y tế gia đình để tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng tốt hơn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Hệ điều trị sẽ phát triển khu trung tâm y tế chất lượng cao, tập trung hoàn thiện bệnh viện đa khoa, nhi, mắt, trung tâm cấp cứu, xây mới bệnh viện da liễu; thành lập các trung tâm, chuyên khoa như tim mạch, huyết học, ung bướu… Bên cạnh đó, ngành tiếp tục triển khai mạnh công tác xã hội hóa, bảo đảm phát huy, thực sự có hiệu quả nguồn lực xã hội hóa trong đào tạo và mua sắm trang thiết bị y tế. Từng bước đầu tư xóa dần ranh giới giữa các bệnh viện công tư, giữa các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, dần hình thành các trung tâm y tế chất lượng cao tuyến huyện, đổi mới công tác khám chữa bệnh, xóa dần tư tưởng bao cấp, chuyển sang phục vụ. Ngành cũng sẽ tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học công nghệ. Phối hợp với các bệnh viện đầu ngành vừa đào tạo tại chỗ, vừa bàn giao kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc. Tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án quốc tế đã và đang thực hiện; tăng cường thu hút nguồn lực qua việc tìm kiếm phát triển, mở rộng các hoạt động hợp tác, tranh thủ các nguồn vốn vay, tăng đào tạo, đầu tư, từng bước trao dần quyền tự chủ các cơ sở khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Anh
(thực hiện)