Thứ 5, 25/04/2024, 05:47[GMT+7]

Nông thôn mới trong lòng dân

Thứ 2, 03/02/2020 | 08:04:20
938 lượt xem
Khoảng 10 năm trước, khái niệm xây dựng NTM còn khá lạ lẫm với người dân nông thôn thì bây giờ, dễ dàng nhận thấy thành quả đó đã tạo nên những miền quê đáng sống. Không chỉ nhà cửa, điện, đường, trường, trạm thay đổi mà cả nếp nghĩ, cách làm của người dân quê chân chất cũng đã đổi mới nhiều.

Nông dân xã Hòa Phú ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Khi được hỏi, vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đổi thay như thế nào trong thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)? Lão nông Đinh Ngọc Hùng (thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) khoe ngay: “Quê tôi nay chẳng khác gì TP, đường xá khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế hiện đại... Từ trong cái nghèo, cái khó người dân cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, con cái được ăn học đến nơi, đến chốn”... 

Về Hòa Vang trong những ngày này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân “sướng” cái bụng khi nói về những ruộng lúa, thửa rau được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, khác xa những ngày vất vả “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Họ làm lúa khỏe re, đến vụ thu hoạch, chỉ cần “a-lô” là có máy liên hợp về vừa gặt vừa đập, nhanh chóng xong cả cánh đồng. Chẳng những vậy, có đường xe máy chạy đến tận chân ruộng chở lúa về. Không còn cảnh xắn quần, lội bùn gánh vác từng bó lúa như trước nữa. Điều đó cho thấy, họ là những người được trực tiếp thụ hưởng lợi ích, nên đánh giá chính xác nhất ý nghĩa của thành tựu phát triển trong công cuộc xây dựng NTM...

Cụ Đinh Viết Thành (thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước) cho hay, những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, ngoài việc hiến đất, mở rộng đường giao thông, người dân còn quan tâm tu sửa, nâng cấp một số di tích cổ của làng để có không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Bởi theo ông, dù có đô thị hóa, công nghiệp hóa làng quê như thế nào đi chăng nữa thì vẫn phải lưu giữ nét xưa, không chỉ trong không gian, cảnh vật mà trong cả tình cảm của con người “tối lửa, tắt đèn có nhau”...

Đi, tìm hiểu và nghe nông dân kể chuyện xây dựng NTM đã đọng lại trong chúng tôi biết bao niềm vui, người dân đã bước đầu làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì mô hình kinh tế bền vững. Song, cái chính là họ biết suy tính, chịu khó “dầm mưa, dãi nắng” gắn bó với ruộng vườn, mạnh dạn phá bỏ nếp nghĩ cũ và biết tích lũy, thể hiện tinh thần vì vùng đất mình đang sống. Vốn “nặng nợ” với ruộng đồng từ bao đời nay, nên hơn ai hết, người nông dân hiểu rằng đây là cơ hội để họ thay đổi cuộc sống của chính mình. Nhờ ý thức chủ động ấy mà một “tập đoàn” cây, con giống mới có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như trình độ canh tác của bà con nông dân đã dần định hình và từng bước được áp dụng trên diện rộng.

Có được những thành tựu vượt bậc đó là nhờ chính quyền các địa phương đã linh hoạt trong vận dụng các chính sách, uyển chuyển trong công tác vận động quần chúng và sáng tạo nhiều mô hình hay, hiệu quả trong xây dựng NTM; đáp ứng căn bản mong đợi của người dân kéo gần khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.

Ngoài việc tập trung đầu tư, phát triển nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn sản xuất với tiêu thụ hàng hóa, Hòa Vang ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, khẳng định tâm huyết của người nông dân. Điển hình, mô hình trồng hoa lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng (xã Hòa Châu) với doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm. Với dự án “Xây dựng vùng sản xuất lúa giống”, xã Hòa Tiến hình thành “Cánh đồng mẫu lớn” có kinh phí đầu tư gần 500.000USD để giúp hơn 4.000 hộ nông dân nâng cao khả năng xử lý lúa giống sau thu hoạch nhằm đạt chất lượng cao hơn và tăng giá trị sản phẩm. Tương tự, xã Hòa Khương chuyển đổi 60ha đất cây trồng không hiệu quả sang mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung, mỗi năm xuất bán gần 200 tấn cá nước ngọt các loại, thu nhập hơn 3,5 tỷ đồng. Còn ở xã miền núi Hòa Phú, chuyện làm giàu từ rừng chưa bao giờ được người dân nghĩ tới. Chỉ đến khi chương trình xây dựng NTM triển khai thì kinh tế rừng mới bắt đầu phát triển, trồng rừng nguyên liệu giấy (keo lai) mang lại thu nhập khá đã dần thức tỉnh người dân vùng kinh tế mới. Đặc biệt là nghề ươm giống cây tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm ...

Nông dân xã Hòa Khương chuyển đổi đất trồng cây không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. 

Việc xây dựng NTM ở H. Hòa Vang đã mang đến luồng sinh khí mới, mang đến niềm vui cho người dân khi chất lượng cuộc sống được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập bình quân đầu người từ 12,2 triệu đồng/năm 2010 lên 49,2 triệu đồng/năm 2019; tỷ lệ hộ tính theo chuẩn nghèo NTM hiện còn 0%, không còn nhà tạm; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 97,25%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 70%. Cùng với đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều; với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đang dần “đánh thức” những vùng đất đầy tiềm năng...

“Xây dựng NTM chính là sự chuyển mình mạnh mẽ của cả xã hội để đưa nông nghiệp - nông thôn - nông dân tiến lên. Bây giờ, vấn đề xây dựng NTM ở Hòa Vang không chỉ còn nằm trong trăn trở, trong dự định nữa mà đã hiện hữu, “có da, có thịt” đàng hoàng; cũng không còn lo thực hiện cho đạt các chỉ tiêu, tiêu chí, mà là đang duy trì, nâng chất và hướng đến các chỉ tiêu, tiêu chí của huyện NTM kiểu mẫu. Chuyện xây dựng NTM ở địa phương chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc”, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường khẳng định.

Theo cand.com.vn