Thứ 2, 20/05/2024, 06:14[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình: Điều hành ngân sách linh hoạt, minh bạch, hiệu quả (Kỳ 3)

Thứ 4, 26/02/2020 | 08:49:23
3,348 lượt xem
Từ chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Thái Bình ngày càng đổi thay, đời sống người dân được cải thiện. Nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều vấn đề phát sinh, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường. Để giải quyết “bài toán” môi trường, ngành Tài chính phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu cho tỉnh nhiều cơ chế, chính sách hiệu quả, bảo đảm sự phát triển bền vững.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang và huyện huyện Lục Ngạn thăm Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ).

KỲ 3: Gỡ “nút thắt” rác thải nông thôn

Quy hoạch “treo”


Năm 2013, 100% số xã của tỉnh đã quy hoạch bãi rác thải tập trung cách xa khu dân cư, nhưng do không có kinh phí đầu tư xây dựng nên hầu hết vẫn chỉ là các quy hoạch “treo”. Trung bình, mỗi xã xả thải khoảng 5 - 10 tấn rác/ngày song chỉ có 60% lượng rác được thu gom, xử lý. Toàn tỉnh mới chỉ có 14 xã có khu xử lý rác thải gắn với xây dựng NTM và thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải), thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) đầu tư lò đốt rác thải, còn lại hầu hết rác thải được thu gom, tập kết tại các bãi rác tự phát của xã, thôn. Theo ông Đào Minh Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng thì toàn huyện đã quy hoạch 63 khu xử lý rác thải theo tiêu chí NTM. Tuy nhiên, để đầu tư xây dựng một bãi rác cần kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng, chưa kể chi phí đầu tư làm đường ra bãi rác. Hiện hầu hết đường ra các bãi rác vẫn chưa được cứng hóa, chủ yếu là đường đất, gây khó khăn cho việc chuyên chở, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, toàn huyện vẫn còn gần 40 bãi rác tự phát nằm ngay sát đường giao thông. Cùng với đó, tình trạng đổ rác tại địa phận giáp ranh giữa các xã vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân. 

Lò đốt rác thải sinh hoạt xã NTM Minh Khai (Hưng Hà) hoạt động hiệu quả.

Còn tại xã Trung An (Vũ Thư) dù đã quy hoạch 2 bãi rác thải tập trung nhưng do không có kinh phí đầu tư xây dựng, toàn xã có 4 thôn thì 2 thôn chưa có tổ thu gom rác thải, chưa có bãi chứa rác. Người dân tại 2 thôn: An Lạc và Bồn Thôn phải tự xử lý rác thải của gia đình. Để “gỡ rối” cho bài toán rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn, ngày 10/9/2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 19/2014/NQ-HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn đến hết năm 2020; ngày 20/10/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2471/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án điều tra, đánh giá thực trạng và đề xuất loại hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2020 và sau năm 2020. Theo đó, tỉnh hỗ trợ thu gom rác thải 10.000 đồng/người/năm; hỗ trợ xây dựng, mua sắm thiết bị lò đốt rác 500 triệu đồng/xã, thị trấn; hỗ trợ xử lý rác thải 15.000 đồng/người/năm. Đây là tín hiệu đáng mừng để bắt đầu xây dựng hệ thống thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn bài bản, đồng bộ, tiết kiệm ngân sách, bảo đảm xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý rác thải sinh hoạt.

100% các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ thu gom rác thải và hoạt động hiệu quả.


Cú hích từ cơ chế


Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19, mặc dù nguồn vốn đầu tư công ngày càng bị thắt chặt, cắt giảm do tác động của nền kinh tế nhưng với sự chủ động tham mưu của Sở Tài chính, Thái Bình đã phân bổ vốn kịp thời, đúng quy trình và quy định của Nhà nước; bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn lực khác để hỗ trợ các xã, thị trấn đầu tư xây dựng khu xử lý, hỗ trợ thu gom rác thải, hỗ trợ kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt với trên 215 tỷ đồng. Nhờ đó, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 92 lò đốt rác thải sinh hoạt cho 119 xã, thị trấn; 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt xử lý rác thải cho 16 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ với công suất 50 tấn/ngày. 

100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là hội phụ nữ. Kinh phí thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải tại các địa phương chủ yếu từ kinh phí sự nghiệp môi trường và thu phí vệ sinh môi trường từ các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân phát sinh rác thải. Đến nay, 100% xã đạt tiêu chí về môi trường; trên 95% rác thải sinh hoạt đã được thu gom, xử lý triệt để, góp phần giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn.

Rác thải sinh hoạt sau khi phân loại sẽ được ủ thành phân hữu cơ và tái chế thành hạt nhựa.

Mỗi ngày, huyện Tiền Hải phát sinh khoảng 123 tấn rác thải sinh hoạt. Để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định, Tiền Hải quy hoạch 35 khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung. Theo ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải thì từ nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng/xã và ngân sách đối ứng của địa phương, đến nay, 100% xã, thị trấn xử lý rác thải triệt để; trong đó đầu tư xây dựng 18 lò đốt rác, xử lý rác thải của 30 xã, thị trấn, 5 xã áp dụng mô hình chôn lấp. Các địa phương đã thành lập 150 tổ thu gom rác thải với gần 400 người thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt. Ông Lại Chí Học, Chủ tịch UBND xã Đông La (Đông Hưng) cho biết: Nhiều năm nay, rác thải sinh hoạt của địa phương được thu gom, vận chuyển và chôn lấp, tuy nhiên do lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, bãi rác chôn lấp quá tải nên năm 2019, xã Đông La đã đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải theo công nghệ lò đốt. Để nhận được nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh 500 triệu đồng/lò đốt và 15.000 đồng/người/năm hỗ trợ xử lý rác thải từ nguồn ngân sách của tỉnh, địa phương đã lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng theo đúng các trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng quy định hiện hành của Nhà nước. Nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả cao, góp phần giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm diện tích đất so với khu xử lý theo công nghệ chôn lấp.


Ông Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Từ cơ chế hỗ trợ của tỉnh và việc bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường kịp thời của ngành Tài chính, các địa phương đã sử dụng công nghệ lò đốt để xử lý rác thải. Đây được coi là một trong những giải pháp tốt nhất, hiệu quả, giúp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải đồng thời giảm thể tích, khối lượng rác, tiết kiệm đất so với quy hoạch bãi chôn lấp. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là hội phụ nữ; tỷ lệ thu gom rác thải nông thôn đạt trên 90%.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang)

Mỗi ngày huyện Lục Ngạn phát sinh khoảng 100 tấn rác thải sinh hoạt, hiện nay mới chỉ thu gom đạt 50%, xử lý theo hình thức chôn lấp, vì vậy phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường. Huyện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung rộng 10ha. Sau khi đi tham quan, học tập ở nhiều nơi về mô hình xử lý rác thải sinh hoạt, đoàn công tác của huyện Lục Ngạn đánh giá cao những cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh Thái Bình trong việc huy động sự chung tay của các doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải. Đây là cách làm hay, hiệu quả để huyện Lục Ngạn xem xét, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Ông Đỗ Chí Lệ, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt

Với sự tham mưu của các sở, ngành, nhất là ngành Tài chính trong việc phân bổ ngân sách cho các địa phương, đơn vị triển khai cơ chế hỗ trợ lò đốt rác đã tạo động lực để Công ty triển khai nhà máy xử lý rác thải tại huyện Quỳnh Phụ. Với nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và trên 5 tỷ đồng vốn hỗ trợ của tỉnh, nhà máy với công suất 50 tấn/ngày đã xử lý triệt để rác thải của 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ và thị trấn Đông Hưng. Rác thải được đưa về nhà máy, sau đó phân loại, rác hữu cơ được ủ làm phân bón vi sinh, rác vô cơ tái chế thành hạt nhựa, khoảng 10% rác không tái chế được xử lý theo công nghệ đốt.  


(còn nữa)

Nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày