Thứ 3, 23/07/2024, 03:19[GMT+7]

AI ƠI...CHỚ BỎ RUỘNG HOANG Kỳ III: Bỏ ruộng và hệ lụy

Thứ 6, 18/10/2019 | 14:50:26
3,532 lượt xem
Ruộng đồng bỏ hoang không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà nếu kéo dài còn để đất hoang hóa, mất an ninh lương thực; kéo theo những hộ khác trong vùng bắt buộc phải bỏ ruộng theo vì không thể sản xuất đơn lẻ… và để lại nhiều hệ lụy.

Mặc dù đường giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng quy mô để phục vụ sản xuất song nhiều nông dân xã An Ấp (Quỳnh Phụ) vẫn không thiết tha với ruộng đồng.

“Giữ ruộng” để có đường lùi

Video: psu_an_ap.mp4

Ruộng đất dù ở thời kỳ nào cũng luôn gắn bó máu thịt với nông dân. “Cùng đinh”, “không một tấc đất cắm dùi” từng là nỗi thống khổ của thế hệ cha ông họ. Vậy nên, ngày nay, dù nhiều người không còn gắn bó với ruộng đất, chuyển đổi, sinh sống bằng nhiều công việc, ngành nghề khác, nhưng vẫn tồn tại tâm lý “phải giữ cho bằng được ruộng đất”. Hầu như họ đều có cùng một suy nghĩ, nếu gặp thất bại, rủi ro vẫn còn “đường lùi” về làm ruộng. Gia đình bà Nguyễn Thị Mậu, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) có 4 sào ruộng mấy vụ nay bỏ không cấy vì con cái đi làm công ty hết, nhà thì neo người không có lao động làm ruộng. Bà bảo: Cả khu cánh đồng chỉ còn rất ít hộ cấy nhưng cấy cũng không ăn thua vì chuột cắn phá nhiều lắm, vụ này mỗi sào thu hoạch may lắm cũng chỉ được 50kg thóc. Chúng tôi nghe nói chỉ khoảng 5 năm nữa đất nông nghiệp của thành phố sẽ được chuyển sang làm công nghiệp, dịch vụ nên cố giữ lại để đợi Nhà nước thu hồi nhận đền bù, hỗ trợ. Nếu có công ty nào mua đứt tôi cũng bán luôn chứ cho người khác thuê thì không. Ông Vũ Thanh Sơn, Giám đốc HTX DVNN xã Cộng Hòa (Hưng Hà) cho biết: Trong xã có một hộ có nhu cầu đầu tư trồng cam, bưởi quy mô lớn trên vùng đất bãi, chúng tôi phải đi lại nhiều lần đến từng hộ dân vận động, thuyết phục nếu có nhu cầu sản xuất dồn đổi ruộng bán hoặc cho thuê để họ sản xuất, nhưng cũng phải  mất 3 năm mới hoàn thiện được các thủ tục giao đất. Tuy nhiên đấy là đất vùng bãi, còn vùng trong đồng thì khó hơn rất nhiều. Toàn xã hiện có 20ha đất bà con bỏ hoang không cấy nhưng không ai trả, không cho mượn cũng chẳng cho thuê. Một phần là tâm lý giữ ruộng để chờ được đền bù đất với giá cao nếu có dự án vào quy hoạch; phần nữa đất nông nghiệp lại đang được người dân coi như một nguồn tài sản để dành cho con cháu phòng khi sa cơ, lỡ vận.

Ruộng bỏ hoang tại xã Thái Giang (Thái Thụy).

Tâm lý “giữ ruộng” dù không làm ruộng là thực trạng chung ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh và đây cũng là nguyên nhân làm cho doanh nghiệp, cá nhân khó thuê được đất, cản trở quá trình tích tụ ruộng đất. Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết: Cùng với liên kết trong sản xuất để thu mua lúa thương phẩm cho bà con nông dân, năm 2016 Công ty hợp đồng với xã Thanh Tân thuê ruộng sản xuất để xây dựng mô hình sản xuất với mức thuê 70kg thóc/năm/sào, tổng diện tích 50ha, thời hạn thuê 20 năm, hiện đã sản xuất trên diện tích 18ha. Tuy nhiên, việc Công ty tự thuê ruộng gặp rất nhiều khó khăn bởi nông dân không cấy nhưng vẫn có tư tưởng giữ ruộng, phải mất rất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động, chưa kể đến phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục thuê đất. Hầu hết ruộng đất của nông dân manh mún, nhỏ lẻ, một số diện tích chua trũng nên mất rất nhiều công cải tạo, phải qua 3 vụ Công ty mới hình thành vùng tập trung đầu tư cho sản xuất.

Lãng phí tài nguyên

Nông dân bỏ ruộng đã gây lãng phí đất sản xuất, làm giảm giá trị sản xuất trong nông nghiệp. Nếu tính bình quân 1 ha ruộng một năm 2 vụ không cấy lúa sẽ mất 13 tấn thóc, giảm nguồn thu gần 80 triệu đồng. Nếu con số bỏ ruộng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ha thì nguồn thu mất đi còn khá lớn.

Ruộng bỏ hoang nằm xen kẹp với ruộng cấy gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến sản xuất.

Video: thai_giang_thai_thuy.mp4

Thái Bình là vựa lúa của đồng bằng sông Hồng mỗi năm sản xuất trên 1 triệu tấn thóc, mặc dù hiện đang dư thừa để phục vụ xuất khẩu song nếu tình trạng bỏ ruộng gia tăng về lâu dài sẽ gây mất an ninh lương thực. Hơn thế, việc nông dân bỏ ruộng làm cho đất đai không được cải tạo thường xuyên, hệ thống thủy lợi không được đầu tư đồng bộ khiến cho đất đai bị chai sạn, bạc màu, tạo nơi trú ngụ cho sâu bệnh và chuột phá hoại.

Bà Nguyễn Thị Nhài, thôn Quyết Thắng, xã Hòa Bình (Vũ Thư) cho biết:

Video: ba_nhai.mp4

Ruộng bỏ hoang tại xã An Cầu (Quỳnh Phụ)

Những năm qua, Thái Bình đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhân dân góp hàng nghìn ha đất, cả trăm triệu ngày công thực hiện dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Việc nông dân bỏ ruộng không chỉ làm giảm giá trị sản xuất nông nghiệp mà còn gây lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước, công sức, tiền của nhân dân. Hơn thế nữa, ruộng bỏ hoang cũng tác động làm giảm nguồn thu các khâu dịch vụ sản xuất, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn.

Trồng dưa hấu trên vùng đất tích tụ tại xã Điệp Nông (Hưng Hà) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Hoàng Thế Quỳnh, Giám đốc HTX DVNN xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) cho biết: Nông dân bỏ hoang không chỉ lãng phí đất đai mà để cỏ dại xâm lấn mạnh gây bất lợi cho sản xuất, là nơi trú ngụ của chuột, ảnh hưởng đến những diện tích bà con đang gieo trồng. Cùng với đó, khoản thu từ việc tháo dẫn nước, đào mương máng cấp 2, cấp 3, tiền nông giang của HTX cũng giảm. 3 năm nay, khoản thu này của HTX DVNN giảm 400 triệu đồng; trong đó ngân sách không hỗ trợ thuỷ lợi phí 300 triệu đồng, 100 triệu đồng các khâu dịch vụ không thu được do nông dân bỏ ruộng không cấy. Vì vậy, việc tái đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng mương máng, máy bơm gặp nhiều khó khăn. Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư từ những năm 2000 - 2005 đến nay đã xuống cấp, hệ thống mương máng vỡ, đổ, bờ vùng bở thửa không được tu sửa, nâng cấp thường xuyên, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Những thửa ruộng được quy vùng, sản xuất tập trung cho thu nhập 400 – 500 triệu đồng/năm tại xã Điệp Nông (Hưng Hà)

Từ thực tế người nông dân bỏ ruộng cho thấy đã qua rồi cái thời kỳ cần “cởi trói” cơ chế quản lý để “người cày có ruộng” và được tự do làm ăn sao cho hiệu quả nhất, tự do suy nghĩ trên luống cày của mình. Cũng đã qua rồi cái thời kỳ “lấy công làm lãi”, người nông dân chỉ biết chạy đua tăng năng suất cho cây lúa, hướng tới vụ mùa bội thu như một cái đích thành công. Cơ chế thị trường trong giai đoạn mới đã và đang đòi hỏi phải tạo dựng được nhiều hơn giá trị gia tăng từ thửa ruộng, cánh đồng. Hạt thóc, hạt gạo không còn là lựa chọn số một. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế cây lúa bằng cây trồng khác, mảnh ruộng bằng ao đầm, chuồng trại… sao cho hiệu quả hơn tiếp tục là bài toán chưa hề cũ. Cũng đã dần qua rồi cái thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Kinh tế hộ cá thể trong sản xuất nông nghiệp phải chăng đã và đang đi đến một ngưỡng phát triển mới, đòi hỏi thay thế những mảnh ruộng nhỏ bé bằng những thửa ruộng lớn hơn, những cung cách làm ăn khoa học theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.


Ông Nguyễn Đình Sắc, Bí thư Chi bộ thôn Hậu Trung 2, xã Bạch Đằng (Đông Hưng) 

Thôn Hậu Trung 2, xã Bạch Đằng (Đông Hưng) có 74,4ha đất nông nghiệp, trong đó 1,9ha nông dân bỏ hoang. Ruộng bỏ hoang ngày càng tăng dẫn đến nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng xấu đến nền nông nghiệp và an sinh xã hội tại các địa phương. Chi bộ, các đoàn thể của thôn đã vận động 5 tổ máy nhận 20 mẫu ruộng bỏ hoang cấy lúa chất lượng cao, có hiệu quả; đồng thời vận động 10 hộ gia đình có ruộng ở cánh đồng trũng làm đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất từ cấy lúa sang trồng cây. Chúng tôi đề nghị cấp trên có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân có ruộng không cấy để dồn đổi quy vùng mời gọi các tổ chức, cá nhân vào đầu tư sản xuất lúa hàng hóa nhằm giảm ruộng bỏ hoang trên địa bàn.

Ông  Bùi Minh Hiển, Phó Giám đốc HTX DVNN xã Thụy Phong (Thái Thụy) 

Nông dân bỏ ruộng gây khó khăn cho việc điều hành sản xuất của HTX: Khó quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phun thuốc trừ sâu không đúng lịch dẫn đến hiệu quả không cao ảnh hưởng đến năng suất lúa. Ruộng bỏ hoang để cỏ mọc là nơi trú ngụ cho chuột phá hoại. Đặc biệt việc điều tiết nước khó khăn vì vừa mất thời gian vừa mất nhiều nước. Các khoản thu của HTX cũng bị giảm sút vì nhiều hộ bỏ ruộng không đóng các khoản thu theo quy định.

Bà Bùi Thị Nhâm, thôn 3 Đông Hồ, xã Thụy Phong (Thái Thụy) 

Nhiều người hiện nay không muốn cấy ruộng nhưng cũng không trả cho Nhà nước, không muốn cho thuê vì sợ mất ruộng nhưng bỏ hoang thì rất lãng phí. Gia đình tôi cấy lúa không hiệu quả nên cho Công ty thuê để cấy lúa hàng hóa, đồng thời được nhận vào làm với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Tôi thấy mô hình sản xuất này rất phù hợp vừa giải quyết được tình trạng ruộng bỏ hoang, nâng giá trị thu nhập trên đồng ruộng, tạo thu nhập cho cả người có ruộng và người thuê ruộng.


(Còn nữa)

Nhóm phóng viên




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày