Chủ nhật, 19/05/2024, 20:13[GMT+7]

Người ta nói tôi “nuôi con khuyết tật còn lo chuyện bao đồng!”

Thứ 7, 07/03/2020 | 18:43:54
2,909 lượt xem

Vượt qua tất cả, bà Sơn tâm niệm “chỉ cần con vui, con sống tích cực là mẹ sẽ cố gắng”.

Đã ở tuổi 67, bà Nguyễn Thị Kim Sơn vẫn ngày ngày cần mẫn chăm sóc con trai khuyết tật nặng, nay đã hơn 35 tuổi. Có người nói, bà Sơn đã “nuôi con khuyết tật còn lo chuyện bao đồng” khi năm 2015, bà cùng gia đình giúp đỡ con tạo lập không gian đọc Hy vọng. Từ đó tới nay, qua 4 năm hình thành và phát triển, không gian đọc Hy vọng không những tăng gấp nhiều lần về số lượng đầu sách cũng như độc giả thân thiết mà còn giúp phát triển thêm 11 tủ sách do người khuyết tật quản lý tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Mẹ là đôi tay, đôi chân, là người thầy, là tất cả của con

Trong tâm trí của bà Sơn, người phụ nữ với thân hình nhỏ bé, gầy gò cùng những vết chân chim in hằn trên khuôn mặt không bao giờ có thể quên ngày bác sĩ kết luận con trai Đỗ Hà Cừ của bà bị di chứng chất độc da cam. Cuộc đời sau đó kéo theo nhiều “giông tố”, và có cả những tháng ngày tủi cực mà bà đã từng có ý định quyên sinh cả ba mẹ con cho đỡ khổ. Nhớ lại những ngày ấy, người phụ nữ đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời vẫn rất xúc động, bà kể: ngày còn nhỏ, Cừ bụ bẫm lắm chứ không gầy gò như bây giờ. Khi Cừ được 4 tháng tuổi, mọi người trong nhà nói có lẽ cháu có vấn đề vì không biết lẫy, đưa đi khám thì bác sĩ bảo cháu bị chậm phát triển chứ lúc giờ cũng chưa nghĩ đến việc bị di chứng chất độc da cam.

Cuộc sống rất khó khăn nhưng thương con, gia đình quyết định cho con lên Bệnh viện Nhi Thụy Ðiển. Cũng tại đây, sau nhiều đợt chữa trị mới biết rằng Cừ bị di chứng chất độc da cam. Thuê trọ trên đó, người mẹ đóng chiếc nôi bằng gỗ dài bằng người Cừ đặt lên chiếc xe đạp cọc cạch của bố và cứ sáng sáng hai mẹ con đi từ phố Lò Ðúc đến Bệnh viện Nhi Thụy Ðiển. Cả ngày trời chỉ có một quả trứng luộc, con ăn lòng đỏ, mẹ ăn lòng trắng. Nhưng cũng chưa là gì so với giai đoạn bố Cừ đi Tiệp Khắc lao động. Tiền gửi về không được bao nhiêu. Vậy là ba mẹ con lại sống dựa vào đồng lương còm cõi của mẹ. Khó khăn cứ chồng chất khó khăn. Ðể rồi, đã có những khi bà Sơn cảm thấy tuyệt vọng quá, từng nghĩ đến ý định quyên sinh cả ba mẹ con cho đỡ khổ.

Ngoài sự chăm sóc ân cần của bố mẹ, các em thì tình yêu thương của các cháu đã trở thành động lực to lớn cho Cừ mỗi khi cảm thấy yếu lòng.

Nhưng rồi, nghĩ đến chồng ở nơi phương xa, con thì nhỏ bé, ngây dại như “đứa trẻ lên ba”, bà không dám làm điều đó. Thế rồi, cũng quen dần với cuộc sống khốn khó. Đi chữa trị nhiều nhưng con không có chuyển biến gì nên cũng thôi, đành chấp nhận với hiện thực ấy. Bà chỉ thương con suốt ngày quanh quẩn trong nhà, rồi những đêm con thức trắng, trằn trọc suy nghĩ xem tại sao mình quá khác biệt với mọi người. Bà Sơn nhớ lại, có một lần đi làm về, thấy Cừ nằm sõng soài trên bậc tam cấp ở ngôi nhà cũ, bà mới hốt hoảng hỏi con sao lại ra đến đây. Cừ chỉ bảo con bị ngã. Sau rồi bà Sơn mới biết, lần ấy con trai bà có ý định tự tử nhưng không thành…

Con vẫn tuyệt vời, không sao cả!

Những khi Cừ tuyệt vọng quá, chẳng thể làm gì bà Sơn cứ nắm lấy tay con an ủi: “Con vẫn tuyệt vời, không sao cả!”. Và sau những lời động viên ấy của mẹ, Cừ lại quyết tâm hơn, không để mẹ buồn nữa. Trước đây, khi chưa thành lập không gian đọc, bởi bản tính ham đọc sách của Cừ mà mẹ đã gõ cửa tất cả nhà họ hàng, đồng nghiệp và những người thân quen để mượn sách cho con. Nhưng lâu dần, số sách ấy không đủ với Cừ, mẹ dành trang bị chiếc máy tính để con đọc sách online. Cũng từ đây, Cừ bắt đầu “gõ cửa” các nhà xuất bản, nhà phát hành sách để tìm xin những cuốn sách anh chưa được đọc. Cảm phục trước tấm lòng ham đọc sách của chàng trai khuyết tật, họ đã giới thiệu anh đến với những người phụ trách chương trình “Sách hóa nông thôn”. Nhờ đó, sau nhiều lần kết nối, đến ngày 24/7/2015, Cừ chính thức khai trương không gian đọc Hy vọng với hơn một nghìn đầu sách. Anh bảo: Ngày ấy là ngày hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Giờ đây, một người khuyết tật như anh đã có thể giúp ích cho xã hội, hiện thực hóa mong muốn có thể “chia sẻ cho toàn cộng đồng biết những kiến thức ấy”.

Không gian đọc Hy vọng với hơn 4000 đầu sách đã trở thành nơi gặp gỡ của những độc giả đam mê sách.

Con thành lập không gian đọc Hy vọng, bà Sơn cũng vui lây, như chính bà đã làm được một việc lớn trong đời. Từ ngày có không gian đọc, bà Sơn tự nhận “vui thì rất vui mà vất vả thì tăng lên gấp bội phần” bởi trước đây bà chỉ chăm cậu con trai khuyết tật đã tất bật từ sáng tới đêm thì nay còn chăm cả những tủ sách và độc giả của anh. Nhưng buồn nhất là không chỉ người ngoài mà cả người trong gia đình cũng có những khi nói bà đã nuôi con khuyết tật còn lo chuyện bao đồng! Vượt qua tất cả, bà suy nghĩ “chỉ cần con vui, con sống tích cực là mẹ sẽ cố gắng”. 

Đến nay, không gian đọc Hy vọng đã có hơn 4000 đầu sách cùng hàng trăm độc giả, tình nguyện viên thân thiết. Cùng với đó, Đỗ Hà Cừ đã trở thành “chiếc cầu nối”, góp phần hình thành và phát triển 11 không gian đọc do người khuyết tật ở các địa phương trong và ngoài tỉnh quản lý.

Bà Sơn, với hành trình nuôi con từ một người khuyết tật nặng trở thành “thủ lĩnh” trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng đã trở thành động lực không chỉ cho những bà mẹ khác cũng có con ở hoàn cảnh tương tự mà còn giúp những người bình thường nỗ lực hơn trên bước đường vượt qua những khó khăn của cuộc sống. 

Năm 2018, Đỗ Hà Cừ là một trong 20 thủ lĩnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện được nhận bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Năm 2019, không gian đọc hy vọng của Đỗ Hà Cừ đạt Giải thưởng văn hóa đọc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tháng 2/2020, Đỗ Hà Cừ là một trong 10 gương mặt tiêu biểu nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia năm 2019.

Và nếu một ngày, cảm thấy quá mỏi mệt với cuộc sống nhiều vất vả, lo toan, bạn hãy đến với không gian đọc Hy vọng của Đỗ Hà Cừ, không chỉ để thưởng thức những cuốn sách ý nghĩa mà còn để thấy rằng mình phải sống tốt đẹp và tử tế hơn.

 Tú Anh


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày