Thứ 7, 27/04/2024, 02:47[GMT+7]

Quảng Phú Cầu tìm lời giải cho tiêu chí môi trường

Thứ 5, 12/03/2020 | 14:10:53
990 lượt xem
Tình trạng ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối ở xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa) nhiều năm nay và chưa tìm được lời giải. Đây cũng đang là điểm nghẽn cản bước mục tiêu về đích nông thôn mới của xã trong năm 2020.

Các làng nghề sản xuất tăm hương ở Quảng Phú Cầu thải ra hàng chục tấn rác thải mỗi ngày.

Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu cho biết: Thời điểm này xã đã có 14 tiêu chí đạt và 5 tiêu chí cơ bản đạt nông thôn mới. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay, những tiêu chí khó về cơ sở vật chất, xã có khả năng hoàn thành. Chẳng hạn, về cơ sở vật chất trường học, hiện điểm trường THCS xã đang gấp rút thi công các hạng mục và phấn đấu hoàn thành trong năm 2020. Riêng cấp mầm non toàn xã có 6 điểm trường, thì nay đang xây dựng một điểm trường tập trung. 

Tuy nhiên, tiêu chí làm đau đầu chính quyền địa phương nhất hiện nay là môi trường. Theo ông Dịu, toàn xã có 5 thôn được công nhận làng nghề truyền thống chẻ tăm hương. Việc phát triển mạnh làng nghề tuy nâng cao thu nhập cho người dân nhưng lại là nguồn cơn gây ô nhiễm môi trường bao năm nay ở Quảng Phú Cầu.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, vài năm gần đây, một số cơ sở sản xuất tăm hương đã tích cực thu gom bụi, vật liệu thừa để ép bán lại cho các cơ sở sản xuất thành than củi. Một số hộ đã đầu tư công nghệ sấy nguyên liệu bằng hơi nước từ phế thải của làng nghề do Sở KH&CN Hà Nội triển khai

. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Hữu Long - chủ một cơ sở sản xuất tăm hương thôn Phú Lương Thượng, xã Quảng Phú Cầu, chi phí để xây dựng một lò sấy hơi nước lên tới 400 triệu đồng nên nhiều hộ dân tại đây không dám đầu tư. Huyện Ứng Hòa cũng đã triển khai dự án xây dựng lò đốt rác thải làng nghề, với công suất 5 tấn/ngày. Nhưng những giải pháp này cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý rác thải của làng nghề.

Ngoài nghề chẻ tăm hương, Quảng Phú Cầu còn phát sinh thêm nghề thu gom phế liệu. Theo thống kê, hiện xã có khoảng 170 hộ thu gom mặt hàng này. Trung bình mỗi năm phát sinh ra môi trường khoảng 70 tấn rác thải phế liệu. Tình trạng đổ trộm và đốt phế liệu thường xuyên diễn ra trên địa bàn. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với tổ công tác xử lý môi trường của huyện kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh tái chế phế liệu.

Tuy nhiên, các hộ thường tranh thủ đổ trộm rác và đốt phế liệu vào những lúc nửa đêm hoặc rạng sáng. “Để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, xã đang có chủ trương xây dựng một điểm tập kết và ép phế liệu sau đó chuyển đi nơi khác xử lý.

Bên cạnh đó, xã cũng kiến nghị huyện và TP sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cụm công nghiệp làng nghề tập trung Cầu Bầu có diện tích 10ha, để các hộ phát triển sản xuất làng nghề gắn với bảo vệ môi trường” - ông Dịu kiến nghị. 

Theo kinhtedothi.vn