Thứ 7, 20/04/2024, 11:17[GMT+7]

Bùng nổ thương mại điện tử mùa dịch bệnh và những điểm cần lưu ý

Thứ 4, 18/03/2020 | 09:43:40
1,091 lượt xem
Hơn một tháng qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến thói quen mua sắm của nhiều người thay đổi và dần quen với mua sắm trực tuyến...

Mua sắm online đang được nhiều người lựa chọn thời buổi dịch bệnh. (Ảnh minh họa)

Nếu như trước kia các khu mua sắm, các hệ thống siêu thị luôn tiếp nhận một lượng lớn khách hàng đến tham quan, mua sắm, thì hơn một tháng qua, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thói quen này. Nhiều người đã thay đổi bằng hình thức mua sắm trực tuyến.

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, doanh thu của các doanh nghiệp thương mại điện tử tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, khách hàng và doanh nghiệp cần lưu ý điều gì khi tham gia thị trường này?

Hạn chế ra ngoài, tránh tiếp xúc với người lạ, hạn chế trao trả tiền mặt… đó là những lời khuyên từ các chuyên gia y tế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm nói chung, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19. Thực hiện chỉ dẫn này, thói quen mua sắm trực tiếp qua hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, trung tâm thương mại trong dân giảm rất nhiều.

Theo nhiều người tiêu dùng chia sẻ, đang trong mùa dịch nên họ muốn tránh xa chỗ đông người. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và mọi người xung quanh nên họ thường xuyên đặt hàng online. Điều tiện lợi nhất của người mua sắm online là trời mưa, trời nắng ở nhà mua hàng có ngay và vận chuyển đến tận nơi cho mình.

Tuy nhiên, theo nhiều người, mua hàng online cũng nhiều rủi ro vì không được xem trước sản phẩm, chất liệu như thế nào.

Trước hết, như khẳng định của các chuyên gia, việc nhiều người dân ở các tỉnh-thành phố đã có người mắc bệnh, thay đổi thói quen mua sắm sẽ giúp tình hình dịch bệnh chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, cách thức này cũng đang hỗ trợ lớn cho ngành công nghiệp tiềm năng – thương mại điện tử hay mua-bán online. Những thông tin ngắn gọn sau từ anh Nguyễn An – nhân viên giao nhận hàng hóa thuộc hệ thống MyGo, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Viettel là ví dụ.

"Từ khi có dịch người gọi hàng tăng gấp nhiều lần giúp thu nhập của anh lên tới 11 - 12 triệu đồng/tháng", anh An chia sẻ.

Đơn hàng tăng nhanh chóng, lượng nhân viên giao nhận tăng lên gần gấp đôi…là những thông tin cho thấy cơ quan chức năng hoàn toàn có cơ sở khi khẳng định doanh thu của các doanh nghiệp ngành thương mại điện tử tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng đồng thời là số liệu thể hiện luận điểm “biến nguy thành cơ” luôn có khả năng xuất hiện trong thương trường. Thế nhưng cơ hội cho một nhóm đối tượng, ở đây là những cá nhân-doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại điện tử có đang tỷ lệ thuận với lợi ích-nhu cầu thực sự của người dân hay không?

Thời điểm dịch bệnh diễn phức phức tạp vừa qua đã trả lời câu hỏi này: Đó là bên cạnh những lợi ích thấy rõ từ hoạt động này cũng xuất hiện những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng đặc thù của cách thức mua-bán online là người tiêu dùng không được trực tiếp trải nghiệm-đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán và nhận hàng, đã trà trộn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Thực tế, nhận được phản hồi này từ người dân, đồng thời dự đoán tình hình từ trước, cơ quan chức năng đã có những kịch bản cho vấn đề như: Tổ chức lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong Thương mại điện tử” hay phát triển “Hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, khiếu nại, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử: online.gov.vn”. Gần đây nhất là các văn bản hướng dẫn yêu cầu các thương nhân, tổ chức sở hữu website và ứng dụng thương mại điện tử phải kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa vi phạm.

Chỉ tính đến ngày 2/3 đã có 8.900 trên tổng số 750.000 gian hàng bị thanh tra, phát hiện, xử lý vi phạm; đã có gần 2,8 triệu sản phẩm bị gỡ bỏ khỏi website và xử lý hậu kiểm, đa số là các mặt hàng liên quan đến công tác phòng dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền – Phó Cục trưởng cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công thương cho biết, các biện pháp này sẽ tiếp tục được triển khai mạnh hơn trong thời gian tới: "Việc xây dựng hệ thống giải quyết khiếu nại, tranh chấp trực tuyến là một trong những công cụ quản lý. Bên cạnh việc đó, Bộ Công thương đã đưa vào kế hoạch sửa đổi Nghị định 52 và chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và căn cứ vào phản ánh của người tiêu dùng, nếu có sự lặp lại, thậm chí là phải có kiểm tra đột xuất và tước đăng ký hoặc thông báo gỡ bỏ website. Đấy là biện pháp mạnh nhất".

Không chỉ công bố tăng cường các giải pháp hạn chế vi phạm; không chỉ khuyến khích người tiêu dùng cung cấp thông tin gian thương trên môi trường online, cơ quan chức năng cùng các chuyên gia cũng lưu ý – hướng dẫn người dân cách thức mua hàng an toàn, hiệu quả trên môi trường này.

Chuyên gia Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nêu rõ: Thương mại điện tử giúp cho người mua hàng có được nhiều món hàng mà không bị hạn chế về mặt không gian, đôi khi giá rất là rẻ nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Cho nên hãy mua hàng thông minh, mua ở những website uy tín. Có thể là người bán xây dựng web uy tín, người tiêu dùng biết thương hiệu rồi; thông tin web rõ ràng, bài bản và có dấu chứng nhận bởi Bộ Công thương ở chân Web hoặc các sàn thương mại điện tử.

"Cẩn thận hơn nữa người tiêu dùng hoàn toàn có thể xem xét người bán hàng online: Các sàn giao dịch hoặc web có uy tín bao giờ cũng có chứng nhận đảm bảo chất lượng hoặc chứng nhận của bên thứ 3, mua hàng cơ bản là an toàn. Còn trường hợp nếu tìm được món hàng cần mua mà không tìm được những nơi đủ tốt vừa nêu thì giao hàng tận nơi, xem hàng rồi mới thanh toán. Và đặc biệt lưu ý các hành vi có tính lừa đảo ví dụ như thông tin không rõ ràng, gửi tiền trước, rồi mập mờ… để hạn chế tối đa nguy cơ lừa đảo, mất mát", ông Tuyến khuyến cáo./.

Theo vov.vn