Thứ 6, 17/05/2024, 12:30[GMT+7]

Thái Bình - 130 năm trong ngàn năm lịch sử

Thứ 2, 23/03/2020 | 10:31:33
3,141 lượt xem

Đồng chí Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chúc mừng các thí sinh đạt giải nhì hội thi báo cáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2019.

Là người đứng đầu ngành Tuyên giáo tỉnh Thái Bình với bao công việc bộn bề nhưng Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình vẫn dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và là tác giả của nhiều cuốn sách có giá trị. Trong đó có bộ sách về học tập và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nghiên cứu về lịch sử mảnh đất, con người Thái Bình. Nhân kỷ niệm 130 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2020), phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên về chủ đề trên.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên, Thái Bình là vùng đất bốn bề sông biển, việc định hình và bối cảnh ra đời khá đặc biệt. Tiến sĩ có thể cho biết những diễn tiến lịch sử đến trước ngày thành lập tỉnh có thể được khái lược như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Ngày 20/8/2000, người dân xã Minh Tân, huyện Hưng Hà đã phát hiện và khai quật được một bộ trống đồng cổ còn nguyên khuôn đúc. Các nhà khoa học khảo cổ đã xác định bộ trống đồng này có niên đại khoảng 2.500 năm trở về trước. Phát hiện này cùng với các nghiên cứu khác đã cho thấy, vùng đất này đã có sự sống và sáng tạo từ cách đây hàng nghìn năm. Và như vậy, 130 năm chỉ là một chặng đường trong lịch sử ngàn năm đồng hành cùng dân tộc.

Vào khoảng thế kỷ 7 - 6 trước Công nguyên, những lớp cư dân đầu tiên từ chân núi Ba Vì, Tam Đảo và các vùng thung lũng, trung du thuộc Phú Thọ, Sơn Tây… đã tiến dần xuống các vùng đầm lầy ven biển hạ lưu sông Hồng. Sức hấp dẫn của vùng đất ven biển màu mỡ phù sa, thuận lợi cho việc đánh bắt cá, trồng lúa nước đã nhanh chóng cuốn hút ngày càng đông luồng dân cư kết nối nhau về tìm nơi sinh tụ. Cho đến những thế kỷ đầu Công nguyên, phần lớn đất đai Thái Bình đã được khai hoang, phục hóa, hình thành các khu vực tập trung cư dân, tạo nên một đời sống sinh hoạt đa dạng, nhộn nhịp.

Cùng với quá trình hình thành đất đai và cư dân, địa vực nơi đây đã được đưa vào địa dư hành chính quốc gia với nhiều cấp độ và thay đổi khác nhau. Đầu Công nguyên, vùng đất này nằm trong vùng đất phía nam cuối cùng của huyện Chu Diên, quận Giao Chỉ. Thế kỷ thứ 10, khi Ngô Quyền xưng vương, vùng đất này thuộc đất Đằng Châu (bao gồm cả Thái Bình, Hưng Yên sau này). Thời tiền Lê, năm Ứng Thiên thứ 9 (1002), Lê Đại Hành đổi đạo làm lộ, dưới lộ là phủ, dưới phủ là hương. Khi Lê Long Đĩnh lên ngôi (1005 - 1009) đổi Đằng Châu là phủ Thái Bình, theo “Đại Việt sử ký toàn thư” tên phủ Thái Bình có từ đấy.

Phải đến đời Trần, thế kỷ 13 trở đi, địa vực Thái Bình mới thật sự rõ nét trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Năm 1252, Trần Thái Tông đổi 24 lộ làm 12 lộ phủ, dưới lộ phủ là huyện, hương. Vùng đất này bao gồm phủ Long Hưng (gồm các huyện: Ngự Thiên, Diên Hà, Thần Khê) và các lộ phủ Kiến Xương, An Tiêm. Thời Lê sơ (1428 - 1527) chia nước làm 5 đạo, dưới đạo là trấn, phủ, huyện, châu, xã. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), Lê Thánh Tông chia nhỏ các đạo thành 13 đạo và bỏ đơn vị hành chính trung gian như trấn, lộ; lúc này Thái Bình thuộc Nam Đạo, sau là đạo Sơn Nam, đến năm 1741 Lê Hiển Tông đổi đạo làm trấn và chia đạo Sơn Nam thành hai trấn: Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ, Thái Bình thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Thời Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 3 (1822), lúc đầu toàn bộ Thái Bình vẫn thuộc trấn Nam Định, sau thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Nam Định.

Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết dấu mốc nào thể hiện Thái Bình là một tỉnh có địa giới độc lập và quá trình điều chỉnh các cấp hành chính của tỉnh cho đến ngày nay?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Đơn vị hành chính tỉnh Thái Bình mới xuất hiện cách đây tròn 130 năm nhưng lịch sử, truyền thống của mảnh đất và con người nơi đây đã có từ hàng ngàn năm và luôn gắn chặt với lịch sử, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Dấu mốc ấy được xác định vào ngày 21/3/1890 khi Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, bao gồm các huyện: Thanh Quan, Thụy Anh, Đông Quan, Trực Định, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Phụ Dực, Quỳnh Côi (thuộc Nam Định). Năm Thành Thái thứ 6 (1894) cắt thêm ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Thần Khê (thuộc tỉnh Hưng Yên) nhập trở lại Thái Bình. Đến lúc này, tỉnh Thái Bình với tư cách là một đơn vị hành chính độc lập và được chia thành 3 phủ: Tiên Hưng, Kiến Xương, Thái Ninh và 12 huyện: Duyên Hà, Hưng Nhân, Tiên Hưng, Đông Quan, Thụy Anh, Thái Ninh, Quỳnh Côi, Phụ Dực, Thư Trì, Vũ Tiên, Trực Định, Tiền Hải.

Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp phân cấp lại bộ máy quản lý trên địa bàn tỉnh. Phủ và huyện đều là cấp hành chính tương đương, cùng do cấp tỉnh trực tiếp quản lý, lúc này Thái Bình có 3 phủ, 9 huyện và 1 tỉnh lỵ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, năm 1946 Thái Bình đề nghị Chính phủ quyết định bỏ đơn vị tổng, đổi phủ thành huyện. Toàn tỉnh lúc này có 12 huyện, 1 thị xã với 829 xã, thôn.

Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93-QĐ/CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới, Thái Bình còn 7 huyện và 1 thị xã. Năm 2004, thị xã Thái Bình được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh (theo Nghị định số 117/2004/NĐ-CP, ngày 29/4/2004 của Chính phủ).

Phóng viên: Với vị trí trọng yếu cửa ngõ, Thái Bình cũng sớm phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Trong nhiều thập kỷ, người Thái Bình đã không ngừng bồi đắp ý chí kiên cường, bất khuất, lập nên bao kỳ tích trong đấu tranh để bảo vệ quê hương. Đặc biệt, trong thời đại Hồ Chí Minh, Thái Bình là tỉnh đi đầu thực hiện phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, với những cống hiến, hy sinh to lớn, đóng góp xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bảo vệ Tổ quốc. Những số liệu và tên tuổi nào trong giai đoạn này nói lên điều đó, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Thực hiện khẩu hiệu “Thóc thừa cân, quân vượt mức”, trong suốt hai cuộc kháng chiến, nhân dân Thái Bình dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Gần 152.000 người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ người tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử những dấu son chói lọi như: đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam; Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Thị Chiên, nữ anh hùng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam; Tạ Quốc Luật, người bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri ngày 7/5/1954; Vũ Ngọc Nhạ, một huyền thoại trong ngành Tình báo Việt Nam; Thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, tên tuổi của ông gắn liền với những bước trưởng thành của lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam; Bùi Quang Thận, người cắm lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” trên nóc dinh Độc Lập ngày 30/4/1975; Anh hùng Phạm Tuân, người bắn rơi “pháo đài bay” B-52 của giặc Mỹ, người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ...

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trên 52.000 người con quê hương đã anh dũng hy sinh; gần 33.000 thương binh, bệnh binh; hơn 6.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày; hơn 2.000 cán bộ lão thành cách mạng; gần 50.000 gia đình có công với nước...

Phóng viên: Về Thái Bình hôm nay có thể thấy rõ sự đổi thay nhanh chóng và một diện mạo mới của tỉnh. Tiến sĩ có thể chấm phá một số nét tiêu biểu trong bức tranh sinh động ấy?

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên: Hai mươi năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Thái Bình đã thực hiện thành công chương trình “điện, đường, trường, trạm”, làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn. Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa nền kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá...

Những năm gần đây, Tỉnh ủy Thái Bình đã chủ động, sáng tạo hoạch định và quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và khu nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu; phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân..., đạt được những kết quả quan trọng.

Riêng năm 2019 vừa qua, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; trong đó, kinh tế tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số; sản xuất công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ tăng cao hơn mức tăng trưởng của các năm trước. Tập trung, tích tụ đất đai, xây dựng cánh đồng lớn tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt. Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh; vốn đăng ký đầu tư đạt gần 17.000 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với năm trước; đặc biệt, đã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Thu ngân sách từ nội bộ nền kinh tế vượt gần 35% dự toán và tăng 20,6% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng gấp gần 2 lần kế hoạch đề ra. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đến hết quý III/2019, 100% số xã trong tỉnh được công nhận xã nông thôn mới; kết thúc năm 2019, Thái Bình được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; là 1 trong 3 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện, thành phố được công nhận đạt tiêu chí quốc gia. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao... Những thành tựu đó là tiền đề quan trọng để Thái Bình tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chuyên!

Trần Hoàng

(Thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày