Thứ 6, 17/05/2024, 14:45[GMT+7]

Rừng ngập mặn – Lá chắn thiên tai (Kỳ 2)

Thứ 6, 27/03/2020 | 09:35:04
6,369 lượt xem
Những năm qua, rừng ngập mặn (RNM) không chỉ giúp Thái Bình phòng chống thiên tai, bão lũ mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nhiều ngư dân vùng biển. Công việc tưởng chừng thời vụ ấy lại là nghề chính của nhiều gia đình. Phận người “dầm bùn, đãi nắng” nơi đây sẽ đi về đâu nếu không có RNM?

Rừng ngập mặn chính là mảnh đất thoát nghèo của nhiều ngư dân ven biển.

Kỳ 2: “Sống khỏe” nhờ rừng

“Lộc trời” cho ngư dân
Những bàn chân trên bước đường mưu sinh trong vạt RNM các xã ven biển huyện Thái Thụy đã in hằn thành những lối mòn ngoằn ngoèo dưới tán cây rừng. Ở đó, không kể ngày hay đêm, khuya hay sớm, hàng trăm ngư dân dầm mình trong bùn, nước để kiếm từng con còng, con cáy, con tôm... Với người dân nơi đây, dời biển chính là tìm đến đói, nghèo. 

Mưu sinh dưới rừng ngập mặn ở Thái Thụy.

Những cánh RNM xã Thụy Trường, Thụy Xuân, Thuỵ Hải xanh mướt, trải dài ngút ngàn. Trời tháng 3 mưa dầm, lạnh giá. Chiều về, cái lạnh lại càng tái tê, nhường lại màu đen huyền ảo cho miền biển. Đêm tối ở đây bình yên đến lạ, gió thổi, sóng ì ào ngoài khơi xa hòa với tiếng động cơ từ những đôi tàu kéo lưới. Khoảng thời gian yên ả ấy được khuấy động khi tiếng bước chân, tiếng nói cười của những người hành nghề bắt cua, tôm, còng đêm rảo bước trên đê. Từng tốp người hòa vào màn đêm, thi thoảng có ánh đèn le lói phát ra rồi tắt lịm trong bóng tối. Đoạn đê biển dài chừng 100m, nhìn xuống là con lạch dẫn ra cửa Đại Bàng đã trở thành điểm tập kết của người dân xã Thụy Trường vào mỗi đêm. Mọi người ngồi trên mặt đê, tiếng gọi nhau rộn rã như chợ phiên. Khi đã tìm đủ thành viên, từng tốp vượt qua dải phân cách, tỏa xuống cánh rừng dưới chân đê bắt đầu một đêm lao động mệt nhọc. 

Người dân khéo léo cho còng vào túi lưới.

Giữa mênh mông vô định ấy, con người dường như nhỏ bé, lạc lõng với thiên nhiên. Luồn lách trong RNM, chúng tôi như lạc vào mê cung với những lối đi luồn cúi. Có chỗ, chúng tôi phải cúi rạp người sát mặt bùn để đi. Cứ thế với ánh đèn, người bắt còng như những con cò cặm cụi kiếm ăn trong đêm. Họ thông thuộc từng lối mòn, khoảng rừng, khéo léo như chú rái cá, chẳng mấy chốc, từng chiếc xô, chậu nặng dần những con còng, con cáy, con tôm. Những ánh đèn tản mát ra xa, chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng nói cười của họ. Thi thoảng, ánh đèn của ai đó vụt sáng, chiếu rọi vào những thân cây khẳng khiu, sần sùi rồi biến mất như những con đom đóm khổng lồ càng làm cánh rừng âm u hơn. 

Tất cả mọi người đều “say” với nghề mà quên đi mệt nhọc giữa đêm lạnh.

Trời về đêm, tiếng nói cười vơi dần, có lẽ họ đã bắt đầu "say" với ánh đèn, chú tâm vào công việc bắt tôm, cua, còng. Cũng chính công việc này đã rèn cho họ sự tinh nhanh, dứt khoát hơn với đôi tay liên tục sục sạo dưới lớp bùn. Sau mỗi đêm, thành quả của họ được đền đáp xứng đáng với những vất vả khi mưu sinh. 

Chị Hoàng Thị Chung, thôn Vạn Xuân Đông, xã Thuỵ Xuân (Thái Thuỵ) cho biết: Công việc này chỉ cần không ốm đau, mỗi ngày đi biển cũng đủ trang trải cho sinh hoạt trong gia đình, từ 250.000 - 300.000 đồng, ngày nhiều thì được 600.000 đồng. 

Còn với chị Trần Thị Thoa, thôn Tri Chỉ Nam, xã Thụy Trường chia sẻ: RNM ở đây như bức tường xanh, lá chắn xanh bảo vệ đê biển, ngăn bão... Không những vậy, nó là nguồn lợi vô tận cho cuộc sống dân cư ven biển - nơi trú ngụ, sinh sản của muôn loài thủy hải sản. Nhưng chúng tôi cũng ý thức được rằng khai thác phải đi đôi với bảo tồn thì mới bền vững được. Những người khai thác thủy sản tự nhiên nơi tán rừng sú, vẹt như chúng tôi cũng ý thức sâu sắc về việc BVMT sinh thái tự nhiên, phát hiện và ngăn chặn những hành vi tàn phá thiên nhiên của vùng lõi, góp phần giữ gìn, bảo tồn rừng.

Cảnh bán, mua tấp nập khi trời vẫn còn tối…

… và cả khi bình minh vừa lên.

“Bức tường xanh” chắn sóng


Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Tiền Hải có 23km bờ biển, 3 cửa sông lớn đổ ra biển. Với đặc điểm và điều kiện tự nhiên có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế về nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, Tiền Hải cũng gặp không ít khó khăn do BĐKH gây ra. Trước diễn biến của hiện tượng BĐKH, Tiền Hải đã triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền đến nhân dân tham gia tích cực trồng cây, bảo vệ rừng. Việc trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển nguồn thủy sản tự nhiên và nuôi trồng, đồng thời góp phần bảo vệ các dải đê chắn sóng, giúp các cư dân vùng ven biển ổn định cuộc sống. 

Cây con được người dân xã Đông Long (Tiền Hải) chuẩn bị đưa xuống trồng.

Với gần 4,2km đê biển, xã Đông Long (Tiền Hải) hiện có 400ha RNM và gần 200ha mới trồng chưa thành rừng. Màu xanh mướt mát của cây bần, vẹt đang dần khỏa lấp những khoảng trắng sóng gió mênh mông ngoài biển khơi. Là xã ven biển của huyện Tiền Hải, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro, thiên tai, đã từng bị “xóa sổ” nhiều đầm nuôi trồng thủy hải sản khi bão đổ bộ vào nên cấp ủy, chính quyền và nhân dân Đông Long hiểu hơn ai hết vai trò, giá trị của những cánh RNM trong việc phòng hộ chắn sóng, tác động của triều cường và nước biển dâng, bảo vệ cộng đồng dân cư. RNM được người dân ví von như “bức tường xanh”, “dải đê mềm” ngăn bão, gió hữu hiệu cho 150ha đầm, giúp người dân yên tâm nuôi trồng thủy hải sản và làm giàu từ biển. 

Rừng ngập mặn phủ xanh 4,2km đê biển xã Đông Long (Tiền Hải).

Trước kia, người dân xem nhẹ việc bảo vệ RNM do nhận thức hạn chế, tuy nhiên, khi thấy vai trò to lớn của rừng đối với phát triển kinh tế, bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng, ý thức gìn giữ, phát triển rừng được nâng lên rất nhiều. 

Ông Đặng Văn Nhỡ, Đội trưởng Đội bảo vệ RNM xã Đông Long cho biết: Nuôi trồng thủy sản trong đầm là sinh kế của nhiều người dân ở Đông Long. Trước kia, khi RNM chưa được phủ kín, 4,2km đê phải trực diện với sóng, khi bão về, chính quyền phải huy động mọi lực lượng ra ứng cứu. Chỉ cần một cơn bão nhỏ, tôm, cá có thể bị cuốn theo dòng nước, bao nhiêu tài sản, vốn liếng của người dân cũng đổ sông bể. Khoảng 10 năm trở lại đây, Đông Long được tiếp nhận nhiều dự án của các tổ chức, đơn vị; ngoài việc hỗ trợ trồng mới, công tác bảo vệ cũng được chú trọng khi các dự án xây dựng quy ước cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đổi mới cách thức, loại cây trồng, thay vì trồng trực tiếp tiến hành ươm cây trong bầu, khi cây đạt chiều cao nhất định mới mang ra trồng, sử dụng cây bần vì khả năng thích ứng cao đối với sinh thái nơi đây nên hiệu quả trồng rừng được cải thiện rõ rệt. Theo thời gian, biết bao mầm xanh mạnh mẽ vươn mình về phía biển, cùng sự chung tay bảo vệ của cộng đồng dân cư xây nên “bức tường xanh” nơi cửa biển, hạn chế đáng kể sức tàn phá của sóng biển, bảo vệ an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân.

Tuần tra là việc làm hàng ngày của Đội bảo vệ rừng xã Đông Hải (Tiền Hải).


Ông Phạm Văn Dụng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, phát triển kinh tế biển là một trong những mũi nhọn tạo bước đột phá cho nền kinh tế của Thái Bình. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Trong đó, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất hàng hóa lớn theo nhu cầu của thị trường tiêu thụ, vùng quy hoạch, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các khu bảo tồn biển, ứng phó hiệu quả với BĐKH và BVMT, góp phần cân bằng sinh thái biển, gìn giữ tài nguyên biển cho mai sau.

Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy
Với lợi thế có bờ biển trải rộng, 3 cửa sông lớn, hàng ngàn ha bãi bồi ven biển, Thái Thụy là huyện ven biển của tỉnh Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là những năm gần đây, huyện đang tập trung đầu tư nhiều nguồn lực để đưa kinh tế biển phát triển nhanh và bền vững gắn với BVMT, nhất là đối với 3 lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và vận tải biển. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới đổi thay, nhất là các xã ven biển. Số hộ giàu tăng nhanh, hộ nghèo giảm. Để phát triển kinh tế biển bền vững, thích ứng với BĐKH, huyện Thái Thuỵ tiếp tục quan tâm đến công tác trồng và chăm sóc, bảo vệ RNM tư nhằm bảo đảm môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

 Ông Lê Xuân Dương, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Thuỵ Xuân (Thái Thuỵ)

Là xã ven biển, trên 80% dân số sống bằng nghề nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thuỷ hải sản. Nhiều ngư dân đã mưu sinh bằng nghề khai thác hải sản từ rừng sú vẹt, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống. Những gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt cua, cá, ngao... ở RNM để mưu sinh. Công việc của những người dân mưu sinh bằng nghề này thường diễn ra quanh năm, nhưng vào mùa săn bắt chính bắt đầu từ mùa xuân cho đến hết hè. Tuy vậy, người dân nơi đây vẫn luôn nhắc nhở nhau, không được săn bắt quá mức theo tư tưởng tận thu, mà gìn giữ và bảo vệ RNM cùng các loài sinh vật để làm nguồn sinh kế lâu dài và bền vững.


Nhóm phóng viên