Thứ 6, 17/05/2024, 18:17[GMT+7]

Rừng ngập mặn – Lá chắn thiên tai (Kỳ 3)

Thứ 7, 28/03/2020 | 08:50:51
5,470 lượt xem
Rừng ngập mặn (RNM) chính là “lá phổi” cho hệ sinh thái ven biển phát triển và là “vị cứu tinh” của con người khi mực nước biển dâng cao. Để rừng mãi xanh, trải dài ngút ngàn thì cần sự chung sức, đồng lòng quyết tâm bảo vệ rừng của các cấp chính quyền và mỗi người dân quê lúa.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng dân quân xã Thụy Xuân (Thái Thụy) tuần tra bảo vệ rừng ngập mặn.

Kỳ 3: Để rừng mãi xanh

 “Yêu rừng như lẽ sống”

Ngắm nhìn những tầng lớp phi lao trải dài khắp khoảng không gian tựa như dải khăn vắt ngang mặt biển, lao xao, oằn mình theo gió, mấy ai biết được những nỗi khó khăn, vất vả của người gieo trồng. Năm 1995, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) có chủ trương khoán trông coi rừng, thương binh hạng 1/4 Vũ Văn Tưởng, thôn Đông Hoàng đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu 30ha trồng phi lao, ươm cây giống và trông coi 120ha RNM của địa phương. 

Ông Tưởng dành hơn 25 năm cuộc đời mình bám đất, bám rừng.

Dẫn chúng tôi ra thăm rừng, ông Tưởng chia sẻ: Từ nhỏ, tôi đã phải chứng kiến cảnh thiên tai tàn phá vùng quê, mỗi khi có bão, hàng trăm hộ phải di dời, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại. Không có rừng, vùng cửa biển luôn bị ảnh hưởng bởi triều cường, có chỗ bị bào mòn đến chân đê. Thế nhưng từ ngày RNM phát triển, mọi việc đã thay đổi. Rừng được trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển đã giữ lại phù sa, trở thành những bãi bồi rất màu mỡ.

Dù mưa hay nắng, ngày nào ông Tưởng cũng đi kiểm tra các cánh rừng.

Chìa lòng bàn tay còn in hằn vết khâu dài, ông Tưởng kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu khi nhận khoán, trông coi rừng. Cha con ông Tưởng phải tuần tra suốt đêm, lấy tính mạng của mình để bảo vệ những cánh rừng đang vươn ra biển. Máu của người thương binh vẫn đổ trong thời bình khi chống trả lại những đối tượng chặt phá rừng để nuôi thủy hải sản. Giờ đây rừng đã trở thành một phần trong cuộc sống của gia đình ông Tưởng. Qua gần 20 năm chăm sóc, bảo vệ RNM, gia đình ông đã duy trì và mở rộng hàng chục héc-ta rừng. Trong 30ha đấu thầu, ông dành 1ha phục vụ ươm nhân cây giống cung cấp cho các dự án trồng rừng trong và ngoài tỉnh. Không chỉ giữ cho rừng mãi xanh, phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH mà chính rừng đã giúp gia đình ông vươn lên làm giàu, có của ăn của để. Trung bình mỗi năm, ông bán khoảng 6 vạn cây giống, lợi nhuận thu được từ 300 - 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 8 - 12 lao động.

Với mỗi người dân xã Đông Long (Tiền Hải) trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng là bảo vệ chính cuộc sống bình yên của gia đình.

Chung tay bảo vệ rừng

Trồng rừng đã khó nhưng làm sao để có thể chăm sóc, bảo vệ cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt, nhân rộng thành “bức tường xanh”, “lũy thép” hộ đê, cản sóng gió, tạo nguồn sinh kế cho bà con nhân dân nhằm tạo nền tảng vững chắc tăng khả năng chống chịu thiên tai, giảm thiểu tổn thương cộng đồng cư dân ven biển thì không phải là điều dễ dàng. Đó là tâm tư, trăn trở của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã có RNM. Xã Thuỵ Xuân (Thái Thuỵ) là vùng “rốn lũ”, mỗi năm gánh chịu 3 – 4 cơn bão, nên hậu quả rất nặng nề. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mỗi người dân tích cực tham gia trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng chắn sóng, bão, bảo vệ đê biển và khu nuôi trồng thuỷ hải sản. 

Hơn 100ha rừng ngập mặt mới được xã Thuỵ Xuân (Thái Thuỵ) trồng.

Hiện toàn xã có 289ha RNM đang được bảo vệ và hơn 100ha RNM đang trong giai đoạn chăm sóc, theo dõi. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, trồng từ 40 – 50ha. 

Bà Nguyễn Thị Phương, năm nay gần 80 tuổi, thôn Vạn Xuân Nam, xã Thuỵ Xuân, chia sẻ: Thấm thía những tác hại khi RNM  bị tàn phá, bản thân mỗi người dân giờ đây luôn ý thức được việc bảo vệ rừng vì đó là bảo vệ làng xóm, bảo vệ nhà cửa của người dân khỏi bị ảnh hưởng bởi sóng to, gió bão... Không chỉ tham gia bảo vệ rừng mà khai thác thủy sản cũng theo hướng bảo tồn, không khai thác những con có kích cỡ quá nhỏ. 

Ông Vũ Đình Bình, Trưởng thôn Bình An, xã Thuỵ Xuân cho biết: Trước đây, nhiều người phá rừng nuôi tôm là chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Nay thì ai cũng nhận ra việc phá rừng tác hại như thế nào đến đời sống, nên người dân đã thay đổi suy nghĩ. Ý thức về việc bảo vệ RNM được nâng lên rất nhiều nên rừng phát triển xanh tốt, từng ngày vươn ra biển, tạo thành tấm lá chắn bảo vệ tài sản của bà con. Khi rừng rậm rạp, người dân sống yên tâm hơn, không lo sợ sóng gió như trước kia. Đê biển có rừng bảo vệ, vững chắc không thua kém bê tông. 

Đoàn viên thanh niên tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường biển.

Còn theo anh Trần Văn Linh, Bí thư Huyện đoàn Tiền Hải thì để phong trào trồng rừng phát triển sâu rộng, những năm qua, Huyện đoàn Tiền Hải đã tích cực tham gia hưởng ứng bằng những hoạt động thiết thực, cụ thể như các phong trào, các cuộc vận động vì màu xanh quê hương; ngày thứ bảy tình nguyện; trồng và chăm sóc cây xanh. Thường xuyên tuyên truyền đến các tổ chức cơ sở đoàn nâng cao ý thức BVMT, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng BĐKH. Tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng, để việc bảo vệ rừng trở thành việc làm thường xuyên của mỗi cơ sở đoàn và đoàn viên thanh niên là những tuyên truyền viên tích cực trong công tác chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng. Hàng năm, hưởng ứng Tết trồng cây, Tháng thanh niên, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… Huyện đoàn đều phát động đoàn viên thanh niên tham gia trồng cây và trồng rừng tại các xã ven biển.

Trồng rừng tại xã Đông Hoàng (Tiền Hải).

RNM có giá trị to lớn về nhiều mặt trước sự đe dọa của BĐKH, giúp giảm thiểu tác động của sóng biển, ngăn ngừa nước biển dâng cao, góp phần quan trọng bảo vệ dân cư cũng như hạ tầng cơ sở ven biển. Tuy nhiên, tác dụng của RNM không chỉ dừng lại ở đó. Thực tế cho thấy, RNM đã bảo vệ các khu vực ven biển vững chắc hơn bất cứ công trình bê tông nào trước sức tàn phá của nước mặn và sóng biển. 

Với tầm quan trọng đó, Thái Bình đã xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tiếp tục triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển RNM như xây dựng chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với RNM ven biển, nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển RNM ven biển; đẩy mạnh việc giao, khoán bảo vệ rừng cho các thành phần kinh tế, cộng đồng và các hộ gia đình để bảo vệ và phát triển rừng; khuyến khích phát triển du lịch sinh thái; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong nhân dân về vai trò, chức năng của RNM ven biển cũng như trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

Cánh rừng ngập mặn xã Thuỵ Trường (Thái Thuỵ) với một màu xanh bao la.


Ông Nguyễn Xuân Khánh, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Để duy trì và phát triển RNM, ngành chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan quản lý, bảo vệ và phát triển RNM ven biển gắn với quy hoạch sử dụng đất. Tăng cường phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân lấn chiếm đất rừng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và mọi người dân trong bảo vệ và phát triển rừng, cũng như vai trò của rừng ven biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của BĐKH.

Ông Đinh Hải Lục, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thái Bình
Nhằm tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, tổ đội quản lý rừng thông qua công tác đào tạo. Đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cần thiết cho lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng. Tham mưu, xây dựng chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với rừng ven biển nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển RNM. Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Ông Dương Văn Tuẩn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Long (Tiền Hải)
Với 4,2km đê biển, xã Đông Long hiện có 296,7ha rừng và gần 60ha mới trồng chưa thành rừng. Để có được những cánh rừng xanh tốt như hiện nay, cấp ủy, chính quyền xã , các tổ chức đoàn thể và mỗi người dân đều quan tâm tới công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, xã đã tích cực phối hợp tổ chức trồng, chăm sóc, bảo vệ RNM, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Thành lập đội bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra, kịp thời phát hiện những vụ việc xâm hại, chặt phá cây rừng, đánh bắt thủy sản bằng phương pháp tận diệt. Với sự chung tay gìn giữ, bảo vệ của người dân và chính quyền địa phương, diện tích RNM ở xã Đông Long ngày càng được mở rộng để thích ứng với tình hình BĐKH và xâm nhập mặn hiện nay.


Nhóm phóng viên