Chủ nhật, 24/11/2024, 02:29[GMT+7]

Nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên

Thứ 7, 14/10/2017 | 11:12:44
825 lượt xem
Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 14/10. Dự hội nghị có đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị.

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng 14.377.682ha, tăng 315.826ha so với năm 2015. Độ che phủ rừng đạt 41,19%, tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm trong giai đoạn 2013 – 2016 so với 5,03%/năm trong giai đoạn 2010 – 2012. Bằng nhiều cơ chế, chính sách mới và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bảo vệ rừng, diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên, hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng. Công tác ngăn ngừa, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật, nhất là đối với hành vi phá rừng trái pháp luật được các cấp, các ngành quan tâm hơn, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm các quy định của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, giảm 3.439 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha, giảm 3.078ha so với cùng kỳ năm 2016. Tuy vậy tình hình vi phạm đối với rừng tự nhiên còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số khu vực miền Trung, Điện Biên. 

Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5 – 6%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha, duy trì ổn định 25 triệu việc làm, thời gian tới, bên cạnh việc bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có, cả nước phấn đấu trồng mới 1.025.000ha rừng; bảo đảm 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn; tăng cường thực thi pháp luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Ở Thái Bình, tổng diện tích rừng là 3.367,4ha, rừng có nguồn gốc là rừng trồng, trong đó rừng đặc dụng 847,6ha, rừng phòng hộ 2.519,8ha. Diện tích rừng mới trồng chưa thành rừng là 341,6ha. Nhận thức được tầm quan trọng của rừng ngập mặn, thời gian qua, Thái Bình đã tham gia và thực hiện nhiều chương trình, dự án bảo vệ rừng. Công tác quản lý, bảo vệ rừng được các ngành chức năng và chính quyền các địa phương có rừng thực hiện nghiêm túc.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng với 3 giải pháp trọng tâm: nghiêm túc thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, các địa phương cần quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, hành động nhất quán của các cấp, các ngành; kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng, tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện, không cải tạo rừng khộp nghèo,  nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; chống chặt phá rừng trái pháp luật. Tăng cường tuyên truyền về điển hình tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất đấu tranh, phòng ngừa đối với hành vi vi phạm.

Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày