Thứ 3, 23/07/2024, 14:17[GMT+7]

Xét nghiệm HIV sớm - hướng tới mục tiêu 90-90-90

Thứ 3, 05/12/2017 | 09:03:51
538 lượt xem
Nhân tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2017, chủ đề xét nghiệm HIV sớm - hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo về nội dung liên quan.

Bác sĩ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tư vấn cho đối tượng điều trị Methadone.

Phóng viên: Xin ông cho biết vài nét về kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Văn Dịu: Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các ngành, các cấp, các địa phương duy trì phối hợp, đẩy mạnh thực hiện. Riêng ngành Y tế đã tập trung các hoạt động can thiệp, giảm tác hại, chăm sóc, điều trị, tư vấn xét nghiệm HIV/AIDS, theo dõi giám sát, đánh giá truyền thông và huy động cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, lũy tích số người nhiễm HIV được quản lý là 3.284 người, số bệnh nhân AIDS còn sống là 1.405 người. 252 xã, phường, thị trấn phát hiện có người nhiễm HIV/AIDS. Tỷ lệ nhiễm HIV tại Thái Bình là 169 ca/100.000 dân. Toàn tỉnh hiện duy trì hiệu quả điều trị ARV cho 1.152 bệnh nhân HIV/AIDS tại 9 cơ sở điều trị. 100% số bà mẹ có HIV mang thai được điều trị dự phòng đúng phác đồ. Số bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ BHYT là 1.129, đạt 98%. Hiện ngành Y tế cũng đã tiếp nhận và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone cho 1.331 người nghiện ma túy tại 9 cơ sở điều trị Methadonl và 7 điểm cấp phát thuốc.

Phóng viên: Hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS có gặp khó khăn gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Dịu: Công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện đang gặp một số khó khăn như: Trước đây, đa số kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS được các tổ chức quốc tế tài trợ, song hiện tại nguồn viện trợ này đã bị cắt giảm và kết thúc tài trợ trong năm 2017. Kinh phí hỗ trợ cho các câu lạc bộ và hoạt động của các nhóm đồng đẳng viên không còn, nhiều nhóm trước hoạt động sôi nổi thì nay tan rã, có hoạt động cũng không duy trì được hiệu quả. Thông tin về người nhiễm HIV/AIDS không đúng hoặc không đầy đủ nên việc giám sát, hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Sự kỳ thị phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại, tuy không nặng nề như trước, song nhiều người vì sợ kỳ thị nên dù bản thân có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS vẫn ngại đi xét nghiệm. Khi đi xét nghiệm thì giấu tên, nhiều người xét nghiệm có kết quả dương tính với HIV song vì sợ kỳ thị nên ngại đến cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ điều trị, vì vậy nguy cơ nguồn lây ở cộng đồng còn cao...

Phóng viên: Hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, mục tiêu của Thái Bình là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Dịu: Thái Bình tổ chức phát động tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hướng tới các mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. Qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS nói chung và lợi ích của xét nghiệm HIV sớm nói riêng. Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt mở rộng xét nghiệm HIV sớm để phát hiện người nhiễm mới HIV nhằm đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình.

Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu trên, những hoạt động gì cần được chú trọng, thưa ông?

Ông Phạm Văn Dịu: Cần tổ chức mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như tư vấn xét nghiệm HIV lưu động; xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã. Tổ chức các hoạt động vận động đưa trẻ nhiễm HIV đến trường học chung với trẻ không nhiễm HIV và chống kỳ thị phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV. Tổ chức vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động, nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương. Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng. Ngoài ra, cần rà soát, chấn chỉnh, giám sát hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, bảo đảm tính sẵn có, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đặc biệt là các dịch vụ can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV. Tổ chức thăm hỏi, động viên các tổ chức, cơ sở chăm sóc, hỗ trợ và điều trị bệnh nhân AIDS, các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực và cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS; tăng cường các hoạt động giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng; giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị...

Phóng viên: Ông hãy cho biết một số thông điệp chuyển tải trong tháng hành động?

Ông Phạm Văn Dịu: Để sớm hướng tới mục tiêu 90-90-90, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân hãy tích cực hưởng ứng tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS là bảo vệ chính bạn và gia đình bạn; không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Người có nguy cơ nhiễm HIV, hãy đi xét nghiệm bởi đây là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của bạn và là để bảo vệ chính mình và người thân; để được điều trị kịp thời. Hãy chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS để góp phần phòng, chống HIV/AIDS. Người nhiễm HIV hãy tham gia bảo hiểm y tế bởi đây là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục, suốt đời, giảm bớt khó khăn về kinh tế...

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

HÀ DUNG

(thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày