Thứ 3, 23/07/2024, 12:21[GMT+7]

Việt Nam tăng hai bậc chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu

Thứ 4, 11/07/2018 | 15:03:38
447 lượt xem
Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018 ghi nhận Việt Nam xếp vị trí 45/126 quốc gia, tăng hai bậc so với 2017.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng. Ảnh minh họa.

Ngày 10/7 (22h00 giờ Việt Nam), tại New York, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo về xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (Global Innovation Index, gọi tắt là GII).

Đây là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia được WIPO phối hợp với Viện INSEAD, Pháp và Đại học Cornell, Hoa Kỳ thực hiện. 

Để xếp hạng các quốc gia sẽ dựa vào 21 nhóm chỉ số và 80 tiểu chỉ số, chia thành bảy trụ cột chính bao gồm: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.

Dựa trên các chỉ số này, năm 2018 Việt Nam tăng hai bậc, lên vị trí 45 trên 126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng (cải thiện 14 bậc so với xếp hạng năm 2016). Đặc biệt Việt Nam có điểm số cao trên mức trung bình trong cả bảy trụ cột.

Để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong chỉ số đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng cải thiện các nhóm chỉ số về môi trường kinh doanh, thị trường vốn và đầu tư, ứng dụng tri thức và công nghệ.Theo ông Sacha Wunsch - Wincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, Việt Nam nổi lên là một quốc gia đặc biệt vì liên tục thăng hạng trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp Thủ tướng với một Nghị quyết thành lập một nhóm chuyên viên đặc biệt, các bộ, ban, ngành để cùng thúc đẩy chính sách đổi mới sáng tạo. 

Thời gian qua, nhiều giải pháp được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, trong đó có tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu. Cụ thể, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; xây dựng, trọng dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật mạnh, kết hợp động viên, khuyến khích và đặt yêu cầu trở lại. Trong đó, quan tâm đầu tư, phát triển các trường đại học theo định hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề xuất Chính phủ có chính sách thúc đẩy để doanh nghiệp là chủ thể đi đầu trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin; tập trung quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký sáng chế, hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên tài sản trí tuệ .

Một số chỉ số của Việt Nam 

Chỉ số về Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tăng mạnh từ 74 lên 57;

Nhóm chỉ số về Trình độ thị trường tăng từ 17 lên 15.

Chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp tăng từ 23 lên 13.

Chỉ số Chi cho nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp tăng từ 52 lên 48.

Chỉ số Hợp tác đại học và doanh nghiệp tăng từ 76 lên 59.

Chỉ số Tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.


Theo vnexpress.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày