Thứ 3, 23/07/2024, 13:27[GMT+7]

Giải pháp kỹ thuật khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ 6, 22/02/2019 | 08:25:12
1,158 lượt xem

Người chăn nuôi chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, bảo vệ đàn vật nuôi.

1. Tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn bị bệnh, nghi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi:

- Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.
- Trường hợp 1 ổ dịch là cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn: đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi; tiêu hủy các đàn lợn của các hộ liền kề với hộ có đàn lợn dương tính nhưng chưa được lấy mẫu xét nghiệm.
Trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi mà không nhất thiết phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm để ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.
- Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ lợn trong cùng dãy chuồng; các dãy chuồng còn lại áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét nghiệm thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn bộ đàn lợn trong trang trại.

2. Khoanh vùng ổ dịch:

- Ổ dịch là trại, các trang trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 1 đơn vị cấp xã nơi phát hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi.
- Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.
- Vùng bị dịch uy hiếp là vùng bao quanh vùng có dịch: các địa phương thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 - 3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.
- Vùng đệm là vùng bao quanh vùng bị dịch uy hiếp: các địa phương thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc với tần suất 1 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định vi rút dịch tả lợn châu Phi.

3. Dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn:

- UBND huyện, thành phố thành lập các chốt kiểm dịch, chốt kiểm soát dịch bệnh, đội kiểm dịch lưu động kiểm tra, kiểm soát, nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được cấp “giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật” đối với các bệnh khác có thể được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương sau khi đã lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan chuyên môn thú y cấp tỉnh điều chỉnh, xác định vùng bị dịch uy hiếp phù hợp để áp dụng giải pháp dừng vận chuyển.
- Không vận chuyển lợn con, lợn giống ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp để nuôi tái đàn khi chưa có hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
- Đối với lợn trưởng thành hoặc trong trường hợp chủ hộ, trại nuôi lợn có nhu cầu giết mổ lợn phải xin phép và được giết mổ lợn dưới sự giám sát của cán bộ thú y với điều kiện kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thịt lợn và phụ phẩm chỉ được phép tiêu thụ trong phạm vi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm...

(Trích Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 5/1/2019 về ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi có khả năng xâm nhiễm vào Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày