Thứ 3, 23/07/2024, 13:31[GMT+7]

Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người

Thứ 5, 28/03/2019 | 16:16:40
949 lượt xem
Đó là khẳng định của ông Phạm Nam Thái, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thái Bình.

Chế biến thịt lợn sạch tại bếp ăn tập thể Trường Mầm non quốc tế Ngôi Sao Sáng (thành phố Thái Bình).

Theo ông Phạm Nam Thái, thời gian vừa qua, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện các thông tin chưa đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi như dịch tả lợn châu Phi có thể lây và gây bệnh cho người. Một số hình ảnh bệnh sán dây ở lợn lại đăng tải cho là hình ảnh của bệnh dịch tả lợn châu Phi, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Mặc dù thịt lợn là thực phẩm ưa thích của nhiều gia đình, song trước bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, nhiều người dân không hiểu rõ về dịch bệnh nên không mua thịt lợn cho thực đơn hàng ngày, làm ít nhiều ảnh hưởng đến cân đối cung, cầu và cơ cấu dinh dưỡng bữa ăn của gia đình... Trước thực trạng trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, truyền thông để người dân nâng cao nhận thức, hiểu rõ từ đó tránh hoang mang, lo lắng.

Ông Phạm Nam Thái cho biết: Bệnh dịch tả châu Phi lây truyền nhanh từ lợn sang lợn, không lây sang người. Tác nhân gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là vi rút  ASFV, nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn gây ra. Vi rút gây ra bệnh dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường thường. Song vi rút này có đặc điểm là chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C; 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C; 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở nhiệt độ 100 độ C. Vì vậy, mặc dù trong giai đoạn bệnh dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, người dân cũng hãy yên tâm, không nên lo lắng, hoang mang. Không nên tẩy chay loại bỏ thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch, được chế biến hợp vệ sinh ra khỏi bữa ăn hàng ngày. Thậm chí cả khi không may mua và sử dụng phải thịt lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi thì cũng không nguy hiểm đến sức khỏe, miễn là thịt lợn đó đã được nấu chín kỹ.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phạm Nam Thái, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo: Mỗi người  dân hãy tích cực tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hãy là người tiêu dùng thông minh, tiêu dùng sản phẩm an toàn, tiết kiệm. Trong thời điểm hiện nay, người tiêu dùng hãy cứ sử dụng thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày, song nên chọn mua các sản phẩm thịt lợn, sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt khi chế biến cần phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Người dân tuyệt đối không sử dụng các món ăn chưa được nấu chín kỹ nói chung, các món ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín kỹ nói riêng như: nem chạo, nem sống, tiết canh, gỏi... Bởi với những món ăn chưa được nấu chín kỹ có thể có tồn tại nhiều loại vi sinh vật gây bệnh khác, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy không lây và gây bệnh trên người, nhưng rất dễ lây lan trên đàn lợn. Khi lợn bị bệnh tỷ lệ tử vong lên tới 100%, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và nền kinh tế. Vì vậy, để bảo vệ đàn lợn, người dân cần chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng phòng, chống dịch bệnh. Cần thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn chuồng trại chăn nuôi. Không nên giấu dịch nếu phát hiện đàn lợn bị dịch bệnh. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến lợn bị bệnh... để phòng tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng.


HÀ DUNG

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày