Thứ 2, 22/07/2024, 23:33[GMT+7]

Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa xuân cuối vụ

Thứ 2, 25/05/2020 | 09:41:23
2,327 lượt xem
Hiện tại, trà lúa xuân sớm đang trong giai đoạn đỏ đuôi đến thu hoạch, trà xuân muộn ở thời kỳ ôm đòng đến chín sữa. Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhìn chung lúa tương đối đẹp và đồng đều. Tuy nhiên, trên đồng ruộng, các đối tượng sâu bệnh cuối vụ vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại, đặc biệt là sâu đục thân hai chấm, rầy các loại.

Để kiểm tra rầy, nông dân cần rẽ lúa, quan sát kỹ phần gốc.

Trên cánh đồng xã Hồng Dũng (Thái Thụy), nhiều ổ rầy lớn đã xuất hiện, mật độ từ 5.000 con/m2 đến hàng vạn con/m2. Phát hiện ruộng lúa của gia đình xuất hiện rầy nâu, bà Trần Thị Tuyết, xã Hồng Dũng đã mua thuốc về phun trừ. Tuy nhiên, rầy đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh nên sau 2 ngày phun, rầy vẫn bám đầy gốc lúa với mật độ cao. Bà Tuyết cho biết: Thực hiện theo đúng khuyến cáo, tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng bằng cách rẽ lúa, quan sát phần gốc lúa; tiến hành phun thuốc khi mật độ rầy từ 30 - 40 con/khóm. Do lúa đã phát triển cao, rậm rạp nên rất khó để phun thuốc, hiệu quả chưa cao. Lúa trỗ bông rất đẹp nhưng tôi lo vì rầy tập trung lớn, lại có trứng, chắc chắn lứa tiếp theo sẽ nguy hiểm hơn khi lúa ở giai đoạn nuôi bông.

Huyện Thái Thụy hiện có khoảng 1.500ha lúa nhiễm rầy với mật độ từ 1.500 con/m2 trở lên. Theo đánh giá của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, vụ xuân năm nay, do thời tiết thuận lợi nên rầy xuất hiện sớm với mật độ cao, diện phân bố rộng. 

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Theo điều tra của Trạm, từ đầu vụ đến thời điểm này mật độ và mức độ gây hại của rầy các loại ở vụ xuân năm nay cao và nặng hơn so với cùng kỳ nhiều năm. Theo số liệu điều tra ngày 16 - 18/5, rầy lứa 3 đã và đang nở rộ, mật độ rầy bình quân 300 - 500 con/m2, nơi cao 1.500 - 2.000 con/m2, cá biệt ổ rầy từ 7.000 - hàng vạn con/m2, chủ yếu là rầy cám tuổi 1 - 2. Trong khi đó mật độ rầy từ tuổi 4 đến trưởng thành, trưởng thành mang trứng, trứng rầy vẫn còn cao. Những vùng có mật độ rầy từ 1.500 con/m2 trở lên phân bố rộng ở hầu hết các xã trong toàn huyện. Từ nay đến ngày 10/6, rầy trưởng thành, trứng rầy sẽ tiếp tục được bổ sung và gia tăng nhanh trên đồng ruộng; rầy cám tiếp tục nở rộ với mật độ rất cao tùy theo trà lúa. Trước tình hình diễn biến phức tạp của rầy các loại không chỉ trên các giống nhiễm như Bắc thơm 7, Tạp giao và có nguy cơ lan rộng trên đồng ruộng, Trạm đã tham mưu UBND huyện, các cấp, các ngành chức năng tập trung chỉ đạo, đôn đốc và thông tin tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân thường xuyên thăm đồng kiểm tra để có biện pháp phòng, trừ kịp thời đạt hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy các loại gây ra. Đối với diện tích lúa trỗ trước ngày 15/5, tổ chức phun thuốc trừ rầy từ ngày 20 - 25/5; diện tích lúa trỗ sau ngày 15/5 đang được điều tra, theo dõi. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 150ha lúa trỗ bông sau ngày 20/5, do tính chất dồn mật độ, Trạm đã có thông báo, hướng dẫn phun thuốc trừ sâu đục thân hai chấm.

Các vùng lúa tại huyện Tiền Hải cũng đã phát hiện những ổ rầy có mật độ 2.000 - 3.000 con/m2, cá biệt 5.000 - 10.000 con/m2 (Đông Hoàng, Đông Long, Tây Ninh, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Thịnh...). Đã có diện tích thấp cây, lá vàng ra do rầy gây hại ở một số xã: Tây Ninh, Đông Long, Đông Hoàng, Nam Thanh...

Nông dân thị trấn Tiền Hải phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân cuối vụ. Ảnh: Mạnh Thắng

Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Để bảo vệ lúa xuân giai đoạn cuối vụ, quan tâm lớn nhất lúc này của các địa phương và nông dân là đối tượng rầy đang gia tăng mật độ. Trên các giống nhiễm rầy như Bắc thơm 7, T10, nếp... mật độ rầy non nơi cao 1.000 - 1.500 con/m2, cục bộ 3.000 - 5.000 con/m2; rầy trưởng thành mang trứng nơi cao 30 - 50 con/m2; trứng rầy có nơi hàng trăm ổ/m2. Rầy non tuổi 1 đến tuổi 2 lứa 3 gia tăng mật độ từ ngày 15/5 đến cuối tháng 5 gây hại trên trà lúa trỗ bông đến chín nếu không phòng, trừ kịp thời, rầy sẽ gây cháy lúa ở giai đoạn cuối vụ. Vì vậy, nông dân cần phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện rầy. Khi kiểm tra phải lội xuống ruộng, rẽ lúa, quan sát kỹ phần gốc, nếu thấy mật độ từ 1.500 con/m2 trở lên phải phòng, trừ ngay. Khuyến cáo nông dân nên sử dụng một trong các loại thuốc: Dupont Pexena 106SC, Palano 600WP, Dyman 500WP, Chess 50WG... để phun trừ. Các loại thuốc hóa học chỉ có hiệu lực trừ rầy cao khi phun thuốc ruộng có nước và rầy non mới nở, lượng nước pha thuốc phải bảo đảm tối thiểu từ 20 - 25 lít nước cho 1 sào; trong giai đoạn lúa trỗ bông phơi màu, khuyến cáo nông dân phun từ 15 giờ trở đi. Sau khi phun thuốc từ 5 - 7 ngày, kiểm tra lại nếu thấy mật độ rầy non còn ở ngưỡng 40 con/khóm cần phun lại ngay.


Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày