Thứ 7, 10/08/2024, 22:22[GMT+7]

Gian nan “nặn” từng con chữ

Thứ 2, 09/11/2015 | 08:58:46
2,269 lượt xem
Dù biết trước việc dạy chữ và truyền đạt kiến thức cho trẻ khiếm thị, khiếm thính sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng với tấm lòng và tình thương yêu con trẻ, nhiều thầy cô giáo đã tự nguyện đến nhận công tác tại các trường dành cho trẻ khuyết tật, kiên trì, bền bỉ “nặn” từng con chữ để các em tự tin bước vào đời, trở thành người có ích cho xã hội.

Thầy giáo Phạm Quang Huy dùng ngôn ngữ ký hiệu để dạy học sinh khiếm thính.

 

8 năm công tác tại Khoa Văn hóa chuyên biệt của Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) là cả một chặng đường mà biết bao học sinh khi sinh ra không may bị câm, điếc đều được thầy giáo Phạm Quang Huy truyền dạy từng nét chữ, từng ký hiệu, để đến giờ, khi nhắc lại, rất nhiều em phải thầm biết ơn thầy Huy cũng như các thầy cô trong Trường đã dày công dìu dắt đưa các em bước qua mặc cảm để tự khẳng định mình trước xã hội. Bắt đầu giảng dạy từ năm 2007, cho đến nay, khi đã là Trưởng khoa, người thầy “đặc biệt” ấy luôn tâm niệm một điều: “Dạy học cho những người câm, điếc ngoài tình thương và trách nhiệm còn cần có sự kiên trì, đồng cảm”. Tâm sự với chúng tôi, thầy Huy cho biết: Hầu hết các em đến học tại Trường đều bị câm, điếc bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình lại rất khó khăn nên không được can thiệp sớm bằng máy trợ thính, do vậy việc tiếp thu kiến thức rất hạn chế. Ðể giúp các em từng bước làm quen các chữ cái cũng như các ký hiệu, thầy cô trong Khoa phải tổ chức nhiều cuộc thảo luận, trao đổi nhằm tìm ra phương pháp dễ tiếp thu nhất cho các em. Từ việc cô đọng giáo án, truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất, hạn chế ngôn ngữ trìu tượng, dùng tranh, ảnh để minh họa…, qua thời gian, phương pháp đó đã giúp các em tiếp thu kiến thức một cách căn bản nhất.

 

 

Các em học sinh Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật hăng hái tham gia phát biểu.

 

Cùng thầy Huy, chúng tôi đến dự lớp học câm, điếc của cô giáo Bùi Thị Vân Anh trong giờ làm toán. Mỗi buổi học, dù chỉ dạy mấy phép toán đơn giản nhưng để các em dễ tiếp thu bài cô phải sử dụng rất nhiều công cụ hỗ trợ. Vì các em vừa câm, vừa điếc nên khi giảng, cô phải giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ, ký hiệu. Cô Vân Anh cho biết: Ðể các em dễ tiếp thu bài, chúng tôi đã sáng chế ra một số đồ dùng dạy phù hợp với từng môn học cho học sinh. Học sinh ở đây thường không tập trung, lại hay cáu gắt nên khi các em có chuyện, tôi phải kiên nhẫn dỗ dành các em mới chịu nghe. Từ những đứa trẻ câm, điếc, sống âm thầm, tự kỷ nhưng khi tới đây, các em được thầy cô tận tình giúp đỡ, dạy bảo kỹ năng sống để hòa nhập cộng đồng.

 

Khác với lớp học dành cho học sinh khiếm thính, lớp học dành cho các em khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh lại có khó khăn riêng. Bởi hiện nay, việc dạy học của các cô giáo ở Hội chỉ mang tính tự phát vì Hội Người mù tỉnh chưa có chức năng dạy học, tất cả chỉ bằng tình thương yêu con trẻ do các thành viên của Hội khảo sát nhu cầu học tập của trẻ em khiếm thị tại các địa phương. Mọi chi phí, từ thuê giáo viên đến sinh hoạt phí cho các em đều do Hội chi trả. Vượt lên mọi khó khăn, những người thầy không chuyên ấy đã giúp nhiều trẻ em khiếm thị khắc phục được những khiếm khuyết của đôi mắt để có thể tự ăn uống, vệ sinh, tự định hướng di chuyển, học được chữ Braille (chữ nổi dành cho người khiếm thị), được tiếp thu thông tin bên ngoài thông qua việc đọc sách, báo, giao lưu với bạn bè để xóa đi mặc cảm, tự ti. Sau một thời gian tham gia lớp học tiền hòa nhập tại Hội Người mù tỉnh, học sinh khiếm thị có thể theo học tại các trường như các bạn sáng mắt. Cô Phạm Thị Thắm, giáo vụ phụ trách công tác học tập của Hội cho biết: Hiện nay, Hội Người mù tỉnh có khoảng 30 em đang theo học ở cả 3 cấp từ tiểu học, trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Ðể các em có thể hoàn thành được 3 cấp học, giáo viên của Hội phải trải qua thời gian dạy tiền hòa nhập khoảng 10 tháng rất vất vả, nhất là việc luyện học chữ nổi. Em Nguyễn Khánh Chi, quê xã Ðô Lương (Ðông Hưng), học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) cho biết: Ngày đầu đi học, được cô cho làm quen với bảng con cắm và các ký hiệu của bảng chữ cái, em chỉ cảm nhận bằng đầu ngón tay nên rất khó nhớ. Với sự cố gắng của bản thân và sự nhiệt tình chỉ bảo của cô giáo, sau 3 tháng, em đã đọc, viết bằng chữ Braille thành thạo. Khó khăn, vất vả của những người thầy khó có thể diễn tả hết bằng lời bởi ngoài việc dạy chữ, các thầy cô còn làm cả công việc của người thân trong gia đình, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Cô giáo Phạm Thị Phương chia sẻ: Khi mới đến lớp, các em còn rất nhiều bỡ ngỡ, một số em do chưa được tiếp xúc nhiều với bên ngoài, lại bị khiếm khuyết về mắt nên không hình dung chính xác được mọi đồ vật, khái niệm như quy luật trái, phải, việc định hình đồ vật, do đó chúng tôi phải chỉ bảo từng chi tiết nhỏ. Ðó là chưa kể nhiều em xa nhà nên hay khóc, tôi phải thường xuyên động viên, dỗ dành các em. Ngoài việc dạy chữ nổi, các cô giáo tại Hội Người mù tỉnh còn mở lớp dạy tin học thông qua phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị, qua đó giúp các em dễ dàng hòa nhập.

 

 

Một tiết học chữ nổi của cô và trò Hội Người mù tỉnh.

 

Tình thương của các thầy, các cô không chỉ dừng lại ở việc dạy chữ, dạy kỹ năng sống mà mong muốn lớn hơn của các thầy cô khi các em ra trường là có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân. Vì vậy, cùng với dạy chữ, các em còn được các thầy, các cô dạy các nghề thiết thực với cuộc sống như nghề mộc, nghề may tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật, nghề tẩm quất tại Hội Người mù tỉnh. Rất nhiều em sau những lớp học này đã trở thành chủ cơ sở với thu nhập ổn định.

 

Sự nhiệt tình, tận tụy và tình thương yêu đối với học sinh khuyết tật của các thầy, các cô đã thực sự tạo niềm tin để các bậc phụ huynh yên tâm đưa con đến gửi gắm, là chỗ dựa giúp người khiếm thị, khiếm thính vượt qua mặc cảm, tự tin hòa nhập cộng đồng.

 

 

Tiết mục văn nghệ của thầy và trò Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật.

 

Giờ học Toán của học sinh khiếm thính Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật.

 

Học sinh Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật thực hành nghề mộc.

Nguyễn Cường

  • Từ khóa