Thứ 2, 22/07/2024, 20:27[GMT+7]

Giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng: Nhân lên niềm tự hào quê hương

Thứ 2, 12/10/2020 | 08:25:36
9,482 lượt xem

Nhà hát Chèo Thái Bình đã phục dựng thành công nhiều vở chèo truyền thống.

Ngày 30/1/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nghị quyết đã và đang được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị triển khai tích cực, góp phần nhân lên tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất, con người Thái Bình, khơi dậy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng đất Ngự Thiên xưa, Hưng Hà ngày nay được xem là vùng đất cổ của Thái Bình, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của Thái Bình và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tự hào về điều này, Hưng Hà là địa phương sớm quan tâm đến giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tiếp nối kết quả này, khi Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được ban hành, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến của huyện Hưng Hà càng đi vào chiều sâu, có những bước tiến mới. Nhằm góp phần phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống ở các vùng quê gắn với các quy định của Nhà nước, huyện đã chỉ đạo các khu dân cư tổ chức rà soát nội dung quy ước, hương ước. Hiện tại, có 137/252 thôn, tổ dân phố đang thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay thế quy ước, hương ước theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ. Một đặc trưng của huyện Hưng Hà là cùng với xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, huyện còn thực hiện xây dựng dòng họ văn hóa. Năm 2019, toàn huyện có 91,5% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, 51,5% dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ văn hóa”, 93,2% khu dân cư đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” (đạt cao nhất từ trước tới nay), 81,8% xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Không chỉ có Hưng Hà, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị về giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Song nếu như trước đây việc giáo dục này ở mỗi nơi thực hiện mỗi khác, tùy theo sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và đội ngũ lãnh đạo thì sau khi Nghị quyết số 04 được ban hành, công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng trở nên có hệ thống, quy củ, nền nếp, được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. 

Bà Lê Thị Huyền, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳnh Phụ cho biết: Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đổi mới nội dung, phương pháp, chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, sau khi Nghị quyết số 04 được ban hành, huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức hơn 100 lớp học tập, quán triệt Nghị quyết cho ba nhóm: cán bộ chủ chốt; đảng viên; cán bộ, đoàn viên, hội viên các đoàn thể. Sau đợt học tập, quán triệt Nghị quyết, việc triển khai các hoạt động giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương cũng được tổ chức sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Bám sát những mục tiêu cơ bản và 5 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết, mỗi ngành, mỗi cấp đều đã triển khai các nội dung giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử phù hợp với nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị mình. 

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, riêng đối với chuyên đề lịch sử, địa lý địa phương đã được ngành Giáo dục biên soạn, phát hành giảng dạy trong cấp tiểu học nhiều năm qua. Để đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình tổ chức biên soạn tài liệu để triển khai giảng dạy kiến thức bản địa về địa lý, lịch sử, văn hóa địa phương cho các trường phổ thông. Việc triển khai giảng dạy kiến thức bản địa trong trường học nhằm xây dựng các thế hệ học sinh Thái Bình, người Thái Bình thông hiểu lịch sử nơi chôn nhau cắt rốn, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào về quê hương, qua đó không ngừng luyện rèn bản lĩnh, tính cách nổi trội... phản ánh những nét riêng của vùng đất, con người Thái Bình.

Giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng là nhiệm vụ của mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương, trong đó không thể không kể đến vai trò trọng tâm, then chốt của ngành Văn hóa. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Nghị quyết số 04 sâu rộng đến các đơn vị toàn ngành và các địa phương, trong đó một trong các ưu tiên tập trung là hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của quê hương. Đến nay ngành đã hoàn thành kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh với 2.969 di tích đã được kiểm kê, hoàn thành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 5/8 huyện, thành phố. Công tác quy hoạch, phân cấp và tổ chức quản lý di sản văn hóa được tăng cường. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm đẩy mạnh, việc khôi phục thuần phong, mỹ tục tại các địa phương có bước chuyển biến mạnh mẽ, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 câu lạc bộ với trên 60 loại hình nghệ thuật khác nhau làm cơ sở để giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương...

Tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, thông tin xấu độc trên internet, mạng xã hội và sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ngày càng phức tạp. Sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa nước ngoài, văn hóa phẩm độc hại đã và đang ảnh hưởng lớn đến đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân; làm xói mòn truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng trong nhân dân. Vì vậy, việc quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng càng trở thành nhiệm vụ cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

" Việc ban hành Nghị quyết số 04 về tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng thể hiện tầm nhìn mới, tư duy mới trong định hướng phát triển của Thái Bình. Nếu các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đều thực sự quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng, đưa Nghị quyết số 04 đi vào cuộc sống chắc chắn sẽ tạo nên một bước chuyển biến mới trong đời sống tinh thần của nhân dân. Khi truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng được phát huy chắc chắn sẽ tạo nên nguồn lực tinh thần, sức mạnh nội sinh trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để góp phần thực hiện thắng lợi toàn diện và bền vững các nhiệm vụ chính trị của tỉnh như mục tiêu Nghị quyết số 04 đã đề ra."

(Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, 
nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)


Trần Thu Hương