Thứ 7, 04/05/2024, 19:30[GMT+7]

Phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế

Thứ 5, 15/10/2020 | 08:14:49
10,729 lượt xem
Cùng với chính trị, kinh tế và xã hội, văn hóa là 1 trong 4 trụ cột chính tạo nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, mỗi địa phương.

Hoạt động tế lễ trong lễ hội đền Lộng Khê, xã An Khê (Quỳnh Phụ).

Cách đây hơn 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Tư tưởng chỉ đạo, chủ trương xuyên suốt mà Đảng ta đã đề ra trong nhiều nhiệm kỳ qua là “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng, Thái Bình đã và đang tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư cho phát triển văn hóa để xây dựng văn hóa thực sự vừa là nền tảng tinh thần vừa là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Quan tâm xứng đáng, chuyển biến tích cực

Từ nhiều năm nay, xã Bình Định (Kiến Xương) được ca ngợi là miền quê đáng sống. Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, Bình Định đã có sự bứt phá ngoạn mục về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều đặc biệt tạo nên sự nổi trội, khác biệt ở địa phương là song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được quan tâm đặc biệt. Môi trường trong lành, làng quê bình yên, nhân dân đoàn kết, vui tươi, phấn khởi lao động sản xuất, tham gia các hoạt động cộng đồng, đời sống nhà nhà no ấm là thực tế đang hiện hữu tại Bình Định. Như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận xét, về Bình Định ông cảm nhận được một môi trường văn hóa theo nghĩa rộng.

Không chỉ có Bình Định, trên địa bàn tỉnh còn không ít miền quê đáng sống như thế. Cùng với đời sống vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng có sự đổi thay tích cực. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển ngày càng sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và khu dân cư, phát huy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có trên 90% số gia đình, trên 93% số thôn, tổ dân phố, trên 81% số xã, trên 74% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và trên 81% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Mỗi năm, ngân sách tỉnh đầu tư 18 - 20 tỷ đồng, nguồn lực xã hội hóa từ nhân dân huy động khoảng 40 tỷ đồng cho việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư với 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và khu thể thao; tỷ lệ thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, sân thể thao tăng cao là cơ sở thúc đẩy các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh nhận xét, văn hóa đã được nâng tầm, có sự quan tâm, đầu tư xứng đáng hơn. Vì vậy, văn hóa từ đô thị đến nông thôn đang được chấn hưng và có nhiều khởi sắc. Nhận thức về vai trò của văn hóa trong các cấp ủy đảng và trong nhân dân được nâng cao. Truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình được chú trọng phát huy. Dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ qua là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 về tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điều này cho thấy tỉnh đang có sự quan tâm lớn dành cho văn hóa. Khi văn hóa được chấn hưng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế và tạo sự phát triển bền vững cho các lĩnh vực khác.

Bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế và văn hóa

Tại Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng, văn kiện của Đảng đánh giá văn hóa phát triển chưa tương xứng với các lĩnh vực khác. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đó là quan điểm tiếp cận trong xây dựng chính sách và triển khai các nhiệm vụ dành cho văn hóa còn nhiều bất cập. Cũng giống như thực trạng chung cả nước, thực tiễn phát triển cho thấy có không ít giai đoạn, ở không ít cấp, ngành, trong không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt, việc xây dựng và phát triển văn hóa còn bị xem nhẹ, chưa đặt đúng vị trí trong sự phát triển của tỉnh. Một trong những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015 - 2020 mà Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đã nêu là phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người và giải quyết các vấn đề xã hội. 

Trong cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tháng 9 vừa qua, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Quan điểm của Thái Bình là song song với phát triển kinh tế tiếp tục chú trọng phát triển văn hóa để văn hóa phải tạo động lực, sinh khí, sức sống mới trên mọi địa bàn dân cư. Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ đề ra các chiến lược cho phát triển văn hóa, xã hội, sẽ xây dựng các kế hoạch đầu tư, phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy đảng đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, từ đó khơi dậy trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân và người Thái Bình đang sinh sống trên mọi miền đất nước cùng đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông góp phần nâng cao trình độ dân trí, cải thiện sức khỏe, tầm vóc con người là một trong những nhiệm vụ lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 5 năm tới. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, với vai trò là ngành thường trực trong triển khai các nhiệm vụ văn hóa, thể thao và du lịch, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, các nghị quyết, kế hoạch của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, cách mạng; tăng cường đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch; phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng, chú trọng đầu tư cho thể thao thành tích cao... Phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Thái Bình phát triển toàn diện cả về đạo đức, nhân cách, trí tuệ, thể chất và năng lực, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Trần Hương