Thứ 6, 17/05/2024, 16:56[GMT+7]

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Thứ 3, 01/12/2020 | 18:51:40
9,720 lượt xem
Ngày 1/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Tâm

Audio: 0112_HOI_NGHI_BAN_THUONG_VU_mixdown.mp3

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và các huyện, thành phố.

Nỗ lực ở mức cao nhất tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Buổi sáng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2021; một số nội dung liên quan đến tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước và thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với đánh giá trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2021 đồng thời cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2021 từ 9,1% trở lên cần phải có quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng với sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm thực hiện của các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu kết luận, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Năm 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 trong điều kiện có nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động lớn đến đời sống của nhân dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh song cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh đã làm tốt công tác cách ly, điều trị, kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng; thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, giữ vững môi trường ổn định, tạo điều kiện thực hiện thắng lợi mục tiêu kép phòng, chống dịch bệnh đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. 

Từ các biện pháp chỉ đạo quyết liệt đó cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2020 cơ bản ổn định và tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,1% so với năm 2019. Tiếp tục duy trì và giữ vững tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm, ngư nghiệp (đạt 3,3%). Đã kịp thời chỉ đạo bảo đảm về cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và phòng, chống thiên tai; có nhiều biện pháp khôi phục đàn lợn, phát triển đàn trâu, bò, nhất là phát triển thủy sản. Dù chịu tác động của dịch Covid-19 song công nghiệp và xây dựng vẫn tăng trưởng 2,8%; thương mại, dịch vụ tăng trưởng 2,5%. Nhiều cơ sở kinh doanh, các loại hình dịch vụ được hình thành, phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội. Các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp đã đoàn kết, nỗ lực vượt bậc vượt qua giai đoạn khó khăn, chủ động tìm hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp có nhiều cố gắng trong nắm bắt tình hình, động viên, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó,  duy trì và phát triển sản xuất.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo quyết liệt tập trung giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm để rút ngắn thời gian hoàn thành công trình, đưa nguồn lực đầu tư công vào xã hội, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra cơ hội phát triển mới cho tỉnh trong thời gian tới. Việc xúc tiến đầu tư, giải quyết các thủ tục đầu tư hạ tầng Khu kinh tế được quan tâm đẩy mạnh. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Thái Bình vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm học 2020 - 2021 với nhiều thành tích cao; đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT trên toàn tỉnh và đạt kết quả cao trong tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Những thành tựu Thái Bình đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 là rất đáng khích lệ, cần có sự đánh giá toàn diện, đầy đủ, khách quan để tiếp tục phát huy trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần tập trung đánh giá đúng, thực chất, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đó là: Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao và đạt hiệu quả cao hơn, tiếp cận với nhu cầu thị trường nhiều hơn chưa thực sự rõ nét; chưa có chiến lược tái cơ cấu ngành Nông nghiệp một cách bài bản. Vì vậy, cần rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện, thực chất và xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mới bảo đảm tính khả thi cao hơn với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân nông thôn. Ngành Nông nghiệp cần cụ thể hóa nhiệm vụ của ngành đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX để có giải pháp phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững hơn trong thời gian tới.

Trong sản xuất công nghiệp, việc nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cũng vì thế, việc đánh giá, đề ra các chủ trương, chiến lược phát triển của ngành chưa thực sự sát đúng, chưa tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, do vậy cần có cách làm mới, hiệu quả hơn trong thời gian tới. Thu hút đầu tư vào tỉnh chưa có nhiều chuyển biến tích cực, thời gian tới các cấp, các ngành cần có sự thay đổi cả về nhận thức, tư duy và hành động với cách làm hiệu quả để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà đầu tư. Trước mắt, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn cụ thể hóa các nội dung đã thống nhất tại hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Thái Bình” để khẩn trương thực hiện, tạo tiền đề tổ chức các hội nghị xúc tiến tiếp theo với các nhà đầu tư chiến lược khác, mở rộng thu hút đầu tư, sớm tìm được nhiều nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh.

Các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, nhất là đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, y tế, văn hóa..., đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu của người dân. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân với trách nhiệm cao nhất, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, tạo điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, bảo đảm tốt an ninh trật tự, giữ bình yên cuộc sống của nhân dân, tạo hình ảnh đẹp, môi trường đầu tư thân thiện cho Thái Bình. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khẩn trương kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phân công nhiệm vụ cho cấp ủy, xây dựng hoàn thiện quy chế làm việc, chương trình công tác; trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021 gắn với mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.

Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Tâm 

Tiếp tục thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, xã hội hóa dịch vụ công

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 1/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo: Việc giao biên chế công chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh năm 2021; việc giao tổng số lượng người làm việc, hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập và định suất hợp đồng lao động để hỗ trợ kinh phí hoạt động năm 2021; tiến độ triển khai thực hiện Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP, ngày 14/9/2020 của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sau khi các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến, phát biểu kết luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm lộ trình tinh giản biên chế, có phương án xử lý, điều hành nguồn kinh phí hoạt động một cách linh hoạt, tiết kiệm hơn. Cùng với việc tinh giản biên chế, huy động các nguồn lực của xã hội để thực hiện các dịch vụ công, tiến đến xã hội hóa các dịch vụ công trên địa bàn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương giải thể Sở Ngoại vụ, tuy nhiên phải tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngoại vụ, công tác đối ngoại, nhất là thu hút đầu tư vào tỉnh. Đối với việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, thống nhất sẽ bố trí linh hoạt cấp phó các sở, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với tình hình thực tế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giữ nguyên mô hình hoạt động của phòng y tế cấp huyện; tuy nhiên, các huyện, thành phố cần tập trung chỉ đạo các phòng y tế thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hoạt động để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Sau khi thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất sợi của Công ty Đông Tín, Hồ Nam tại cụm công nghiệp An Ninh, huyện Tiền Hải; ban hành quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021 - 2025; thống nhất phương án phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Mạnh Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày